Công ty giày da Huê Phong (Gò Vấp, TP.HCM) đã phải thu hẹp sản xuất do dịch COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đó là nhận định của ông Trần Hoàng Ngân - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngân nhận định từ quý 3-2020 trở đi, tình hình càng khó hơn cho các DN bởi đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành trên thế giới.
Nhu cầu hàng hóa giảm mạnh, kinh tế thế giới dự báo còn giảm sâu, thậm chí là "lặn sâu". VN là nền kinh tế mở, với kim ngạch xuất nhập khẩu trên 520 tỉ USD, gấp đôi GDP. Một khi các nước, nhất là các đối tác kinh tế lớn của VN như Mỹ vẫn đang vất vả đối phó với dịch bệnh, nhu cầu hàng hóa sẽ không còn như trước.
Nhiều DN không có đơn hàng xuất khẩu, dự báo số người mất việc, thất nghiệp sẽ còn tăng trong những tháng tới.
Trong tình huống này, cần có gói hỗ trợ đợt 2 để giúp số DN chờ giải thể, dừng hoạt động có thể trở lại sản xuất kinh doanh, giảm tối đa sa thải lao động. Gói hỗ trợ đợt 1 (khoảng 2 - 3% GDP) đã triển khai chưa được như mong muốn. Do vậy, cần phải đánh giá lại quá trình triển khai gói thứ nhất, từ đó xây dựng gói hỗ trợ đợt 2.
* Gói hỗ trợ đợt 2 phải có gì khác so với đợt 1?
- Gói hỗ trợ đợt 2 phải đảm bảo nguyên tắc giúp DN trụ lại, còn gói an sinh xã hội giúp người lao động mất thu nhập do mất việc trang trải chi phí khi chờ việc.
Hai gói này hỗ trợ cho nhau. Quan trọng là các gói hỗ trợ này phải đến được tay DN và người dân. Không thể tái diễn như gói hỗ trợ 1, tiền không đến tay một số đối tượng cần hỗ trợ.
Gói hỗ trợ phải đón đầu "làn sóng" mất việc có thể đến do thị trường xuất khẩu gặp khó. Điều này chưa diễn ra trong thời gian tháng 3 đến tháng 5, cao điểm dịch tại VN. Khi đó chỉ có các lao động tự do, lao động thời vụ bị ảnh hưởng. Còn tới đây, mất việc là những lao động "cơ hữu" của các DN làm hàng xuất khẩu như giày da, quần áo, đồ gỗ...
Không chỉ hỗ trợ DN vừa và nhỏ, cần hỗ trợ cả DN đầu đàn, DN lớn dẫn dắt nền kinh tế, thương hiệu quốc gia lớn, như Hãng hàng không Vietnam Airlines hoặc DN có hàng hóa xuất khẩu đi nhiều nước. Những DN này đã đóng thuế lớn khi ăn nên làm ra những năm qua nhưng nay gặp khó, Chính phủ không thể quay lưng. Phải giúp họ vượt qua.
Ngoài ra, nên cấp thêm vốn cho quỹ bảo lãnh DN vừa và nhỏ để tăng cơ hội vay vốn ngân hàng. Cần kéo dài thời gian hoãn nộp thuế, tiền thuê đất ra cuối năm hoặc lâu hơn... Đặc biệt, nghiên cứu hoàn lại một phần tiền thuế thu nhập DN năm 2019 mà DN đã nộp để họ có nguồn lực vượt khó...
Nhiều nước có gói hỗ trợ tương đương 10% GDP. Trước đây, năm 2008, chúng ta cũng đã có gói kích thích kinh tế khoảng 10% GDP. Nay quy mô gói đợt 2 cũng phải như thế mới giúp người dân, DN vượt khó.
* Như vậy, Chính phủ sẽ vay thêm tiền để thực hiện gói hỗ trợ đợt 2 nhưng có lo ngại sẽ lại làm tăng nợ công?
- Đại dịch COVID-19 trên thế giới làm cho hàng trăm triệu lao động mất việc, cả triệu DN ngấp nghé phá sản. Kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng dự báo tăng trưởng -3% nhưng bây giờ xuống đến -4,9%, thậm chí có tổ chức dự báo -7,6%.
Vì thế tất cả các nước đều tung ra gói hỗ trợ người dân và DN, chấp nhận bội chi cao hơn, vay nợ nhiều hơn để có tiền cứu trợ. Trong năm 2019, bình quân bội chi ngân sách chính phủ các nước khoảng 3,9% GDP nhưng đã tăng lên 13,9% trong năm 2020.
Năm 2019, nợ công toàn thế giới ở mức 82,8% GDP nhưng năm 2020 ước là 101,5% GDP toàn thế giới.
Với VN, chúng ta có dư địa rất lớn để Chính phủ vay thêm tiền nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Giai đoạn năm 2016 - 2019, VN đã kiểm soát rất tốt nợ công, nhờ bội chi giảm, GDP tăng trưởng khá 7%.
Trần nợ công cho phép là 65%, nhưng chúng ta đã kéo nợ công từ 63,7% GDP còn 54,7% GDP, giảm khoảng 9%. Nay do đại dịch, chúng ta có thể tăng mức nợ công thêm 3 - 4%, lên 57 - 58% GDP để Chính phủ có tiền hỗ trợ DN và người dân mà vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô.
Mặt khác, trong bốn năm qua chúng ta liên tục xuất siêu, tổng cộng 22 - 23 tỉ USD, dự trữ ngoại hối tăng mạnh. Đó là của để dành, nay dùng nguồn lực này để vực dậy DN, giữ công ăn việc làm cho người lao động.
* Nhưng nợ công tăng cũng ảnh hưởng đến lạm phát, trong khi lạm phát những tháng đầu năm khá cao?
- Đây là vấn đề cần phải phân tích đến ngọn ngành, không gây ra lo lắng quá mức. Bốn năm qua, chúng ta giữ lạm phát dưới 4%/năm. Lạm phát hiện vào khoảng 4,19%, do giá lương thực, thực phẩm tăng cao.
Như giá thực phẩm tăng 14,28%, chủ yếu là do giá thịt heo tăng (do dịch bệnh, thiếu hụt nguồn cung, chứ không phải do tăng cung tiền hay nới lỏng tài khóa).
Khi tính lạm phát để điều hành chính sách tiền tệ, người ta thường quan tâm lạm phát cơ bản, loại bỏ các yếu tố bất thường do thiên tai, biến động giá lương thực và xăng dầu... Lạm phát cơ bản đang ở mức 2,8% nên không quá lo lắng về lạm phát nếu có gói hỗ trợ thứ 2.
Mặt khác, dự báo lạm phát trên thế giới cũng giảm do nhu cầu tiêu dùng ở mức thấp. Ở VN, Chính phủ đang tập trung tăng nguồn cung thịt heo, kiểm soát giá gạo ở mức hợp lý để không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
* Cần có gói hỗ trợ đợt 2, nhưng thực tế gói đợt 1 triển khai chưa thông suốt. Chưa kể chúng ta có nguồn lực từ 700.000 tỉ đồng đầu tư công nhưng chưa khai thác tốt để tạo ra việc làm cho DN và người lao động?
- Đúng là có tâm lý lo ngại làm sai, bị kỷ luật. Vì vậy, khi đã xác định khôi phục kinh tế như chống giặc, cũng cần xác định phải có điều hành như thời chiến.
Có giải ngân được đầu tư công, cộng với gói hỗ trợ đợt 2, tạo ra "song kiếm hợp bích" để tạo việc làm cho người lao động, giữ DN ở lại thương trường. Cần có luật đặc biệt để giải quyết nhanh những thủ tục, đặt hiệu quả lên hàng đầu, chứ không phải là quy trình, đó là "luật thời chiến chống giặc COVID-19".
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Ông Chu Tiến Dũng (chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM):
Không nên cào bằng
Nhiều DN vẫn chưa tiếp cận các gói hỗ trợ, như gói 62.000 tỉ đồng, bởi rất khó thỏa mãn các thủ tục, điều kiện theo như quy định. Thực tế cho thấy các ngân hàng cũng thận trọng bởi lo ngại rủi ro khi rót vốn cho DN, chưa kể nhiều DN ngại vay do thị trường vẫn đang gặp khó bởi dịch Covid-19.
Do đó, nếu có gói hỗ trợ mới, không nên dàn trải, cào bằng như gói hỗ trợ DN vừa qua mà cần đi vào trọng tâm, hướng đến một số ngành "đầu kéo" hay tập đoàn lớn có tầm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, chẳng hạn như ngành hàng không.
Trong thực tế, các hãng bay đều gặp khó do vay nợ quốc tế để thuê máy bay nhưng nhiều máy bay vẫn đang nằm bãi vì các đường bay quốc tế chưa mở cửa trở lại.
NGỌC HIỂN ghi
Tính toán gói kích thích kinh tế dài hạn 2020 - 2022
Trao đổi về gói kích thích kinh tế dài hạn trong những năm tới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng việc tính toán một gói kích thích kinh tế dài hạn cần phải dựa trên tình hình kinh tế vĩ mô thời gian tới.
Giờ mới hết 6 tháng, về dài hạn phải tính toán tới cân đối vĩ mô của cả năm 2020, dự báo năm 2021 và năm 2022 ra sao để đưa ra những chính sách kích thích kinh tế phù hợp.
Từ những dự báo dài hạn, các bộ, ngành sẽ đề xuất Chính phủ kích vào đâu, bao nhiêu và như thế nào là phù hợp trong thời gian tới.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, các bộ, ngành phải căn cứ vào tình hình kinh tế vĩ mô của cả năm 2020 để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế, từ đó mới tính tới các giải pháp sẽ sử dụng tín dụng hay ngân sách để kích thích kinh tế. Thủ tướng đã có định hướng, các bộ, ngành sẽ căn cứ vào sức khỏe của nền kinh tế để có những giải pháp cụ thể.
Chẳng hạn, chính sách giãn, hoãn, miễn giảm thuế, phí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu ngân sách, vì vậy các bộ, ngành sẽ phải tính toán rất kỹ bài toán cân đối thu chi ngân sách, không thể để bội chi quá lớn - Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết thêm.
BẢO NGỌC
Ông Nguyễn Văn Đệ (chủ tịch Công ty Hợp Lực):
Gỡ khó thủ tục cũng là hỗ trợ
Tôi cho rằng gói hỗ trợ lần 2 triển khai cũng sẽ gặp khó, nếu vẫn giữ những nguyên tắc ràng buộc như lần 1, chưa kể khả năng chỉ có những DN lớn được hỗ trợ, còn DN nhỏ và vừa cần ưu tiên hơn lại khó tiếp cận.
Do đó, cần ưu tiên và quan tâm nhiều hơn cải cách môi trường và điều kiện kinh doanh bởi các quy định, điều kiện hết sức phức tạp và chồng chéo, gây rất nhiều khó khăn cho DN.
Dù Thủ tướng rất quyết liệt chỉ đạo tập trung tháo gỡ cho DN, nhưng thực tế bên dưới vẫn còn những hạn chế. Ví dụ một thủ tục đầu tư có thể phải qua 7-8 bước, mỗi bước phải qua nhiều sở, ban ngành, nhân ra không biết bao nhiêu bước.
Tại sao không gộp lại được? Có nhiều địa phương gộp được nhưng vẫn có địa phương làm rất máy móc, đổ cho luật nọ luật kia, rất phức tạp nên nhiều DN không làm nổi.
Bộ Tư pháp và chuyên gia của Chính phủ ngồi lại với nhau thảo luận từng bộ luật một, từng vấn đề được cộng đồng DN phản ánh còn bất cập. Vấn đề nào nên gom và gộp lại để sửa đổi, còn để thế này địa phương và sở, ngành dù làm đúng luật nhưng vẫn rất rườm rà và khó khăn.
Bà Phan Thị Thanh Xuân (phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách VN):
Chủ trương kịp thời, triển khai khó khăn
Các gói hỗ trợ của Chính phủ đến thời điểm này tôi cho rằng rất phù hợp, kịp thời. Nhưng DN kêu nhiều về điều kiện để đáp ứng tiêu chí hỗ trợ.
Trước khi Chính phủ yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH sửa quy định DN phải có số lao động giảm 50% hoặc doanh số mới được hưởng điều kiện vay tiền để trả lương cho công nhân, Hiệp hội Da giày túi xách VN (LEFASO) và nhiều hiệp hội ngành khác cũng đã "kêu" từ sớm, nhưng không thấy phản hồi gì.
Do vậy cần đánh giá lại điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ từ Chính phủ để sửa đổi sao cho sát với thực tế. Hiện tại, ít DN nào nghĩ đến khả năng vay mới, vì ở đầu ra cả nội địa lẫn xuất khẩu đều khó, họ chỉ mong được cơ cấu khoanh nợ cũ và giảm lãi vay.
Khảo sát nhanh của LEFASO đối với hội viên đều kỳ vọng các chính sách hồi phục kinh tế cần được đến tận tay DN, đặc biệt ở các lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu quan trọng.
Ông Đỗ Xuân Lập (chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN):
Nhiều ràng buộc quá
Ngành gỗ đang đứng trước rất nhiều khó khăn khi hàng loạt bạn hàng lớn bị phá sản nên tiền hàng hóa, công nợ không đòi được lên tới cả trăm triệu USD.
Chưa kể nhiều sản phẩm gỗ của VN đang đứng trước những vụ kiện thương mại như Mỹ khởi kiện, Hàn Quốc tạm áp thuế... Vì vậy, hơn lúc nào hết chúng tôi rất cần sự hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ.
Các gói hỗ trợ triển khai vừa qua rất khó tiếp cận vì điều kiện ngặt nghèo và ràng buộc. Hầu như các DN ngành gỗ đều không tiếp cận được. Ví dụ như quy định để vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ lương cho người lao động, yêu cầu DN phải có khả năng và điều kiện chi trả, không có nợ xấu.
Nếu có gói hỗ trợ lần 2, nếu quá nhiều điều kiện ràng buộc đưa ra, thiếu tính thực tế, DN khó tiếp cận, không có ý nghĩa gì.
Hỗ trợ thiết thực khác là làm sao mở cửa trong "bình thường mới" để DN, đối tác từ nước ngoài đến đầu tư, giao thương, làm việc. Đặc biệt là đón chuyển dịch đầu tư, mở rộng khu công nghiệp, quỹ đất, tạo điều kiện cho DN mời gọi đầu tư vào chuỗi cung ứng.
N.AN - T.V.N. ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận