28/02/2018 16:07 GMT+7

Campuchia thấy ‘buồn và sốc’ sau quyết định ngưng viện trợ của Mỹ

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Người phát ngôn của chính quyền Phnom Penh cho rằng Mỹ thiếu tôn trọng Campuchia vì nền dân chủ ở Campuchia vẫn đang được "phát huy tích cực".

Campuchia thấy ‘buồn và sốc’ sau quyết định ngưng viện trợ của Mỹ - Ảnh 1.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen sau khi bỏ phiếu bầu thượng viện ở TP Takhmao, tỉnh Kandal hôm 25-2. Cuộc bỏ phiếu này bị Mỹ và phương Tây cho rằng "thiếu dân chủ" - Ảnh: REUTERS

Ngay sau quyết định cắt giảm viện trợ của Mỹ, hôm nay (28-2), chính quyền Campuchia cho biết lấy làm buồn và bị sốc trước quyết định "không tôn trọng" của Mỹ về việc cắt giảm các chương trình viện trợ do cách nhìn nhận về nền dân chủ của Campuchia.

Ông Phay Siphan - người phát ngôn của chính quyền Phnom Penh - nói với Hãng tin Reuters rằng "dẫu có buồn và sốc vì quyết định của đất nước thân thiện trong hỗ trợ phát triển, Campuchia vẫn tự hào về việc tích cực duy trì và tiếp tục phát triển dân chủ ở đất nước mình".

Vị đại diện phát ngôn gọi việc cắt giảm viện trợ của Mỹ là "không tôn trọng" và "không trung thực" cho quá trình tạo dựng nền dân chủ ở Campuchia.

"Dân chủ là của nhân dân chứ không phải đảng đã bị giải thể" - ông Phay Siphan giải thích, hàm ý nhắc đến việc đảng đối lập Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) bị giải tán hồi trung tuần tháng 11-2017.

Campuchia đã có một kinh nghiệm cay đắng trong những lần can thiệp của Mỹ và các quốc gia phương Tây, những nước đã cố gắng thiết lập nền dân chủ tại Campuchia giữa năm 1970 và 1975, và họ thất bại"

Ông Phay Siphan - người phát ngôn của chính quyền Phnom Penh

Campuchia thấy ‘buồn và sốc’ sau quyết định ngưng viện trợ của Mỹ - Ảnh 3.

Thủ tướng Hun Sen trong lần đi thăm một xưởng may mặc ở Phnom Penh - Ảnh: AP

Vào trung tuần tháng 11-2017, Tòa án Tối cao Campuchia đã ra lệnh giải thể Đảng CNRP, sau khi Bộ Nội vụ khẳng định đảng này đã âm mưu cùng một quốc gia nước ngoài lật đổ chính phủ.

Tòa án cũng ra phán quyết cấm hoạt động chính trị trong 5 năm đối với 118 thành viên cấp cao của đảng này. Có thông tin nhiều thành viên đảng này sau đó quay sang đầu quân cho Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền.

Ngày 27-2, Nhà Trắng đã thông báo cắt viện trợ quân sự và tạm dừng các chương trình hỗ trợ phát triển đối với Campuchia vì lý do có "sự thụt lùi về dân chủ".

Theo Nhà Trắng, trong gần 30 năm qua Mỹ đã giữ cam kết, trở thành quốc gia hỗ trợ sự phát triển của Campuchia với số tiền viện trợ lên tới 1 tỉ USD.

Những thụt lùi về dân chủ ở Campuchia trong thời gian gần đây khiến nước Mỹ thật sự quan ngại, bao gồm cuộc bầu cử thượng viện hôm 25-2"

Nội dung thông báo của Nhà Trắng tối 27-2

Tuy nhiên, "trước những sự thụt lùi dân chủ, Mỹ buộc phải xem xét lại các khoản viện trợ cho Campuchia, để bảo đảm rằng tiền của những người dân đóng thuế ở nước Mỹ sẽ không được sử dụng cho các hành vi chống lại dân chủ", thông báo của Nhà Trắng nhấn mạnh.

Theo Hãng tin Reuters, sự quay lưng của Mỹ và các nước châu Âu bắt đầu hiện rõ sau khi Tòa án tối cao Campuchia ra phán quyết giải thể Đảng Cứu quốc Campuchia, đảng đối lập lớn nhất ở nước này hồi tháng 11-2017.

Cách đây 2 ngày, Tòa án Campuchia đã ra lệnh tạm thời tịch thu bất động sản của cựu thủ lĩnh phe đối lập Sam Rainsy sau hai vụ xử ông này tội phỉ báng các quan chức cấp cao của nước này.

Trong phán quyết công bố ngày 26-2, Tòa án Phnom Penh đã quyết định tạm thời tịch thu bất động sản của ông Sam Rainsy, trong đó có một mảnh đất và một tòa nhà, sau khi tòa kết tội ông này tội phỉ báng Thủ tướng Hun Sen và Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin.

Theo phán quyết trên, việc tịch thu số tài sản này sẽ bị hủy nếu ông Sam Rainsy nộp 4,25 tỉ riel (tương đương 1,06 triệu USD) cho Tòa án Phnom Penh. Tòa nhà bị tịch thu này từng là trụ sở của đảng đối lập Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) nay đã bị giải tán.

Campuchia thấy ‘buồn và sốc’ sau quyết định ngưng viện trợ của Mỹ - Ảnh 6.

Cảnh sát bảo vệ trước Tòa phúc thẩm phiên xử ông Kem Sokha, cựu lãnh đạo Đảng đối lập CNRP, tại thủ đô Phnom Penh ngày 1-2 vừa qua - Ảnh: REUTERS

Cuối năm ngoái, Tòa án Phnom Penh đã kết tội cựu thủ lĩnh Đảng CNRP đối lập đang lưu vong Sam Rainsy tội phỉ báng Thủ tướng Hun Sen. Thẩm phán yêu cầu ông Sam Rainsy bồi thường Thủ tướng Hun Sen 1 triệu USD và phạt tiền 2.500 USD. Ông Sam Rainsy có 1 tháng để kháng án.

Chuyện là vào đầu năm 2017, trên mạng xã hội Facebook ông Sam Rainsy đã viết rằng Thủ tướng Hun Sen chi 1 triệu USD cho một nhà hoạt động chính trị để người này chia rẽ Đảng CNRP.

Thủ tướng Hun Sen sau đó đã khởi kiện ông Sam Rainsy tội phỉ báng và yêu cầu bồi thường 4 tỉ riel (1 triệu USD).

Ông Rainsy, 68 tuổi, sống lưu vong tại Pháp từ tháng 11-2015 nhằm tránh việc phải thi hành bản án tù 2 năm do phạm tội phỉ báng Phó thủ tướng Hor Namhong từ năm 2008. Ông Rainsy cũng đang phải chịu nhiều bản án khác tại Campuchia. Ngày 11-2-2017, ông tuyên bố từ chức chủ tịch và rời khỏi CNRP để các thành viên của đảng có thể tiếp tục hoạt động.

Nhưng sau đó đến tháng 9-2017, thủ lĩnh Đảng CNRP là ông Kem Sokha đã bị bắt giữ vì tội phản quốc và có thể đối mặt với mức án từ 15 - 30 năm tù. Khi đó Thủ tướng Hun Sen từng có phát ngôn cho rằng chính Mỹ đã đứng đằng sau giật dây cho CNRP.

Trung Quốc viện trợ Campuchia 100 xe tăng, xe bọc thép Báo tiếng Hoa mọc như nấm ở Campuchia Đức ngừng cấp thị thực ưu đãi cho chính phủ Campuchia
HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp