Đền Preah Vihear, nơi xảy ra tranh chấp quyền sở hữu khốc liệt giữa Campuchia và Thái Lan trong nhiều năm qua - Ảnh:Bangkok Post |
Báo Bangkok Post dẫn lời Bộ trưởng quốc phòng Campuchia Tea Banh hôm 24-3 cho biết các khâu chuẩn bị đang được hai bên xúc tiến.
Phía Campuchia đang xem xét đánh giá việc cho phép du khách Thái Lan có thể đến đền Preah Vihear thông qua ngả Pha Mor E-daeng nằm trên đất Thái Lan.
Hiện công dân Thái Lan chỉ được phép đến viếng đền Preah Vihear từ cổng nằm trên đất Campuchia.
Còn nếu đi từ đất Thái thì du khách chỉ có thể đến ngắm di sản thế giới do Unesco bình chọn này từ bờ đá Pha Mor E-daeng nằm trong công viên quốc gia Khao Phra Viharn của Thái Lan.
Ông Tea Banh nhấn mạnh động thái này sẽ giúp thúc đẩy ngành du lịch ở hai nước.
Đây là lần đầu tiên giới chức Campuchia chính thức lên tiếng về vấn đề cho phép tiếp cận ngôi đền Hindu hơn 900 năm tuổi này từ phía biên giới Thái Lan.
Bất đồng và giao tranh kéo dài ở khu vực biên giới dẫn đến việc Campuchia cho đóng cửa vào đền Preah Vihear từ phía Thái Lan từ năm 2009.
Đỉnh điểm của việc tranh chấp đền Preah Vihear dẫn đến việc cả hai nước đưa vụ việc ra Tòa án công lý quốc tế ở The Hague phân xử.
Tòa án công lý quốc tế đã trao quyền quản lý đền Preah Vihear cho Campuchia từ năm 1962 và quyết định này được xác nhận lại vào năm 2013 sau khi Thái Lan lại tranh chấp quyền sở hữu ngôi đền này. Căng thẳng giữa hai nước đã kéo dài cho đến những năm sau này.
Năm 2011, chính phủ Campuchia cho xây dựng một con đường dẫn lên đền trên phần đất của mình ở Ban Komui. Công trình xây dựng này đối mặt với sự phản đối kịch liệt từ chính phủ Thái Lan vì cho rằng Campuchia đang xâm phạm chủ quyền của họ.
Đáp lại, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã ra lệnh xây một con đường dẫn đến khu vực Wat Keo Sikha Kirisvarak, rất gần đền Preah Vihear. Hành động này đã dẫn đến các cuộc xung đột vũ trang giữa hai nước ở khu vực biên giới.
Campuchia sau đó đã ban hành lệnh cấm công dân đến viếng đền Preah Vihear cả từ phía Campuchia. Lệnh cấm này kéo dài năm năm và vừa mới được dỡ bỏ hồi năm 2015.
Từ đó đến nay, chính phủ Thái Lan luôn kêu gọi Campuchia mở cửa đến ngôi đền này từ đất Thái nhưng Phnom Penh nhất mực từ chối.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận