Những người lính đang đứng gác cạnh các tàu tuần tra ở căn cứ hải quân Ream ngày 26-7 - Ảnh: REUTERS
Hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc cho biết một nhóm gồm khoảng 80 nhà báo địa phương và nước ngoài hôm qua (26-7) đã được mời đến ghi hình tại của Campuchia, sau thông tin chấn động cho biết Phnom Penh đã ký một thỏa thuận mật cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ này.
Trong khi đó, theo trang Fresh News, có 73 nhà báo tham gia chuyến thăm. Họ đến từ các hãng tin như AP, Reuters, Kyodo News, Tân Hoa xã, Fresh News…
Chuyến thăm của các phóng viên tại căn cứ hải quân Ream ngày 26-7 - Nguồn: AFP
Nằm trên một bán đảo cách Sihanoukville khoảng 20km về phía đông nam, căn cứ hải quân có diện tích 100ha này chỉ có thể đón được các tàu nhỏ nặng chưa tới 5.000 tấn vì độ sâu tại vùng biển quanh đây chỉ từ 6-7m, theo chuẩn đô đốc Ouk Seyha, chỉ huy của căn cứ hải quân Ream.
"Không chỉ căn cứ hải quân Ream, mà các căn cứ khác ở Campuchia đều không được phép cho quân đội nước ngoài đồn trú vì hành động đó vi phạm hiến pháp của Campuchia" - ông Ouk Seyha nói với các phóng viên.
Theo Hãng tin AFP, các phóng viên được chở đến căn cứ hải quân Ream trên những chiếc xe do Trung Quốc tài trợ cho Campuchia, với những dòng chữ "cảm ơn" bằng tiếng Khmer được in trên xe.
Dọc đường tới căn cứ là nhiều biển hiệu bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Khmer, quảng cáo cho những nhà hàng và khách sạn sắp dựng lên.
Trong suốt chuyến thăm, các phóng viên đã đến ghi hình tại một tòa nhà do Mỹ xây dựng, bên trong có một số xuồng cao tốc, cùng một cảng hải quân nhỏ - nơi có khoảng 20 tàu tuần tra được trang bị các loại súng đang neo đậu.
"Tòa nhà này được Mỹ tài trợ như một bằng chứng về tình hữu nghị và hợp tác" - là nội dung biển treo bên ngoài tòa nhà mà các phóng viên đến thăm ghi.
Các quân nhân Campuchia đi cùng phóng viên trong chuyến thăm tại căn cứ hải quân Ream ở vịnh Thái Lan ngày 26-7 - Ảnh: AFP
Chuyến thăm được phía Campuchia tổ chức sau khi báo Wall Street Journal của Mỹ hôm 21-7 đưa tin Campuchia đã bí mật ký thỏa thuận trao cho Trung Quốc đặc quyền tiếp cận căn cứ hải quân Ream trong 30 năm, sau đó sẽ tiếp tục gia hạn cứ mỗi 10 năm.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng đã bác thông tin này.
Người phát ngôn chính phủ Campuchia Phay Siphan cho biết chuyến thăm ngày 26-7 nhằm cho thấy sự minh bạch và trung thực của Campuchia, đồng thời để khẳng định thông tin của báo Wall Street Journal là "tin giả".
"Các bạn đã tận mắt chứng kiến được căn cứ hải quân của chúng tôi vốn nhỏ và các tàu tại đây không được dùng cho mục đích tấn công, mà chỉ để bảo vệ lãnh hải Campuchia cũng như đóng góp cho các hoạt động nhân đạo như cứu hộ hàng hải" - ông Phay Siphan nói với các phóng viên sau chuyến thăm.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia, tướng Chhum Socheat nói rằng Campuchia không cần sự hiện diện của quân đội nước ngoài vì các lực lượng vũ trang của Campuchia vốn có đủ năng lực để bảo vệ quốc gia.
"Giờ thì các bạn thấy đấy, không có gì cả! Điều này cho thấy thông tin của báo Wall Street Journal là tin giả. Chúng tôi không thể che giấu bất kỳ thứ gì vì luôn có ảnh vệ tinh" - ông Chhum Socheat phát biểu.
Giáo sư báo chí Chhay Sophal tại Đại học hoàng gia Phnom Penh nhận định căn cứ hải quân Ream không thích hợp để quân đội nước ngoài xây dựng tiền đồn vì diện tích nhỏ cũng như nước nông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận