Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trước) tại một cuộc họp với các ngoại trưởng ASEAN năm 2016 - Ảnh: AFP |
Cuộc họp hai ngày diễn ra tại Siem Reap, đặt trọng tâm vào những thảo luận về Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), từ đó tiến thêm trong việc xây dựng hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), báo Khmer Times trước đó cho biết.
Căng thẳng Biển Đông có dấu hiệu leo thang gần đây, sau khi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã gần hoàn tất việc xây dựng nhiều cơ sở phục vụ quân sự trên các thực thể trong Biển Đông mà nước này chiếm đóng trái phép.
Campuchia từng không ít lần bị xem là ngăn chặn các nỗ lực của ASEAN về việc thống nhất lên án những hoạt động bồi đắp, quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Do làm việc theo nguyên tắc đồng thuận, một phiếu “không” của Campuchia đồng nghĩa có tác động lớn đến các tuyên bố chung của ASEAN.
Vì vậy lần này, báo Phnom Penh Post hôm nay (30-3) dẫn lời ông Pou Sovachana, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình và Hợp tác Campuchia (CICP), cho biết: “Điều tốt cho Campuchia là nắm giữ vai trò này và tổ chức cuộc gặp, thay vì luôn bị xem là người phá bĩnh, luôn ủng hộ Trung Quốc”.
Ông Paul Chambers tại Đại học Naresuan (Thái Lan), trong khi đó khẳng định Phnom Penh sẽ tìm cách “pha loãng và gây mơ hồ” để Trung Quốc không đối mặt với sự phản đối chính thức từ ASEAN.
Ngược lại, một số chuyên gia khác như nhà nghiên cứu Greg Raymond tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Úc, lại nhận định Campuchia không đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy bộ quy tắc ứng xử Biển Đông.
“Vai trò của Campuchia sẽ nhỏ hơn so với Indonesia, Việt Nam và Singapore. Một phần do tư thế ngoại giao hạn chế của họ và một phần thuộc về lập trường ủng hộ Trung Quốc lâu nay, nên Campuchia gần như sẽ để các nước khác thực hiện việc nâng cao quy tắc ứng xử”, ông Raymond viết cho báo Phnom Penh Post.
Bản thân ông Sophea Hok, một quan chức của Bộ Thông tin Campuchia, xác nhận Campuchia “chỉ là nước tổ chức” cuộc họp, và nói người chủ trì, dẫn dắt sẽ là Singapore và Trung Quốc.
Trước đó, Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn và đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Từ Bộ đã có cuộc gặp gỡ tại Phnom Penh. Ông Từ Bộ tái khẳng định cam kết của Trung Quốc trong việc hợp tác với các quốc gia ASEAN là hoàn thiện bản dự thảo COC vào giữa năm nay, báo Khmer Times cho biết.
Tờ Global Times (Hoàn cầu Thời báo) trong bài viết ngày 29-3 khẳng định cuộc họp kéo dài hai ngày ở Siem Reap sẽ bao gồm “những nội dung đáng kể” trong việc tạo ra những cơ chế hợp tác, quy tắc rõ ràng để tránh xung đột.
“Sự khác biệt lớn nhất giữa DOC và COC là COC có tính ràng buộc về mặt pháp lý, vốn có thể hạn chế hiệu quả những hành động của các bên tranh chấp, và cần thiết trong việc duy trì sự ổn định ở Biển Đông”, Gu Xiaosong, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Học viện Khoa học Xã hội Quảng Tây (Trung Quốc), nhận xét.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận