Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong ảnh tư liệu năm 2019 - Ảnh: REUTERS
Quốc hội Campuchia hôm nay 25-10 đã thông qua nội dung sửa đổi hiến pháp, trong đó cấm các quan chức cấp cao, kể cả thủ tướng, là công dân của một nước khác.
Trước đó, ngày 6-10, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã lệnh cho Bộ Tư pháp phải soạn thảo những thay đổi này, theo đó, cũng yêu cầu những người giữ ghế chủ tịch thượng viện, hạ viện, người đứng đầu hội đồng hiến pháp chỉ có một quốc tịch duy nhất là Campuchia.
Ông Hun Sen cho rằng việc này là để "thể hiện lòng trung thành với đất nước và tránh sự can thiệp nước ngoài".
Ông Heng Samrin, chủ tịch Quốc hội Campuchia, bày tỏ quan điểm về những sửa đổi mới này trên trang Facebook: "Quốc hội, Thượng viện, Chính phủ Hoàng gia và Hội đồng Hiến pháp là những cơ quan tối cao của quốc gia được ghi trong Hiến pháp của Vương quốc Campuchia, có trách nhiệm cao trong việc quyết định những vấn đề quan trọng vốn là cốt lõi của đất nước trong việc đảm bảo độc lập và chủ quyền".
Theo Hãng tin Reuters, ông Hun Sen yêu cầu Bộ Tư pháp Campuchia điều chỉnh hiến pháp về vấn đề quốc tịch của các quan chức cấp cao sau khi báo Guardian của Anh đưa tin sai khi nói ông là một trong số hàng nghìn người không phải người châu Âu được cấp hộ chiếu Cộng hòa Síp (Cyprus).
Báo này sau đó đã đính chính không phải ông Hun Sen mà là một người thân thiết với ông có hộ chiếu Cyprus.
Trước đó, bài điều tra đặc biệt của Reuters vào tháng 10-2019 cho thấy một số thành viên gia đình và cảnh sát, cộng sự kinh doanh và chính trị chủ chốt của ông Hun Sen đã có thỏa thuận mua quốc tịch ở Cyprus.
Trong email gửi đến Reuters ngày 25-10, ông Sam Rainsy, lãnh đạo phe đối lập tại Campuchia hiện là công dân Pháp sống tại Paris để tránh một loạt cáo buộc pháp lý ở Campuchia, cho biết quy định mới sẽ tước đi cơ hội phục vụ đất nước ở cấp cao nhất của các lãnh đạo tiềm năng trong tương lai.
Theo ông Rainsy, vì những lý do lịch sử, người dân Campuchia sống ở nhiều nơi trên thế giới. Nhiều người Campuchia mang hai quốc tịch đã đạt được thành công lớn ở nước ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận