4 thân phận hẩm hiu tìm thấy nhau 1 cách tình cờ, và từ chỗ nghi kỵ, họ đã dần bước vào đời sống của nhau một cách nhẹ nhàng - Ảnh: ĐPCC |
Dù quy tụ lắm nghệ sĩ hài nhưng Nắng không phải là... phim hài!
Nắng là câu chuyện của những thân phận bên lề. Lề chợ, lề cầu, lề đường. Ở đó, Lâm (Trấn Thành) muốn nhảy cầu tự vẫn vì biết mình nhiễm HIV. Tuấn (Kiều Minh Tuấn) cùng đường trong một trận hỗn chiến, nhảy đại núp liều vào chiếc xe ba gác ve chai. Trang ve chai vé số (Thu Trang) bị thiểu năng nhưng tử tế hồn hậu với đứa con gái lanh hết biết tên Nắng (bé Kim Thư).
Mỗi phim Việt ra rạp dịp lễ 2-9 có những phong vị riêng, có phim sẽ lấy nước mắt khán giả, có phim sẽ làm khán giả thót tim. |
4 thân phận ấy tụ lại dưới chân cầu, trong một nhà kho bỏ hoang ven sông. Từ nghi kỵ, căm ghét, sợ hãi… họ dần quấn lấy nhau xung quanh một mối quan tâm dễ thương là bé Nắng...
Nắng làm người ta bất ngờ vì nhiều lẽ. Là bởi cứ tưởng với Hoài Linh (ông bán hủ tíu), Thu Trang, Trấn Thành, Kiều Minh Tuấn… thì phim sẽ y như nhiều phim hài khác, nghĩa là chọc cười từ đầu đến cuối.
Nhưng ông bán hủ tíu của Hoài Linh thậm chí còn là một nét vẽ buồn hơn trong bức tranh vốn đã rất nhiều phiền muộn của Nắng.
Có lẽ chỉ mình Lâm của Trấn Thành là “non sông dễ đổi mà bản tính khó dời” khi vai diễn này vẫn giữ chất tưng tưng của Trấn Thành như nhiều vai diễn khác.
Tuấn (Kiều Minh Tuấn) và Lâm (Trấn Thành) là những nhân vật tạo ra những mảng miếng hài duyên dáng - Ảnh: ĐPCC |
Những khuôn hình của Nắng ngay ngắn, và đẹp. Cảm xúc Nắng mang đến là tình người giản dị. Từ bà chủ vựa ve chai với Trang và Nắng, đến cái tình của ông bán hủ tíu. Và ngay cả cái tình mà Lâm và Tuấn, bất ngờ, với mẹ con bé Nắng…
Nhưng Nắng cũng vụng về đến ngạc nhiên. Đạo diễn Đồng Đăng Giao là cái tên lạ của màn ảnh rộng. Tác phẩm điện ảnh chào sân của anh không thảm họa, tuy nhiên vướng những lỗi khó tha thứ về logic câu chuyện lẫn logic hiện thực. Không ít khán giả ngạc nhiên về sự non nớt đến phi lý trong cách hiểu về luật pháp, về trình tự một vụ án đến khi ra tòa… của đạo diễn phim.
Bé Nắng chính là tâm điểm của bộ phim, đã cảm hóa được sự chai sạn, bất cần ở những người lớn em gặp, đưa họ đến gần nhau hơn - ảnh: ĐPCC |
Chưa kể nhiều cái ẩu đến tùy tiện như viên trưởng phòng công an, lúc trên bàn làm việc đặt bảng tên Lê Văn Tùng, lúc sau ngồi ghế họp đã thấy biển tên đeo trên ngực là Nguyễn Văn Hưng, sau vài cảnh, cái biển tên lại đổi thành một tên hoàn khác hai tên cũ!…
Vướng nhiều lỗi, có thể Nắng sẽ là món khó nuốt trôi của nhiều khán giả khó tính. Nhưng phủ lên phim vẫn là những cảm xúc về tình người trong trẻo, những ngọt ngào như niềm tin vào cuộc sống…
Ninh Dương Lan Ngọc đã thoát hẳn những vai diễn điệu đà trước đây trong tạo hình phim Găng tay đỏ - Ảnh: ĐPCC |
Còn với Găng tay đỏ, khán giả lại sẽ trải nghiệm những cảm xúc khác. Một nữ sát thủ chỉ có cái tên No.7 (Ninh Dương Lan Ngọc) với công việc được giao là tìm về Việt Nam để thực hiện vụ sát hại một nhân vật mà tổ chức sát thủ của cô được thuê. Ông Huỳnh Đại (Hoàng Sơn) - người mà No.7 phải giết - có hai người con. Huỳnh Côn (Hiếu Nguyễn) là con nuôi, Huỳnh Mỹ (Linh Chi) là con gái.
Trong lần Huỳnh Đại bị No.7 bắn hụt, một đệ tử của ông là Trần Thông (Lâm Vinh Hải) đã che đạn cho ông nên bị thương. Tình cờ, No.7 gặp anh chàng Hồng Việt (Quang Sự) tại sân bay, rồi anh chàng cứ theo riết cô, vừa cứu, vừa thành chướng ngại vật của cô.
Tổ chức sát thủ cử No.3 (Trần Tuấn Lương) về Việt Nam để tiếp tục giết Huỳnh Đạt, đồng thời khử luôn No.7. Câu chuyện phim lúc này mới thật sự… hỗn loạn…
Tên phim là Găng tay đỏ bởi lẽ sát thủ No.7 lúc nào cũng đeo đôi găng tay đỏ khi “hành nghề”. Nhưng đôi găng tay đỏ hóa ra chẳng phải là một chi tiết quan trọng của phim nên thành ra cái tên khá… trớt quớt.
Tiếc là đôi găng tay đỏ của sát thủ No.7 không phải là chi tiết quan trọng trong phim nên tạo ra cảm giác...trớt quớt - Ảnh: ĐPCC |
Được quảng bá là một phim hành động, Găng tay đỏ quả nhiên cũng có nhiều màn hành động khá mãn nhãn, nhất là khi Ninh Dương Lan Ngọc đã rũ bỏ những vai diễn điệu đà, mềm yếu trước đây để vào vai sát thủ này.
Tuy nhiên, cách diễn của Ngọc trong phim này hơi gồng, phần nội tâm của nhân vật cũng hời hợt nên vai diễn cuối cùng không ấn tượng như kỳ vọng.
Một điểm đặc biệt khác không được biết trước nên xem phim ai cũng bất ngờ là nguyên “đám con nít” vai chính của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã được mời vào phim này với tạo hình y chang “hoa vàng cỏ xanh” năm trước.
Nghĩa là cũng khuôn mặt buồn buồn phụng phịu ấy của Lâm Thanh Mỹ, vẻ già trước tuổi của Thịnh Vinh hay khuôn mặt bầu bĩnh của Trọng Khang…
Giống với Nắng, Tấm Cám: chuyện chưa kể - hai phim Việt cùng có mặt ở rạp mùa lễ 2-9 này - Găng tay đỏ cũng là sản phẩm đầu tay (Ninh Dương Lan Ngọc có mặt trong cả ba phim!) của các đạo diễn.
Hẳn cũng sẽ có nhiều người thích thú với câu chuyện khá “kỳ khôi” của Găng tay đỏ, như thậm chí nhiều xử lý non tay của đạo diễn lại đem đến tiếng cười cho khán giả dù trên màn hình đang diễn một cảnh bi.
Nhưng dẫu sao Nguyễn Tuấn Anh, Đồng Đăng Giao, Ngô Thanh Vân cũng đã khởi đầu. Và với sự có mặt của các phim đầu tay, rất có thể thời gian tới, điện ảnh Việt có thêm nhiều tên mới, phim nhiều hơn, khán giả có nhiều chọn lựa hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận