Liên quan đến tình hình kẹt xe trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, sáng 18-7, đại diện Khu quản lý đường bộ IV (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết các đơn vị liên quan vừa có cuộc họp về phương án phân luồng trong bối cảnh cao tốc đang quá tải và công trình nút giao An Phú đang triển khai thi công.
Cuộc họp này gồm các đơn vị như Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (đơn vị quản lý tuyến), Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 (Cục Cảnh sát giao thông) cùng cơ quan chức năng địa phương.
Tại buổi làm việc, các đơn vị cũng đã phân tích những bất cập, khó khăn khi đóng cao tốc để phân luồng từ xa như thời gian qua. Vì vậy các đơn vị đã thống nhất là khi có sự cố cần phân luồng, các đơn vị liên quan phải có thông báo trước cho người dân.
Đồng thời việc phân luồng cũng sẽ được phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ từ lực lượng chức năng địa phương đến Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6.
Ngoài ra, các đơn vị sẽ thống nhất bổ sung thêm một số biển báo ngay từ điểm đầu vào cao tốc để người dân biết và lựa chọn cung đường đi phù hợp.
Tại cuộc họp, đơn vị quản lý cao tốc và lực lượng chức năng cũng đề xuất nghiên cứu phương án cấm xe đầu kéo theo giờ vào các thời gian cao điểm của ngày cuối tuần, lễ Tết. Phương án này được nghiên cứu tương tự như tình hình phân luồng tại cầu Rạch Miễu.
Tuy nhiên đây mới là đề xuất nghiên cứu của các đơn vị dự họp.
Hiện các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục lên phương án để nghiên cứu, đánh giá, khảo sát để đảm bảo việc phân luồng có cơ sở khoa học.
Theo thống kê từ Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam, tính từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra 41 vụ va chạm, tai nạn, 109 vụ xe hư hỏng khu vực cầu Long Thành.
Công tác cứu hộ, di dời phương tiện giải tỏa hiện trường gặp nhiều khó khăn do lưu lượng xe lưu thông mật độ cao.
Trước đó vào đầu tháng 7-2024, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có công văn có ý kiến liên quan đến việc đóng mở đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Theo đó, khu vực nút giao thông An Phú có lượng lớn xe cộ đi lại, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ kéo dài, đặc biệt vào các ngày lễ, Tết.
Đặc biệt hiện nay một số vị trí mặt đường đang được rào chắn để làm dự án cũng ảnh hưởng đến tình hình giao thông.
Mặt khác, thời gian qua khi có sự cố trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, lực lượng cảnh sát giao thông (Đội 6 trực thuộc Cục Cảnh sát giao thông) đã chốt chặn tại đường dẫn cao tốc (vị trí điểm quay đầu cầu Bà Dạt), không cho xe cộ từ nút giao thông An Phú đi vào cao tốc.
Do đó xe cộ bắt buộc phải dừng chờ hoặc quay đầu về lại nút giao thông An Phú, gây nên tình trạng ùn ứ kéo dài tại khu vực.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình giao thông tại khu vực nút giao thông An Phú còn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong thời gian làm các hạng mục quanh nút giao thông An Phú.
Để giải quyết tình trạng này, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị Công an TP.HCM chủ trì phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (Đội 6) nghiên cứu các giải pháp điều tiết giao thông, trong đó có các kịch bản, tình huống có ùn tắc trên cao tốc, ùn tắc khu vực nút giao An Phú.
Từ đó lên phương án phối hợp xử lý, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực nút giao thông An Phú và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, nhất là trong dịp lễ, Tết.
Chờ giải cứu cao tốc TP.HCM - Long Thành bằng phương án mở rộng
Dự án TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55km với quy mô 4 làn xe đã được đưa vào sử dụng từ năm 2016. Những năm qua, tuyến cao tốc này trở nên quá tải, không đủ sức "gánh" hàng ngàn xe cộ đi lại mỗi ngày.
Thời gian qua, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng đã nghiên cứu và đề xuất phương án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn từ nút giao vành đai 2 TP.HCM đến nút giao đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, dài 21,92km.
Còn tại đoạn từ nút giao An Phú đến vành đai 2, TP.HCM cũng đang lên phương án mở rộng đồng bộ với đoạn nêu trên.
Tại thông báo kết luận về phương án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc này ngày 5-5, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá việc mở rộng đoạn cao tốc là vấn đề cấp thiết để đồng bộ các công trình hạ tầng giao thông trong khu vực.
Phó thủ tướng giao các cơ quan, đơn vị liên quan nhanh chóng làm các nhiệm vụ được giao, trong đó sớm lựa chọn phương án đầu tư phù hợp nhất để làm các bước tiếp theo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận