Lo bởi thi đấu trên sân ximăng dễ xảy ra chấn thương. Và chấn thương, nếu rơi vào các tuyển thủ quốc gia, rõ ràng gây tác hại không nhỏ. Nhưng lo để mà đi đến lệnh cấm thì quá dễ. Và đó không phải là thượng sách.
Vậy thượng sách là gì? Có người đã hỏi tôi như thế. Vấn đề là đây: Vì sao lại xảy ra tình trạng “dao mổ trâu đi giết gà”?
Cũng không khó để trả lời: đó là hệ thống giải bóng chuyền quá nghèo nàn, không thỏa sức các VĐV; là để tăng thu nhập; là để được sống trong không khí náo nhiệt của người hâm mộ. Một khi trả lời được sẽ thấy ngay đâu là thượng sách.
Đó chính là những người phụ trách thể thao đỉnh cao nói chung, bóng chuyền nói riêng phải tạo được một hệ thống giải phong phú, tạo nguồn thu nhập cao cho VĐV và tổ chức các giải đấu sao cho hấp dẫn để hút người xem. Khi ấy hội làng có mang kiệu đến rước, các VĐV cũng chẳng đi!
Còn trong trường hợp không đủ khả năng thực hiện thượng sách thì theo trung sách vậy. Đó là Tổng cục TDTT và Liên đoàn Bóng chuyền quốc gia tặng cho mỗi giải đấu hội làng một tấm thảm cao su tổng hợp giá vài trăm triệu đồng/sân, vừa đỡ lo VĐV chấn thương, vừa giúp hội làng vẫn tồn tại để phục vụ nhu cầu của người dân được tận mắt xem các ngôi sao bóng chuyền thi thố tài năng.
Nhiệm vụ của quan chức ngành thể thao là phải thực hiện bằng được hai kế sách nêu trên. Chứ nếu là một quan chức có trách nhiệm, không ai chấp nhận thực hiện hạ sách, đó là cấm VĐV đỉnh cao thi đấu hội làng, như ông tổng cục phó Tổng cục TDTT kiêm tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền quốc gia vừa làm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận