Hình ảnh do VTV1 phản ánh xe công đi lễ hội đền Trần (Nam Định) |
Điểm lại một số sự việc trong thời gian qua, nhất là từ sau tết tới nay, có thể nói có một số tập thể, cá nhân cố tình làm ngơ các quy định hoặc vi phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên việc kiểm tra, xử lý kỷ luật diễn ra rất chậm chạp hoặc chỉ là “giơ cao đánh khẽ”.
Bất chấp lệnh cấm
Đang mùa lễ hội tháng giêng, nhiều địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Thanh Hóa... đều ban hành văn bản cấm cán bộ, công chức, viên chức sử dụng xe công, bỏ giờ hành chính đi lễ hội. Đặc biệt, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng chỉ đạo thực hiện nghiêm việc không sử dụng xe công đi lễ hội; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chấm dứt đi lễ hội, chùa chiền trong giờ làm việc. Nhưng thực tế không phải nơi nào cũng chấp hành đúng quy định này.
Điển hình là chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm tập thể, cá nhân Ban quản lý dự án cải thiện môi trường miền Trung () về việc cán bộ, nhân viên cơ quan này đi lễ hội, đền chùa đầu năm trong giờ hành chính vào ngày 19-2 vừa qua.
Ngày thứ sáu tuần trước, người dân phản ảnh khi đến trụ sở Ban quản lý dự án cải thiện môi trường miền Trung thì thấy cơ quan này đóng cửa im ỉm, không có người làm việc. Qua tìm hiểu, người dân được biết ngày hôm đó cán bộ, nhân viên của đơn vị (khoảng 30 người) đi tham quan, du lịch chùa Bái Đính (Ninh Bình). UBND TP Thanh Hóa liền kiểm tra thông tin, xác nhận đúng là như vậy. Hiện UBND TP Thanh Hóa đang yêu cầu lãnh đạo ban này báo cáo, giải trình vụ việc.
Ngoài vụ việc này, chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa còn yêu cầu lãnh đạo các cơ quan tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị sử dụng xe công đi lễ hội hoặc bỏ việc đi lễ hội, đền chùa, du lịch trong giờ ngày làm việc.
Chuyện ở Thanh Hóa không phải là cá biệt, phản ánh của các cơ quan thông tin đại chúng cho thấy không ít nơi có sự hiện diện của hàng loạt xe biển số xanh tại các lễ hội. Cụ thể, VVT1 phản ánh trong ngày 23-2, liên tục có nhiều xe công đậu ở lễ hội đền Trần. Người giữ trật tự ở đây cho biết xe công tới lễ hội tuy có giảm nhưng vẫn còn nhiều, qua biển số xe cho thấy cán bộ, công chức, viên chức ở hàng loạt tỉnh, thành khác nhau đã bỏ việc đi lễ hội.
Rõ ràng lệnh cấm sử dụng xe công, cấm đi lễ hội trong ngày làm việc đã bị phớt lờ. Đáng tiếc là các địa phương không tổ chức thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm những người vi phạm, nên năm nào cũng có lệnh cấm nhưng việc chấp hành rất lỏng lẻo.
Xử lý vi phạm chậm chạp, không thỏa đáng
Liên quan tới sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực (P.Điện Biên, Q.Ba Đình, Hà Nội), sau gần năm tháng trôi qua, dù cơ quan chức năng có kết luận chỉ rõ sai phạm của các tập thể, cá nhân nhưng tới nay vẫn chưa tiến hành công khai các . Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 23-2, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho hay hiện thành phố vẫn chưa được báo cáo cụ thể. Ông Lê Văn Dục - giám đốc Sở Xây dựng - thì nói ngắn gọn: “Vẫn chưa chốt”.
Trước đó, các cơ quan chức năng Hà Nội công bố danh sách cán bộ dự kiến bị kiểm điểm, xem xét kỷ luật. Đáng nói là trong đó trường hợp của ông Trần Mạnh Quân, chủ tịch UBND P.Điện Biên, trong nhiều giai đoạn đã không kiểm tra việc xây dựng của chủ đầu tư, buông lỏng quản lý.
Ông Quân còn được nêu có liên quan trách nhiệm khi nhiều lần UBND phường kiểm tra nhưng không áp dụng biện pháp ngăn chặn theo đề nghị của Đội thanh tra xây dựng Q.Ba Đình, không báo cáo UBND Q.Ba Đình. Dù UBND TP đã chỉ đạo UBND Q.Ba Đình kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Quân và những người liên quan, nhưng gần đây ông Hoàng Trọng Quyết - bí thư Quận ủy Ba Đình - cho biết mới kiểm điểm xong trước đảng ủy phường nhưng không trả lời về việc kỷ luật những ai, mức kỷ luật ra sao.
Nhận định về việc xử lý kỷ luật các cán bộ cơ quan nhà nước liên quan tới các sai phạm nói chung và tại công trình 8B Lê Trực nói riêng, TS Phạm Sỹ Liêm, phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng “còn rất ì ạch”.
“Đây là cái yếu từ lâu trong thể chế hành chính của chúng ta. Quốc tế người ta gọi là “tính chất giải trình”, giải trình lên trên và giải trình xuống dưới (nhận trách nhiệm). Cái khái niệm này nhiều nơi không hề có, nơi có thì mờ nhạt, chúng ta chỉ mới dừng lại là phê và tự phê là chính. Báo cáo thành tích thì luôn nhanh và chi tiết, tỉ mỉ, còn nhận khuyết điểm thường chung chung, qua loa” - ông Liêm nhấn mạnh.
Bài học Nguyễn Bá Thanh Ông Bùi Văn Tiếng (nguyên trưởng Ban tổ chức Thành ủy, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng) cho rằng bộ mặt đô thị Đà Nẵng được thay đổi là cung cách quản lý có dấu ấn của cá nhân cố bí thư Thành ủy . Ông Tiếng kể ông Thanh từng nói lãnh đạo thì nhiều nhưng chỉ huy chỉ có một để tạo hiệu quả cho chủ trương “nhất hô bá ứng”. Khi TP mới tách ra, ông Thanh yêu cầu lãnh đạo TP phải xông xáo, sát dân, đối thoại với dân và xử lý nhanh chóng những yêu cầu chính đáng của dân, nhất là những việc điện nước, giáo dục, đi lại, môi trường, y tế... Cho nên khi ban hành chủ trương gì thì đông đảo cán bộ, người dân đều đồng lòng. Cũng chính nhờ sự cộng hưởng từ cán bộ, người dân, lãnh đạo TP có nhiều thông tin từ cơ sở phản ảnh, qua đó xử lý nhanh và rốt ráo các thông tin này. Nhiều lần ông Thanh truy hỏi, chất vấn, gọi điện cán bộ những sự việc được người dân phản ảnh, từ đó ông có cơ sở để đánh giá năng lực cấp dưới. “Ông Thanh đánh giá sự theo dõi, quan tâm, phản ứng của người dân, dư luận xã hội là một hình thức giám sát đối với cán bộ. Điều này khiến cán bộ, công chức khi thực thi công việc đều nhìn trước, ngó sau” - ông Tiếng nói. Ông Tiếng cho biết kể từ thời ông Nguyễn Bá Thanh tới nay, lãnh đạo của TP Đà Nẵng chỉ xử lý kiểm điểm, luân chuyển công tác vài người nhưng bộ máy vẫn vận hành trơn tru, quản lý đô thị trật tự hơn, an toàn hơn. “Việc xử lý nhiều cán bộ, công chức không phải là một chỉ dấu tốt, mà quan trọng là lúc phát hiện một con sâu phải diệt chứ đừng để nó sinh sôi lên 10 con sâu mới xử lý” - ông Tiếng khẳng định. |
TP.HCM: tăng cường thanh tra công vụ Theo ông Đoàn Hồng Minh - chánh thanh tra , năm 2015 Sở Nội vụ TP tổ chức 10 đoàn thanh tra theo kế hoạch. Ngoài ra, còn có một số đoàn thanh tra phát sinh ngoài kế hoạch nhưng không nhiều. Theo kế hoạch thanh tra năm 2016 của Sở Nội vụ được giám đốc sở Trương Văn Lắm ký quyết định phê duyệt, thanh tra Sở Nội vụ TP sẽ tiến hành tám cuộc thanh tra trong năm nay. Cụ thể sẽ thanh tra Sở Kế hoạch và đầu tư về việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác thủ tục hành chính. Tại các đơn vị: Sở Giao thông vận tải, UBND Q.6, UBND Q.8, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kỷ luật, quản lý, sử dụng biên chế, người làm việc. Riêng Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bổ nhiệm, người quản lý doanh nghiệp và người đại diện phần vốn góp nhà nước tại tổng công ty; việc quản lý, sử dụng, số lượng người làm việc tại đơn vị. Thời gian thanh tra tại mỗi đơn vị là 20 ngày làm việc. |
Mừng cho tỉnh Gia Lai Hàng trăm ý kiến của bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ bày tỏ sự với hành động của giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế đi thực tế nhiều ngày, thu thập chứng cứ để xử lý cán bộ thanh tra giao thông. Nhiều ý kiến cho rằng: “Dân chúng tôi cần những cán bộ có tâm, có tầm, nhiệt huyết như vậy”, “Cần lắm những vị lãnh đạo như vậy”, “Những việc làm của ông Nguyễn Hữu Quế đã tạo ấn tượng tốt đẹp”... Bạn đọc Trương Quan Mỹ viết: “Tỉnh Gia Lai thật là tuyệt khi có được ông Nguyễn Hữu Quế. Hi vọng trong tương lai ông Quế sẽ đảm nhận những trọng trách cao hơn”. Độc giả Nguyễn Quang bày tỏ: “Cần nhiều vị lãnh đạo có tinh thần trách nhiệm như ông giám đốc Sở Giao thông vận tải Gia Lai mới mong đất nước ngày càng tiến bộ. Thật đáng mừng cho tỉnh Gia Lai có một vị lãnh đạo ngành có tinh thần trách nhiệm trong quản lý”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận