08/08/2016 08:17 GMT+7

Cảm ơn con!

 HUỲNH VĂN MỸ
HUỲNH VĂN MỸ

TTO - Người bạn ở xa vừa báo tin vui: đứa con trai thứ hai - cũng là đứa út của vợ chồng anh vừa xong đại học. Càng vui hơn với họ ấy là một công ty lớn đã nhận cháu vào làm việc chính thức mà không cần thử việc.

“Cảm ơn con đã cố gắng. Nhưng tại mình thiếu may mắn. Thôi, thua keo này bày keo khác, con ạ!”, giá mà những lời như thế được các bậc cha mẹ kịp nói ra sẽ không chỉ ngăn giảm được các thảm kịch mà còn tiếp sức cho con cái bật dậy đi về phía trước.

Vậy mà vợ chồng họ vẫn chưa ưng ý lắm bởi họ muốn con nhân cơ hội được tuyển thẳng vào cao học nên học “luôn một thể” rồi hãy đi làm.

Cứ thấy con ai nên người là tôi lại hỏi họ về cách nuôi dạy con cái. Mỗi người nói một cách, chung quy lại cách nào cũng có cái hay riêng nhưng cái cách của vợ chồng người bạn này quả là hay: luôn cảm ơn con. Đó cũng chính là cách họ đã dìu dắt các con mình đến điểm đích ước mong.

Họ kể cứ mỗi tuần, mỗi tháng, khi các con đạt được chút thành tích nào ở lớp dù nhỏ nhặt đến mấy họ cũng đều khen ngợi và không quên nói “cảm ơn con”.

Nhưng đáng nói là khi chúng bị điểm liệt họ cũng không quên “cảm ơn con”, khi cố tìm ra những ưu điểm của chúng chẳng hạn như chúng đã không làm gì để bị nhà trường khiển trách, bạn bè ghét bỏ hay xóm làng phiền trách...

Họ nhắc lại, hồi đứa con đầu đậu vào đại học bách khoa, con trai đã bật lên câu nói mà nó đã kìm nén mãi đến lúc ấy mới nói lên được: “Cảm ơn ba mẹ".

Nó cho rằng chính nhờ nhận được những lời “cảm ơn con" của ba mẹ thay vì lời phiền hà, trách móc những lúc anh em chúng học hành sa sút đã khiến chúng không ngừng cố gắng để học hành tiến bộ dần lên từ xuất phát điểm cả hai đều là những học sinh trung bình đến tận giữa cấp II.

Nó cũng kể về chuyện nhiều bạn bè của chúng cứ than phiền vì luôn bị ba mẹ phàn nàn, khiển trách khi không đạt được thành tích mà ba mẹ đòi hỏi, mong đợi; có đứa vì vậy mà bị ức chế, lo lắng hay buồn chán nên việc học lại sa sút hơn, có đứa đã liều bỏ học giữa chừng!

Trong cuộc sống, nhờ có tham vọng mà xã hội được thăng tiến. Và bậc làm cha mẹ, như là lẽ tất yếu, luôn mong muốn, đòi hỏi con cái mình làm được những gì mình kỳ vọng.

Nhưng khốn nỗi, nhiều bậc cha mẹ thường đặt để, gửi gắm ở con cái những kỳ vọng, nhiều khi là bất cập, rồi khi điều mong đợi không thành họ lại thất vọng ra mặt khiến cả họ và con cái đều buồn bực, khổ tâm.

Đã có những chuyện đau lòng xảy ra với con trẻ sau mỗi kỳ thi bởi cha mẹ thiếu sẻ chia, đồng cảm với sự thất bại của con mình.

Nhiều bậc phụ huynh nói niềm vui lớn nhất của họ ấy là khi họ được nhìn thấy đứa con mới lọt lòng của mình không mang một khuyết tật nào. Và cứ thế, niềm vui của họ kéo dài dần theo ngày tháng khi thấy đứa con của mình biết lật, biết ngồi, rồi biết đi đứng, biết nghe ngóng và biết nói năng.

Đúng là cứ sau mỗi một nấc thang tốt lành như thế, cha mẹ phải chăng nên cảm ơn con, cảm ơn đời, cảm ơn số phận đã mỉm cười, đã ưu ái với mình.

Phải như thế mới có thể cảm thụ được niềm hạnh phúc tiếp theo khi một mai con cái mình dù không đỗ đạt, không công thành trong chuyện học hành, thi cử nhưng vẫn làm được một người lương hảo, biết đem đôi tay, đem sức lực ra đắp vun cuộc sống.

“Cảm ơn con!”. Lời giản đơn nhưng là chân tâm của người làm cha mẹ, biết nhận hạnh phúc từ những gì rất đơn sơ, rất bình thường từ con cái chính là sự khích lệ cho chúng khởi từ tuổi hoa niên - cái tuổi cần nhận vào tình yêu thương và niềm tin của cuộc sống.

Vợ chồng người bạn tôi nói họ thừa hưởng được cách giáo dục này từ cha mẹ mình: “Đừng đòi hỏi, mong muốn gì nhiều ở con cái. Hãy biết khen ngợi sắp nhỏ hơn là chê bai, trách móc chúng thì chúng sẽ tốt thôi...”.

Thì ra lớp người trước có cách dạy con thật tốt.

HUỲNH VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp