Minh họa: DAD
Trong một trạm đo thăm dò dầu khí công nghệ cao trên giàn khoan biển (Geoservice), có hệ 6, 7 máy tính nối mạng với nhau và với đất liền. Hệ thống máy đo, máy tính hoạt động nhịp nhàng cung cấp những thông tin về giếng khoan về các vỉa các tầng ở độ sâu có lúc lên tới gần năm nghìn mét so với đáy biển.
Tôi là trạm trưởng - chuyên viên chính phụ trách trạm. Trạm làm nhiệm vụ thu nhận hàng trăm thông tin về lòng đất, xác định vị trí các vỉa dầu khí, công việc đòi hỏi phải am hiểu tường tận về địa chất, địa vật lý, thạch địa tầng, máy tính, điện tử, tự động hóa, công nghệ mạng tin học...
Mỗi lần nghĩ lại con đường học hành từ thuở niên thiếu cho đến hết đại học, trên đại học, sau đại học, tôi lại nhớ về cô giáo chủ nhiệm năm xưa - người đã nâng đỡ tôi trong lúc khó khăn, bế tắc trong học tập, nếu không có cô chắc tôi đã không vượt qua nổi.
Tôi đi học trong thời chiến tranh phá hoại miền Bắc của máy bay Mỹ. Gia đình, trường học phải sơ tán ra khỏi nơi trọng điểm đánh phá. Tôi vẫn thấy sợ hãi khi nghĩ đến những mùa đông rét đến cắt da cắt thịt, áo không đủ ấm, nhịn ăn sáng, 11 giờ trưa tan học đã lả đi vì đói lại còn phải đi bộ 6, 7 cây số về nhà.
Do không chịu được khắc nghiệt, tôi thường trốn học, chểnh mảng học hành. Từ lớp 1 tới lớp 5 tôi lưu ban hai lần. Đến lớp 7, sức học của tôi rất yếu nhưng là một cậu bé hiếu động, tôi ít để ý đến việc học, vào lớp là nói chuyện, không nghe thầy cô giảng bài.
Chủ nhiệm lớp tôi là cô Nhuận, cô rất hiền và yêu quý học sinh. Vào học kỳ được 1 tháng, cô gọi tôi đến nhà cô sau giờ tan học. Khi tôi đến, hai mẹ con cô đã chuẩn bị bữa trưa bằng một rổ sắn luộc nghi ngút khói, bên cạnh là một đĩa muối vừng.
Cô biết là sau khi nghe cô "chỉnh" xong, tôi sẽ phải cuốc bộ về nhà rất xa, nên cô bảo em Chuyên (con gái cô) thêm một suất ăn nữa bằng cách lựa mấy củ sắn vùi vào bếp than đang đượm hồng. Nghe cô "chỉnh", ăn xong bữa, tôi vô tư ra về. Mọi lời nói của cô theo gió bay, như nước đổ đầu vịt.
Tháng sau, tháng sau nữa, tháng nào tôi cũng "dự bữa" cùng cô, lúc thì cơm độn khoai khô, khá hơn là độn mì sợi, còn lại là sắn, khoai luộc trừ bữa. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao, từ đâu mà con người cô có một sức mạnh tinh thần mãnh liệt, lòng yêu nghề, nhiệt tình tận tụy với học sinh đến như vậy.
Hoàn cảnh riêng của cô cũng hết sức buồn. Sau ngày cưới nửa tháng, chồng cô vào Nam chiến đấu đã hơn mười năm. Nhiều tin buồn thất thiệt đưa về là chú đã hi sinh nhưng vẫn chưa nhận được giấy báo tử chính thức.
Từ giữa học kỳ 2, để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp, hầu như chiều nào cô cũng dạy phụ đạo cho chúng tôi. Lớp học thường bị gián đoạn vì tiếng còi báo động, tất cả phải xuống hầm, còi báo yên lại lên học. Các buổi tối, chúng tôi phải học nhóm, hai lớp của khối chia thành 7 nhóm, trải dài trên địa bàn của một xã.
Trên chiếc xe đạp cọc cạch, đầu đội mũ rơm, tối nào cô cũng phải đạp xe hơn 20km chui vào từng căn hầm chữ A của các nhóm học, kiểm tra, đôn đốc, gợi bài, có khi phải giảng lại bài đến cả giờ. Vào thời đó, dạy thêm, dạy phụ đạo không có một chế độ lương thưởng hay thực phẩm tem phiếu nào cả. Bồi dưỡng cho cô trong những buổi tối đi kiểm bài là bát nước vối, đôi khi là những quả ổi ương hái trong vườn nhà.
Dù cô cố gắng hết mức, cuối năm đó tổng kết các môn của tôi đều dưới trung bình, không đủ tiêu chuẩn thi tốt nghiệp. Bố mẹ quyết định cho tôi nghỉ học, chờ mấy năm nữa đủ tuổi sẽ cho đi xây dựng nông trường hoặc đi bộ đội.
Cô đến nhà xin bố mẹ tôi cho tôi học tiếp, nhìn mắt cô rơm rớm, giọng nói cô run rẩy chân thành trước sự nóng nảy giận dữ của bố tôi, tâm hồn non nớt của tôi thức tỉnh. Trong tôi dấy lên những tình cảm và lòng biết ơn vô hạn. Bước vào nhà, tôi hứa dứt khoát: Nếu cô xin cho tôi được thi tốt nghiệp, tôi sẽ cố gắng học ôn để thi đỗ.
Để thực hiện lời hứa, tôi mượn sách các môn học lớp dưới đọc lại để có căn bản. Năm đó thật bất ngờ, tôi thi đậu tốt nghiệp với điểm số rất cao, nhưng tôi vẫn buồn vì môn văn của cô tôi chỉ được sáu điểm.
Thừa thế tấn tới, tôi thi chuyển vào cấp ba một cách dễ dàng. Những năm cấp ba, tổng kết các môn khoa học tự nhiên của tôi thường cao nhất trường, tôi có mặt trong đội thi học sinh giỏi toán của tỉnh.
Khi thoát ly gia đình đi học đại học, tôi có đến chào cô. Lúc đó gần trưa, cô sắp đi dạy về, rổ sắn luộc năm nào được thay bằng một âu sắt các hạt bo bo đang bốc khói, bên cạnh là chiếc thau rửa mặt ngâm ngô hạt với nước vôi loãng. Tôi biết bữa chiều của cô là ngô bung, bữa ăn quá đạm bạc nhưng hoàn cảnh cán bộ công nhân viên, giáo viên nước ta lúc bấy giờ đều như vậy.
Em Chuyên lúc này đã là cô bé 15 tuổi xinh đẹp, em kể: dạo này đồng lương của mẹ một nửa là trả bằng lốp xe và phân đạm, lốp xe rất hao vì mẹ vẫn đạp xe đi dạy thêm tối ngày còn phân đạm thì không biết để làm gì cả.
Tôi dự bữa trưa với cô, cô vui lắm, cô nói về miền Nam giải phóng, về hòa bình, về những lớp học sinh giỏi giang trưởng thành, đôi mắt cô sáng long lanh, trên môi luôn nở nụ cười hiền dịu. Vì cô đang vui nên tôi cũng không dám hỏi đã có tin tức gì của chú chưa.
Phải đến tận 5 năm sau, tốt nghiệp đại học, được phân vào miền Nam công tác, tôi đến chào cô lần nữa. Cô nói: mãi tận năm 76 mới nhận được giấy báo tử của chú. Nhìn bức ảnh chú trong làn hương khói, bên cạnh là các giấy khen bằng khen, huân huy chương của cô, trong tôi dấy lên một nỗi buồn mà đến tận bây giờ mỗi lần nghĩ lại lòng tôi vẫn trầm lắng không nguôi.
Thời gian thế mà đã hơn 40 năm, dù không gặp lại cô nhưng tôi luôn nghĩ cô chính là ngọn lửa tri thức đã dẫn tôi ra khỏi bóng đêm của khúc ngoặt cuộc đời để có được ngày hôm nay. Từ biển trời xa thẳm, nhân ngày 20-11, tôi muốn gửi tới cô lòng biết ơn sâu sắc, lời cảm ơn từ trong tâm hồn và trái tim mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận