Viết An từng phải bỏ học đi bốc vác, giao hàng để kiếm sống. Được “” năm 2017, bạn trở thành sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng TP.HCM - điện - Ảnh: MAI VINH
Giá trị từ những suất học bổng đủ lớn để thay đổi cuộc đời những tân sinh viên nghèo. “Tiếp sức đến trường” đã mang mình trở lại giảng đường, để giờ có cuộc sống tốt hơn, như một phép mầu vậy!
NGUYỄN VIẾT AN
An là trường hợp đặc biệt được nhận học bổng - đi học một năm, sau đó nghỉ học để đi làm kiếm sống, chờ ngày tiếp tục trở lại giảng đường. Hoàn cảnh và nguyện vọng của An đã thuyết phục ban tổ chức trao suất học bổng đặc biệt cho bạn.
Chúng tôi gặp Nguyễn Viết An tại thị trấn Đạ M’Ri (huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) vào giữa năm 2017, lúc đó An đang đi bốc vác, giao hàng cho một xưởng may mặc tại địa phương.
Năm 2015, khi An vừa nhập học thì mẹ mất sau cơn bạo bệnh. Là anh cả, An hiểu mình phải làm gì khi thấy cảnh bà con sống gần nhà quyên góp tiền đưa mẹ về Nam Định để bà được an táng tại quê nhà.
Tiền phúng điếu, An dành một phần cho giỗ đầu mẹ, nhang đèn và một phần cho những dịp cúng cơm hai năm sau đó. 1 triệu cuối cùng, An "xin" mẹ làm hành trang đi học xa. Số tiền đó vừa đủ một tháng tiền nhà, hai thùng mì gói và một tập vé xe buýt.
Ngày đó, An kể: "Tháng đầu tiên ở Sài Gòn, mẹ "nuôi" tôi bằng tiền hương khói". Ngay khi nhập học, An xin làm cho một công ty bảo vệ để có tiền trang trải.
Giữa năm 2016, khi đang về Nam Định chuẩn bị giỗ đầu cho mẹ thì bố An bị tai biến nặng và liệt nửa người. Không còn lựa chọn nào khác, An phải nghỉ học. Mọi nỗ lực đến vắt kiệt sức cũng không cứu được An...
Đó là chuyện cũ, còn bây giờ gặp lại chúng tôi sau giờ học tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, An chia sẻ kể từ khi nhận học bổng, được cộng đồng quan tâm, cuộc sống của bạn đã vơi bớt phần nào nỗi lo toan. An không giấu những cảm xúc hàm ơn về may mắn mình được đón nhận trong cuộc trò chuyện.
Giọt nước đã có tương lai khác
* Chào An, bạn từng là trường hợp tân sinh viên được cộng đồng rất quan tâm, đặc biệt từ khi nhận học bổng "Tiếp sức đến trường". Cuộc sống hiện nay của bạn thế nào?
- Khó khăn vẫn còn nhiều lắm. Bố mình giờ vẫn ốm nặng. Bản thân vẫn vừa học vừa làm để kiếm tiền lo cho các em. Nhưng lúc trước khó khăn quá sức mình, đẩy mình từ giảng đường ra lề đường. Còn bây giờ, sau khi báo Tuổi Trẻ trao học bổng, lại được trường hỗ trợ học phí nên toàn bộ số tiền học bổng mình gửi gia đình giữ để phòng thân. Có mạnh thường quân tặng chiếc xe máy, mình dùng để đi làm thêm, đúng chuyên môn điện - cơ khí đang theo học. Lúc rảnh rỗi, mình tranh thủ chạy xe ôm đến 2h sáng để tích cóp học liên thông lên đại học.
* Bạn đã phải nghỉ học và được giúp đỡ trở lại giảng đường. Có lẽ An hiểu cảm giác có bàn tay của ai đó giúp mình mở một nút thắt của cuộc đời?
- An nhận ra rằng bất hạnh chỉ thực sự khốn cùng nếu không có lối ra. Giống như người ta đổ nước đang chảy ra khỏi cái cổ chai nhỏ, bỗng nhiên bị ai đó nhét nút chặn lại. Khó khăn như cái nút chai, chặn mình ngay cổng giảng đường dù đã rất cố gắng. Chỉ cần có ai đưa bàn tay mở nút chặn. Chỉ cần vậy thôi...
Thay đổi đã đến với An. Một suất học bổng đủ để trang trải học phí ban đầu khi nhập học như bàn tay mở nút chai để những giọt nước có một tương lai khác. Chắc chắn là tốt hơn quẩn quanh, bế tắc.
Viết An cho biết mình sẽ tiếp tục học liên thông lên đại học cùng chuyên ngành để trở thành một kỹ sư giỏi, am hiểu lĩnh vực điện - cơ khí - Ảnh: M.VINH
Tiếp sức cho người đang chờ phía trước
* "Sài Gòn hoa lệ", hoa cho người giàu, lệ cho người nghèo, An từng viết như vậy. Giờ bạn thấy điều này có đúng không?
- Nếu không thoát qua nút chặn ở cái ngưỡng có thể thay đổi được cuộc sống thì đúng như vậy. Hoa hay lệ với học sinh nghèo từ mọi miền đất nước quyết định ở nút thắt này, dù ở Sài Gòn hay những thành phố khác. Mình nói vậy để thấy giá trị từ những suất học bổng đủ lớn để thay đổi cuộc đời những tân sinh viên nghèo. Học bổng "Tiếp sức đến trường" đã mang mình trở lại giảng đường để giờ có cuộc sống tốt hơn, như một phép mầu vậy!
*An nghĩ gì về những tấm lòng đã dành cho mình trước bao bế tắc?
- An vẫn giữ một quyển sổ nhỏ ở nhà, trong đó ghi chép cẩn thận về sự giúp đỡ dù nhỏ dù lớn của bạn đọc báo Tuổi Trẻ cùng những người tốt khác. Mình không biết diễn tả thế nào cho hết sự biết ơn với tất cả mọi người nhưng mình luôn tâm niệm cần đền đáp lại ơn đó.
Ý nghĩ ấy thôi thúc mình phải học tốt hơn. Hay khi chạy xe ôm, mình không bao giờ lấy tiền của người bán vé số, sinh viên cần ra bến xe để về quê, những bạn từ dưới quê lên Sài Gòn tìm việc hoặc các bạn đang đi làm thủ tục nhập học...
* Trong tương lai khi cuộc sống đỡ vất vả hơn, bạn sẽ đóng góp cho xã hội để giúp đỡ những trường hợp khó khăn như bạn đã từng?
- Hiện mình có chiếc xe máy, mình sẽ giúp đỡ người khác theo hoàn cảnh hiện tại. Nếu sau này khá giả, mình sẽ chung tay đi gỡ "nút thắt" như ngày xưa đã từng may mắn được hỗ trợ. Lúc nhận học bổng, mình được biết Tuổi Trẻ đã 15 năm "Tiếp sức đến trường" cho hơn 15.000 tân sinh viên. An nghĩ chỉ cần Tuổi Trẻ kêu gọi những bạn từng được giúp, mỗi năm một người góp 1 triệu đồng thì kinh phí học bổng cũng đã kha khá.
An sẵn sàng dành một tuần chạy xe ôm để góp vào học bổng. Giống như chạy tiếp sức, ai được tiếp sức rồi thì lại tiếp sức cho người đang chờ phía trước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận