Công nhân vệ sinh làm việc trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Về đến nhà, dùng số điện thoại của vợ tôi gọi lại, nhưng vẫn có suy nghĩ bi quan rằng sẽ rất ít cơ hội tìm được.
Điện thoại đổ chuông, người nghe máy là một anh công nhân vệ sinh cũng đang cần mẫn quét sạch sẽ những đoạn đường cuối cùng ở TP Thủ Đức (TP.HCM) trước giao thừa.
Anh đã mở máy tìm trong nhật ký điện thoại, anh có gọi cho người bạn được tôi liên lạc gần nhất trước khi làm rơi "dế cưng". Anh bạn này không có số điện thoại của vợ tôi nhưng hứa sẽ cố gắng tìm cách báo tin cho tôi biết.
Rưng rưng và khâm phục, đó là những cảm xúc của tôi khi được nhận lại tài sản. Chiếc điện thoại cũng khá nhiều tiền nhưng quan trọng hơn là những dữ liệu, thông tin tôi lưu bên trong, nếu mất thiệt hại sẽ không thể nào tính được.
Tôi xin hỏi họ tên, anh chỉ cười và lắc đầu. Tôi gửi tặng "ân nhân" hai tờ giấy bạc mệnh giá 500.000 đồng, kèm lời chúc mừng năm mới. Anh nhẹ nhàng cảm ơn và từ chối.
Lời anh nói khiến tôi thêm ấm lòng ngày xuân: "Chỉ lo không thấy kịp có thể bánh xe ôtô chạy qua làm hư điện thoại, còn thì bất cứ ai nhặt được cũng đều xử sự như tôi. Ở đời, nhặt được trả lại cũng là chuyện tất nhiên thôi".
Trước đó vài ngày, qua báo Tuổi Trẻ, tôi được biết anh và các đồng nghiệp bị nợ lương 5 tháng liên tục. Sau đó, mọi người đã được nhận đủ. Khỏi phải nói cũng hiểu được cuộc sống giản dị của những người lấy đêm làm ngày, giữ cho đường phố luôn sạch đẹp vào mỗi sớm mai. Vậy nhưng, tôi tin rằng không chỉ điện thoại, bất cứ tài sản gì dù giá trị nhiều hơn, các anh vẫn trả lại người đánh mất mỗi khi nhặt được.
Một cái Tết thật đặc biệt. Gia đình tôi đón năm mới, thêm niềm vui từ một kỷ niệm đẹp không thể nào quên. Cảm ơn người công nhân làm đẹp cho đời bằng sự tận tụy và lòng tốt của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận