Người dân sử dụng nhà vệ sinh miễn phí trên đường Hàm Nghi, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Thanh Yến
Có ý kiến đề nghị nên miễn phí với nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) để giảm thiểu tình trạng người nghèo khó không có điều kiện sử dụng dịch vụ này.
Đầu tư xây dựng nhà vệ sinh công cộng trong một thành phố là vô cùng cần thiết. Nhiều đối tượng trong xã hội hưởng lợi từ điều này, cũng như hình ảnh của thành phố và đất nước sẽ được cải thiện. Việc có nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ trong khu vực người dân ở, sinh hoạt cũng sẽ khiến họ trở nên tự hào hơn về nơi đó, và cải thiện sức khỏe của mọi người nói chung.
Bà ROBYN AUSMEIER
* Bà ROBYN AUSMEIER (người Nam Phi):
Hạn chế tâm lý "không phải việc của mình"
Bà ROBYN AUSMEIER
Nhà vệ sinh ở Việt Nam nhiều nơi sạch không thua các nước phương Tây, nhưng số khác lại khá bẩn. Do vậy, tôi thường được khuyên không nên sử dụng NVSCC và nên sử dụng nhà vệ sinh tại các nhà hàng, quán cà phê hay trung tâm mua sắm.
Tôi cũng đã dạy ở nhiều trường công lập và nhận ra nhà vệ sinh sạch hay không tùy thuộc nhiều vào việc trường này có ưu tiên khuyến khích, kiểm soát chất lượng nhà vệ sinh hay không.
Phần lớn những nhà vệ sinh dơ bẩn, ám mùi đều là hậu quả của việc người Việt Nam còn thiếu ý thức, gồm việc không dọn dẹp, đảm bảo sự sạch sẽ sau khi sử dụng do không cảm thấy việc giữ gìn vệ sinh cho nơi này thuộc bổn phận, trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, còn có một số người không thật sự thấy việc đảm bảo vệ sinh là quan trọng.
Theo đó, giải pháp tốt nhất có lẽ là những băngrôn, tờ rơi dán ở những nơi dễ thấy trong nhà vệ sinh để khuyến khích họ luôn giữ những nơi này sạch sẽ, đồng thời nhắc họ tiết kiệm điện, giấy và nước. Băngrôn và tờ rơi có hiệu quả cao hơn các cuốn hướng dẫn vì dễ đập vào mắt người khác. Một giải pháp khác sẽ là giáo dục. Như đã nói ở trên, các trường học ưu tiên việc giáo dục học sinh về tầm quan trọng của một nhà vệ sinh sạch sẽ làm nên một thay đổi rất lớn không chỉ trong thái độ sử dụng NVSCC, mà còn trong thái độ của các em với môi trường xung quanh.
Xây dựng và duy trì chất lượng của các NVSCC có thể trở nên vô cùng tốn kém, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng dịch vụ này nên miễn phí (hay với phí rất thấp), vì như vậy mới thật sự tiếp cận được mọi người, kể cả người không có nhiều tiền.
Ở Cape Town, thủ đô Nam Phi, chúng tôi đang đối mặt với việc thiếu hụt nước sạch nên tại các NVSCC ít thấy vòi nước mà chủ yếu có dung dịch rửa tay sát khuẩn khô. Vô hình trung, cách này giúp các nhà vệ sinh tiết kiệm chi phí và sạch sẽ hơn.
* Ông BILL THOMAS (người Anh):
Cần nhà vệ sinh ở những nơi đông người khó khăn
Ở Anh, các vùng nghèo khó cần đến những nhà vệ sinh an toàn và sạch sẽ vì xung quanh ít có những siêu thị lớn, trung tâm mua sắm khang trang hay nhà hàng đẹp để có thể sử dụng nhà vệ sinh. Tuy nhiên, nhà vệ sinh ở những nơi này gặp phải nhiều vấn đề như có người vào để sử dụng ma túy và có hành động trái phép khác, hoặc sự thiếu hụt đầu tư để giữ gìn vệ sinh, chất lượng và cơ sở vật chất của những nơi này.
NVSCC với chất lượng tốt đều cần thiết ở các nước, đặc biệt ở những nơi đông đảo người bán hàng rong, người vô gia cư, và những người sống trong điều kiện không tốt.
Riêng ở Việt Nam, tôi cho rằng có thể thu phí NVSCC ở các khu vực gần các trung tâm mua sắm, đường Lê Duẩn (TP.HCM) hay hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Phí này được sử dụng để duy trì và đảm bảo chất lượng ở các khu khó khăn hơn bởi lẽ những cộng đồng người nghèo sẽ khó trả phí cho những dịch vụ tương tự.
* Ông Ryan Patey (du khách người Canada):
Sài Gòn còn có nhiều NVSCC hơn Canada!
Ông Ryan Patey
Tôi thấy ở Sài Gòn, sự hiện diện của NVSCC có vẻ còn nhiều hơn ở một số nơi tại Canada quê tôi và đây là điều tốt. Những khi đi thăm bạn bè hay họ hàng ở thành phố khác và phải đi lang thang trong khi chờ họ tan sở, cần tới nhà vệ sinh tôi mới nhận ra Canada có rất ít NVSCC - nếu không muốn nói là không có.
Nhưng có NVSCC rồi thì việc giữ vệ sinh để mọi người dùng cảm thấy chấp nhận được là vấn đề quan trọng. Ngoài việc người dùng phải ý thức mỗi lần sử dụng, tôi nghĩ nếu thu một mức phí phải chăng, hoặc có nguồn ngân sách để duy trì việc dọn vệ sinh hằng ngày là cần thiết. Có số điện thoại liên lạc trong trường hợp nhà vệ sinh quá bẩn hoặc bị phá hoại.
Một lần nữa, cần cân nhắc mức phí khi với người vô gia cư, người bán hàng trên đường phố mà tôi thấy số lượng khá nhiều ở TP.HCM, có thể là trở ngại. Do đó, với những ai còn khó khăn, hãy luôn chào đón và làm cho họ cảm thấy thoải mái sử dụng dịch vụ miễn phí ở nhà vệ sinh, còn hơn là để họ giải quyết nhu cầu đó bên gốc cây hay vách tường.
Theo tôi, NVSCC chỉ cần đảm bảo những yêu cầu cơ bản nhất là được. Đó là: còn sử dụng được, an toàn (cánh cửa phải chốt được từ bên trong), đèn còn hoạt động, có nước và xà phòng rửa tay, nếu có thể thì đừng ngập nước ướt sũng, đừng quá hôi là rất tốt rồi.
Một vấn đề tôi cho là cản trở nho nhỏ và là nguyên nhân khiến nhiều người cứ "đại" ở chỗ nào "tiện" thay vì dùng nhà vệ sinh, đặc biệt với người lao động, là chỗ gửi xe máy. Nếu TP.HCM muốn những người lao động khác, người đi xe máy sử dụng NVSCC, cần có một chỗ đậu xe nhỏ và có người giữ xe.
Những bồn cầu in đầy dấu giày
Đối với nhiều người, chuyện đi vệ sinh ở nơi công cộng không phải chuyện dễ dàng. Không khó bắt gặp những biển báo có nội dung "Vui lòng không giẫm chân lên bồn cầu", cho thấy việc ngồi xổm lên bồn cầu là phổ biến đến mức người ta phải nhắc nhở. Tôi nghĩ hành vi đó bắt nguồn từ tâm lý sợ dơ, ai cũng nghĩ NVSCC là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn và mầm bệnh, đặc biệt là những nhà vệ sinh mà việc dọn dẹp thường xuyên không được đảm bảo.
Có lần, tôi đi nước ngoài và phải sử dụng NVSCC. Ngoài giấy vệ sinh, vòi nước, trong nhà vệ sinh còn được trang bị khăn giấy và bình đựng dung dịch vệ sinh sát khuẩn để lau bệ ngồi bồn cầu. Ở một số nơi, NVSCC còn được trang bị miếng lót bồn cầu dùng một lần. Tôi thấy đây là một số cách mà NVSCC ở nước mình có thể tham khảo, để những bồn cầu không còn in đầy dấu giày.
PHƯƠNG THU
Không dám uống nước khi đi học!
Tôi được sinh ra và lớn lên ở châu Âu, lần đầu tôi về Việt Nam lúc 7 tuổi và đó là lần "trải nghiệm" nhà vệ sinh thật khủng khiếp!
Vài năm sau tôi được bố mẹ đưa về Việt Nam học trường cấp II công lập. Do học bán trú, việc sử dụng nhà vệ sinh trong trường là không thể tránh khỏi. Và rồi tôi lại "sốc". Bồn xí được ngăn bởi những vách tường thấp chứ không tạo thành từng căn phòng một, nên về cơ bản gần như là "lộ thiên". Tôi còn nhớ suốt năm cấp II tôi không uống nước, hạn chế ăn canh, mẹ đưa trái cây cho đi học cũng không ăn để tránh... mắc tiểu. Một ngày ở trường từ sáng đến chiều nhưng tôi không dám đi vệ sinh.
THANH HÀ (Q.Tân Bình, TP.HCM)
Bản đồ nhà vệ sinh công cộng ở Anh
Từ tháng 11-2014, nước Anh đưa vào hoạt động bản đồ nhà vệ sinh công cộng có tên The Great British Public Toilet Map trên trang web toiletmap.org.uk. Website này được giới thiệu là cơ sở dữ liệu lớn nhất về mạng lưới nhà vệ sinh cộng đồng ở Anh với hơn 11.000 địa điểm tính đến thời điểm này. Những địa điểm đó gồm nhà vệ sinh ở nơi công cộng mà mọi người đều được phép sử dụng, và nhà vệ sinh ở những cơ sở tư nhân nhưng cho phép cộng đồng sử dụng mà không cần phải là khách hàng.
Đối với những nhà vệ sinh người dùng cần được cho phép, The Great British Public Toilet Map kết hợp với một số tổ chức liên quan triển khai chương trình Use Our Loos (Hãy sử dụng nhà vệ sinh của chúng tôi), kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh quán cà phê, nhà hàng hay quán bar mở cửa nhà vệ sinh của họ cho mọi người - dù là khách hàng hay không - sử dụng. Đổi lại, doanh nghiệp có thể được giảm giá chi phí vệ sinh nhà vệ sinh, được quảng bá vì đóng góp cho cộng đồng.
NGỌC ĐÔNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận