Phóng to |
Các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị của nhóm tư vấn các nhà tài trợ - Ảnh: H.Giang |
Nợ xấu ngân hàng và cải cách doanh nghiệp nhà nước tiếp tục là một trong những chủ đề quan trọng trong các phần trình bày từ phía cộng đồng các nhà tài trợ.
Thách thức của năm bản lề
Đại sứ Nhật Bản Tanizaki Yasuaki cho biết trong sáu tháng đầu của năm tài chính này (theo lịch tài khóa Nhật, tức là từ 1-4-2012 tới hết tháng 9 năm nay), Nhật Bản đã cam kết cung cấp khoảng 1,4 tỉ USD cho các dự án vốn vay ODA mới. Ông bày tỏ hi vọng trong cả năm tài chính này (tức đến hết 31-3-2013), Nhật Bản sẽ có thể cung cấp khoản viện trợ tương đương với mức đã cam kết là khoảng 2,7 tỉ USD. Đại sứ Hàn Quốc Ha Chan Ho nói trong giai đoạn 2012-2015, Hàn Quốc sẽ cung cấp vốn vay ODA trị giá 1,2 tỉ USD cho VN. Liên minh châu Âu cũng thông báo sẽ cung cấp cho VN khoản vay ODA trị giá 743,16 triệu USD cho năm 2013 (chưa kể viện trợ của EU thông qua ADB, Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới). |
Ông Deepak Mishra, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, cho rằng điều cần làm ngay là xác định số nợ xấu hiện tại: “Các nhà tài trợ như Ngân hàng Thế giới không có được số liệu này. Cho đến nay, Chính phủ nói nợ xấu ngân hàng chiếm 8,86% tổng nợ nhưng con số này có thể tăng khi tình hình kinh tế xấu đi. Vì thế cần công bố số liệu hằng tháng chứ không phải sáu tháng một lần”. Ông Mishra nói: “Khi một ngân hàng thương mại công bố tỉ lệ nợ xấu hơn 3% họ sẽ chịu sự điều chỉnh của quy định cụ thể xem có thể mở thêm bao nhiêu chi nhánh, niêm yết trên thị trường chứng khoán như thế nào... nên các ngân hàng có động cơ giấu số liệu và đó là lý do tại sao Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện đánh giá riêng của họ về nợ xấu”.
Năm 2013 được Chính phủ VN và cả cộng đồng tài trợ quốc tế xác định là năm bản lề trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015. Để thành công vượt qua “bẫy” thu nhập trung bình, hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận hai vấn đề quan trọng là chất lượng, kỹ năng nguồn lao động và quản lý nguồn lực đất đai hạn chế của VN. Bà Victoria Kwakwa, giám đốc Ngân hàng Thế giới, cho rằng: đảm bảo quyền sử dụng đất cho người dân, sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp, tăng cường sử dụng đất cho các nhóm dễ tổn thương, tăng cường tính minh bạch và bình đẳng cho việc thu hồi và đền bù đất đai của Nhà nước và hạn chế những vấn đề nảy sinh trong quá trình thu hồi đất bắt buộc... sẽ rất quan trọng đối với hiệu quả và tính toàn diện trong quá trình phát triển của VN trong tương lai. “Chúng tôi hi vọng những điểm này được thể hiện trong Luật đất đai mới sẽ được thông qua vào năm 2013” - bà Victoria Kwakwa đề nghị.
Chuyển sang diễn đàn quan hệ đối tác phát triển
Hội nghị CG lần này là hội nghị cuối cùng, đánh dấu sự kết thúc của 20 năm tiến hành đối thoại giữa các nhà tài trợ và Chính phủ VN theo hình thức cũ. “Mối quan hệ đang phát triển và không chỉ giới hạn ở việc hợp tác phát triển truyền thống nữa. Mối quan hệ này còn ghi nhận vai trò đang tăng lên và những ảnh hưởng của khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội và những nhà tài trợ mới đối với sự phát triển của VN” - Đại sứ EU tại VN Franz Jessen nói. Bên lề hội nghị, ông nói với Tuổi Trẻ: “Thành công của CG không nên dựa vào con số cam kết ODA là bao nhiêu. Đơn giản tiền là công cụ, không phải là mục tiêu. Điều quan trọng là mỗi lần thảo luận xong, chúng ta đi đến chính sách gì, thay đổi gì”. Từ năm 2013, CG sẽ chuyển thành Diễn đàn quan hệ đối tác phát triển.
Nhận định về con số cam kết vốn vay ODA xấp xỉ 6,5 tỉ USD, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh nói bản thân nhân dân các nước đối tác cũng phải thắt lưng buộc bụng nên kết quả đạt được như vậy đã là tích cực, và “những đồng tiền này quý giá hơn bao giờ hết”. Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị, cố vấn cao cấp về ODA cho Bộ Kế hoạch - đầu tư Dương Đức Ưng cho biết chính vì xu hướng ODA giảm dần nên việc chuyển hình thức đối thoại từ CG sang Diễn đàn quan hệ đối tác phát triển cũng nhằm đa dạng hóa nguồn lực, cả về tài chính lẫn kinh nghiệm và kiến thức phát triển cho VN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Việt Nam không coi thường hạn chế, yếu kém” Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết để phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP cao hơn năm 2012, Chính phủ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu, hàng tồn kho và tiếp cận tín dụng với lãi suất hợp lý; ưu tiên tín dụng cho sản xuất nông nghiệp, hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính. Đồng thời VN sẽ tạo điều kiện cho phát triển bền vững trong những năm tiếp theo thông qua phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, coi đây thật sự là quốc sách hàng đầu để phát triển nhanh, bền vững của VN kể cả trước mắt cũng như lâu dài. “Chúng tôi không hề coi thường những hạn chế, yếu kém, khó khăn, chúng tôi không thỏa mãn mà chúng tôi sẽ hết sức nỗ lực để đạt được mục tiêu đã đề ra” - Thủ tướng nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận