01/01/2016 07:33 GMT+7

Cảm hứng trẻ ngày cuối năm

PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG (phamvu@tuoitre.com.vn)
PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG ([email protected])

TT - Ngày 31-12 - ngày cuối cùng của năm cũ, tại tòa soạn Tuổi Trẻ đã diễn ra chương trình giao lưu trực tuyến “Gặp gỡ cuối năm” với sự tham gia của 10 nhân vật.

Các khách mời tham gia chương trình giao lưu - Ảnh: Tự Trung
Các khách mời tham gia chương trình giao lưu - Ảnh: Tự Trung

Mỗi người một việc, mỗi người một khía cạnh, các khách mời đã cùng bạn đọc đồng lòng chọn một góc nhìn để điểm lại năm 2015 đầy sự kiện và hướng tới 2016: những vấn đề của người trẻ.

Câu hỏi đau đáu

Không hẹn mà gặp, hàng trăm câu hỏi của bạn đọc gửi đến cuộc giao lưu trực tuyến gặp gỡ cuối năm cho các nhân vật của Tuổi Trẻ đều xoay quanh những vấn đề của giới trẻ, cũng chính là của xã hội. Giao lưu trong giờ khắc đặc biệt trước thềm năm mới, mọi người không quên đây là lúc để điểm lại những sự kiện của một năm, thời điểm để nhìn lại chính mình.

Bạn đọc Lê Thu Thủy bức xúc hỏi trung tướng Phan Văn Vĩnh: “Năm 2015 có quá nhiều vụ án mạng dã man, những vụ “thảm sát” theo cách gọi của báo chí. Xin hỏi trung tướng: Công tác quản lý của ngành công an có vấn đề gì hay không mà tình trạng tội ác man rợ lại xuất hiện ngày càng nhiều như thế? Phải chăng ngành công an đã bỏ lọt nhiều tội phạm nguy hiểm cho sống nhởn nhơ ngoài xã hội? Điều này khiến chúng tôi rất lo lắng cho sự bình an của con cái mình”.

Bạn Nguyễn Hoàng Chương còn sốt ruột hơn: “Giải pháp phối hợp nào giữa hai ngành công an và giáo dục để phòng ngừa và giảm bớt những tội phạm trẻ?”.

Bạn Lưu Tấn Tài thì phân tích: “Ba trụ cột giáo dục gia đình - nhà trường và xã hội hiện nay chưa phối hợp một cách hiệu quả. Đây có phải là nguyên nhân chính dẫn đến tội phạm trẻ hóa ngày càng tăng, ngoài ba trụ cột này hiện nay chúng ta có cần thêm trụ cột nào không?”.

Bạn Đào Đức Thọ kể với TS Huỳnh Văn Sơn: “Tôi thấy các bạn trẻ dưới 18 tuổi thường ra đường làm nhiều việc không hay khác nhau như đua xe, đánh nhau. Tôi có hỏi, họ bảo buồn, không có chuyện gì làm, chỉ khi tham gia những cuộc chơi như vậy thì mới thấy mình đáng sống và bản thân họ có ý nghĩa...”.

Bạn Đào Đức Lộc chia sẻ câu chuyện của riêng mình: “Tôi cũng là một người trẻ, đã có lúc tôi suýt phạm tội, ít nhất là cố ý gây thương tích cho người khác. Cụ thể tôi đã tính đến việc tổ chức đánh người mình rất ghét. Sau này tôi hối hận vì suy nghĩ này, nhưng lúc đó cơn nóng giận dâng lên ào ào, lý trí trở nên yếu ớt, tôi không thể kiềm chế được. May mắn lúc tôi cần nhiều bạn bè hỗ trợ, cần hung khí và trong quá trình tổ chức, tôi nguôi giận và tạm bỏ ý định. Tôi và những người trẻ như tôi phải làm sao để tiết chế mình?”...

Những câu hỏi mang nỗi niềm đau đáu, lo lắng và mong đợi những giải pháp hiệu quả hơn để bảo vệ cuộc đời, mong đợi một ngày mai tốt đẹp hơn cho mình, cho mọi người.

Với những khách mời là các công dân tiêu biểu của thành phố, những bạn trẻ tiêu biểu với những thành tích, cống hiến đặc biệt như “nàng tiên cá” Ánh Viên, ca sĩ Hà Anh Tuấn, những câu hỏi vẫn chưa nguôi như câu hỏi của bạn Minh Minh: “Là những người trẻ và được đánh giá là có cách sống đẹp, các bạn nghĩ thế nào về những cái xấu, cái ác đang diễn ra từng ngày, từng giờ quanh mình? Có khi nào bạn thấy chán nản, mất lòng tin vào cuộc sống, hay nản lòng trong công việc của mình khi bạn gặp khó khăn không? Khi đó, bạn làm thế nào để vượt qua?”. Làm thế nào để sinh viên, tuổi trẻ Việt Nam trở nên chủ động, tích cực hơn? Làm thế nào để âm nhạc Việt Nam có những chương trình chất lượng hướng đến lý tưởng sống cao đẹp như Câu chuyện hòa bình? Động lực nào đã thúc đẩy Ánh Viên vượt qua gian khổ trong tập luyện và thiệt thòi trong cuộc sống riêng để vươn đến thành tích đỉnh cao? Mong muốn về sự đổi mới, thay đổi của TP.HCM trong năm mới và góp phần nào của mình vào đó?...

Những câu hỏi bạn đọc đặt ra cho khách mời nhưng đọc lên thấy cũng như đặt ra cho chính mình. Câu hỏi nào cũng đã hàm chứa những câu trả lời chan chứa hi vọng.

Trả lời tự tin

Ngày cuối năm bao nhiêu điều bận rộn, sắp xếp thời gian đến giao lưu giữa dày đặc lịch tập, lịch diễn, lịch tổng kết và không khỏi bóp trán: “Hỏi khó quá...”, nhưng rồi các khách mời đều hào hứng trả lời, bởi các câu hỏi đau đáu ấy cũng chính là tâm tư của họ, sự chờ đợi của câu hỏi cũng chính là hi vọng của họ.

Trung tướng Phan Văn Vĩnh chia sẻ: “Trong cuộc chiến chống tội phạm đã có nhiều đồng chí, đồng đội của chúng tôi phải hi sinh hoặc để lại một phần xương máu của mình. Chúng tôi cũng đã phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để xây dựng môi trường không tội phạm, không tệ nạn xã hội, tuyên truyền ý thức pháp luật đến từng gia đình. Chúng tôi luôn cố gắng từng ngày vì sự bình yên của cuộc sống”.

TS Huỳnh Văn Sơn tóm tắt ngay một bài học về nguyên tắc 10 giây suy nghĩ trước khi hành động để rèn luyện thói quen cẩn trọng, kiểm soát cảm xúc, khí chất... để gửi đến các bạn trẻ.

Ngoài những bài học về hành vi, nhận thức, tầm quan trọng của giáo dục, TS Sơn còn nhấn mạnh đến tình yêu thương: “Khi một bạn trẻ nhận ra mình đi đánh nhau không chỉ tổn thương chính mình mà còn có giọt nước mắt của mẹ, tiếng thở dài của cha, mái tóc bạc thật nhanh của ông bà... họ mới nhận ra mình cần điều chỉnh”.

Ở phía được gọi là “tấm gương”, các khách mời rất trẻ, đầy nghị lực và quyết tâm với bảng thành tích dày đặc đã hồn nhiên và nghiêm túc chia sẻ mục đích sống của mình.

Đàm Nguyễn Trọng Nhân nói về lựa chọn đầm mình vào nghiên cứu khoa học của mình: “Mình rất tiếc khi để thời gian trôi qua lãng phí mà không nỗ lực làm điều gì đó để thực hiện ước mơ. Tuổi của mình đang là tuổi đẹp nhất, sung sức nhất, nhưng thời gian vẫn là quá ít so với những việc mình muốn làm. Do vậy, phải lựa chọn ưu tiên và dồn hết tâm huyết của mình vào đó”.

Đinh Xuân Tân chia sẻ: “Giải thưởng của thành phố bình chọn cho sự cống hiến. Mình đã được chọn và vẫn sẽ tiếp tục truyền nghề, truyền lửa, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp với các bạn công nhân, sinh viên lớp sau mình...”.

Trần Quốc Trung trầm ngâm trước câu hỏi về thực trạng giáo dục: “Là thầy giáo trưởng thành từ nền giáo dục Việt Nam, đã học tập ở nước ngoài và trở về nước giảng dạy, tôi nhận thức rõ hạn chế đó. Tôi hi vọng đóng góp phần nhỏ của mình bằng những mới mẻ đã học được để có cách tiếp cận mới, gần hơn với các nền giáo dục tiên tiến...”.

Là một thần tượng nhiều năm qua của nhiều bạn trẻ, ca sĩ Hà Anh Tuấn nói về các khách mời cùng giao lưu với mình: “Với cách sống của mình, họ truyền được cảm hứng tốt đẹp cho cộng đồng xung quanh, làm đòn bẩy để chúng ta cùng hướng đến tư duy sống đẹp”.

Tết là tập luyện

Vận động viên Ánh Viên - Ảnh: Tự Trung
Vận động viên Ánh Viên - Ảnh: Tự Trung

Nghiêm chỉnh, đúng giờ, Ánh Viên có mặt tại phòng giao lưu trong bộ đồ thể thao. Cô nhỏ cười: “Em mới từ phòng tập đến đây. Sáng em dậy tập từ lúc 5g30”.

Mới từ Mỹ trở về Việt Nam được hai ngày, Ánh Viên còn chưa kịp thích nghi với sự thay đổi múi giờ nhưng lịch tập luyện và lịch học tập văn hóa cô vẫn tuân thủ nghiêm ngặt.

Cô gái vàng của đường đua xanh Việt Nam trả lời những câu hỏi khá hóc búa của bạn đọc một cách tự nhiên, chân tình, pha chút hồn nhiên, chơn chất của người miền Tây.

Ngày cuối năm này, Viên kể cô vừa gọi về nhà hỏi ba mẹ chuẩn bị tết tới đâu. Hỏi cho biết vậy thôi, chứ năm nay sẽ là năm thứ năm Ánh Viên ăn tết ở nước ngoài.

Trả lời câu hỏi của bạn đọc Võ Thành Long về kỷ niệm trong mấy lần đón tết xa quê, Ánh Viên nhỏ nhẻ: “Kỷ niệm của em trong các ngày tết vẫn là tập luyện. Năm nay cũng như mọi năm, tết của em vẫn sẽ là tập luyện”.

Chia sẻ về quyết định của mình khi gặp tình huống: nếu người Mỹ nhìn thấy tài năng trong tương lai của Ánh Viên, họ muốn đãi ngộ như là: tặng nhà, tiền, quà... thậm chí cho nhập tịch do bạn đọc Lê Phong đặt ra, Ánh Viên nói: “Tôi là người Việt Nam, mang dòng máu Việt, đặc biệt là gia đình của tôi sống tại Việt Nam nên tôi sẽ mãi mãi là người Việt và luôn phấn đấu vì màu cờ sắc áo của đội tuyển Việt Nam”.

Khi bạn đọc Trần Kim Lân hỏi Ánh Viên đã đối diện với thành công đến quá sớm và đột ngột như thế nào, Ánh Viên bộc bạch: “Thành công này không phải là quá sớm và đột ngột đâu. Những gì em đạt được hôm nay là cả một quá trình nỗ lực tập luyện suốt 4 năm ròng. Trong lúc các bạn đồng trang lứa vui chơi với bạn bè, gia đình thì em phải tập trung tất cả thời gian vào tập luyện. Lúc nào cũng vậy, muốn đạt được kết quả tốt mình phải nỗ lực hết sức”.

10 khách mời tham gia cuộc giao lưu trực tuyến

- Trung tướng Phan Văn Vĩnh - tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an;

- PGS.TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn; ca sĩ Hà Anh Tuấn;

- Tuyển thủ bơi lội quốc gia Ánh Viên

Và 6 công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2015:

- Võ Thành Công, cán bộ phòng cứu nạn cứu hộ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP.HCM;

- Đàm Nguyễn Trọng Nhân, nghiên cứu viên tại Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM;

- Nguyễn Thị Mộng Quỳnh, học sinh lớp 12A1.2 Trường THPT Nguyễn Huệ, Q.9, VĐV taekwondo tuyến năng khiếu tập trung thuộc Trung tâm huấn luyện và thi đấu TP.HCM;

- Đinh Xuân Tân, kỹ sư cơ khí ôtô, Xí nghiệp Công nghiệp và dịch vụ ôtô (ISAMCO), Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn;

- Võ Hạ Trâm, ca sĩ, cử nhân thanh nhạc của Nhạc viện TP.HCM;

- Trần Quốc Trung, giảng viên, phó trưởng bộ môn nghiệp vụ, Trường đại học Ngoại thương cơ sở 2 tại TP.HCM.

PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp