Máy bay không người lái tí hon giết người trong phim "Robot sát thủ” - Ảnh: YouTube
Phim mô tả hàng ngàn máy bay không người lái tí hon chở chất nổ dùng chương trình nhận diện gương mặt tiến hành ám sát hàng loạt.
Sau 10 ngày công bố, video đã thu hút 2 triệu lượt xem. Phim được thực hiện theo ý tưởng của Viện Tương lai cuộc sống và giáo sư Stuart Russell (Đại học California) ở Mỹ nhằm cảnh báo hậu quả thảm khốc nếu sử dụng vũ khí sát thương hoàn toàn tự động.
Máy móc không thể quyết định như con người và con người vẫn phải chịu trách nhiệm trước những quyết định về cuộc sống và cái chết
(Nghị quyết của Nghị viện châu Âu)
Các ông lớn dè chừng nhau
Hiện nay chưa có chuẩn mực quốc tế hay cơ sở pháp lý quốc tế nào điều chỉnh vấn đề sử dụng vũ khí sát thương tự động (VKSTTĐ).
Đến nay chỉ có 27 quốc gia ủng hộ cấm VKSTTĐ. Mỹ, Nga, Úc, Hàn Quốc và Israel quyết liệt phản đối soạn thảo dự thảo công ước cấm.
Trung Quốc giữ quan điểm nước đôi, một mặt ủng hộ cấm nhưng mặt khác vẫn phát triển robot sát thủ.
Chuyên gia Pháp Thierry Berthier nhận xét: "Trung Quốc sẽ không bao giờ ký kết bất kỳ công ước cấm VKSTTĐ nào vì không có gì bảo đảm Mỹ cũng thực hiện quy định cấm như vậy".
Tháng 12-2016, Trung Quốc đưa ra tài liệu ủng hộ một nghị định thư cấm VKSTTĐ bổ sung cho Công ước về một số loại vũ khí thông thường của LHQ năm 1980 (CCW).
Đến tháng 4-2018, một tài liệu khác của Trung Quốc lại nêu chỉ muốn "ứng dụng các chuẩn mực pháp lý chung" cho vũ khí tự động chứ không còn ủng hộ cấm triệt để nữa.
Trong khi đó, EU chỉ bày tỏ quan điểm chứ không ủng hộ cấm rõ ràng. Ngày 12-9-2018, với 546 phiếu thuận, 47 phiếu chống và 73 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết đề nghị cấm VKSTTĐ song nghị quyết không có giá trị pháp lý ràng buộc.
Nghị quyết chỉ đề nghị cấm vũ khí sát thương hoàn toàn tự động chứ không đề cập đến vũ khí được điều khiển từ xa.
Pháp giữ quan điểm nước đôi như Trung Quốc, Anh thì "đổ thừa" không thể định nghĩa việc con người kiểm soát VKSTTĐ như thế nào.
Giáo sư Mỹ Jody Williams (trái), giải Nobel hòa bình năm 1997 và giáo sư Noel Sharkey người Anh, chủ tịch Ủy ban quốc tế về kiểm soát vũ khí tự động hóa (ICRAC), kêu gọi cấm vũ khí tự động tại London (Anh) ngày 23-4-2013 - Ảnh: Getty Images
Vì sao cấm và vì sao không cấm?
Từ nhiều năm nay, các nhà chính trị, nhà khoa học, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ đã tham gia cuộc vận động cấm sử dụng VKSTTĐ. Đến nay đã có 85 tổ chức phi chính phủ ở 48 nước ủng hộ cấm VKSTTĐ.
Những người ủng hộ cấm VKSTTĐ đưa ra năm luận điểm. Một, nếu không cấm thì VKSTTĐ sẽ được sản xuất công nghiệp.
Hai, một số ít người cũng có thể triển khai hàng loạt VKSTTĐ, nhất là máy bay không người lái mini sát thủ.
Ba, robot tự động không cần binh sĩ, vì vậy một quốc gia không cần trả giá máu rất dễ nghĩ đến chuyện phát động chiến tranh.
Bốn, VKSTTĐ có thể bị tin tặc cướp quyền điều khiển.
Năm, thà cấm VKSTTĐ mà lệnh cấm không được tôn trọng hoàn toàn còn hơn là không cấm, ví dụ như LHQ đã cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học và hóa học, mìn cá nhân, tia laser gây mù.
Trong khi đó, những người phản đối cấm VKSTTĐ cũng đưa ra nhiều lý do biện minh. Họ cho rằng VKSTTĐ là loại vũ khí biết tuân lệnh, đa năng và không cần tự vệ trong khi các binh sĩ thường suy nghĩ "nổ súng trước là thượng sách" nên rất dễ nổ súng trước.
Hoặc có nhiều cách đáp trả VKSTTĐ như gây nhiễu, chiếm quyền điều khiển, bắn tiêu diệt nên chẳng có gì phải sợ.
Cuối cùng, không thể cấm VKSTTĐ vì quy định cấm dễ bị lợi dụng do từ ngữ rất mông lung.
Phiên họp đầu tiên của các chuyên gia LHQ về vũ khí sát thương tự động ngày 14-4-2014 tại Genève (Thụy Sĩ) - Ảnh: LHQ
Có nên trao quyền đoạt mạng cho robot?
Các tổ chức phi chính phủ khẳng định có thể vận dụng điều khoản Martens trong Công ước La Haye (II) về luật và luật tục trong chiến tranh trên bộ năm 1899 để cấm VKSTTĐ.
Điều khoản Martens quy định nếu không có các điều khoản chuyên biệt trong các hiệp ước, người dân và nước tham chiến sẽ được bảo vệ bởi các luật nhân đạo và đòi hỏi của lương tâm.
Các luật gia cho rằng vẫn có thể điều chỉnh VKSTTĐ theo pháp luật về xung đột vũ trang như vũ khí thông thường, ví dụ chỉ được tấn công vào mục tiêu chính đáng hoặc không gây thiệt hại liên đới quá đáng.
Dù vậy, về pháp lý còn nhiều vấn đề trở ngại như: Cần quy định con người can thiệp vào vũ khí tự động lúc nào?
Luật quốc tế dành cho người chỉ huy một giới hạn tự do nhất định trong chiến đấu, vậy giới hạn đó có được áp dụng cho vũ khí tự động hay không? Trách nhiệm thuộc về ai nếu robot tấn công sai mục tiêu do hỏng hóc?
Ngoài vấn đề pháp lý còn nảy sinh vấn đề đạo đức. Sinh mạng con người rất quý giá, vậy ủy nhiệm cho VKSTTĐ quyền "muốn sống thì sống, muốn chết cho chết" phải chăng là vô đạo đức?
Trên thực tế đối với VKSTTĐ, rất khó thực thi nguyên lý "jus in bello" (thực thi luật pháp quốc tế trong chiến tranh) và bảo đảm tính chất cân xứng trong xung đột như sử dụng vũ lực đến đâu, nên nổ súng hay không, sử dụng vũ khí loại nào?
Tháng 5-2013, LHQ đã kêu gọi tạm thời cấm VKSTTĐ cho đến khi các nước thành viên LHQ đồng thuận các nguyên tắc sử dụng. Đến nay, đàm phán về VKSTTĐ trong khuôn khổ CCW diễn ra rất chậm chạp.
Phiên họp đầu tiên của CCW được tổ chức năm 2014. Đến tháng 12-2016, hội nghị CCW mới nhất trí thành lập nhóm chuyên gia chính phủ của LHQ phụ trách soạn thảo định nghĩa về VKSTTĐ và ứng dụng luật pháp quốc tế trong sử dụng VKSTTĐ.
Tháng 9-2018, hội nghị nhóm chuyên gia chính phủ của LHQ cũng chỉ mới nhất trí bắt đầu thảo luận định nghĩa các nguyên tắc cơ bản về VKSTTĐ.
27 quốc gia ủng hộ cấm vũ khí sát thương tự động
Trong báo cáo đầu tiên về VKSTTĐ công bố hồi tháng 11-2018, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) đã nhận diện tối thiểu 381 hệ thống tự động quân sự được phát triển, trong đó có 175 hệ thống vũ khí. Hiện nay chưa có loại VKSTTĐ nào được triển khai trên thế giới.
27 quốc gia ủng hộ cấm VKSTTĐ gồm Argentina, Bolivia, Brazil, Chile, Colombia, Costa Rica, Cuba, Ecuador, Guatemala, Mexico, Nicaragua, Panama, Peru, Venezuela, Algeria, Djibouti, Ghana, Uganda, Zimbabwe, Morocco, Ai Cập, Iraq, Palestine, Áo, Trung Quốc, Pakistan và Tòa thánh Vatican.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận