27/11/2021 11:32 GMT+7

Cam go cuộc chiến chống hàng giả

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Việt Nam đặt mục tiêu trong ba năm tới, 90% các cơ sở phân phối không còn tình trạng bày bán hàng giả một cách công khai ở siêu thị, trung tâm thương mại. Các hộ kinh doanh cũng cam kết không tiêu thụ hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ…

Cam go cuộc chiến chống hàng giả - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng TP.HCM làm việc với đại diện một điểm nghi kinh doanh hàng giả - Ảnh: M.Y

Những mục tiêu đầy kỳ vọng và quyết tâm khi Việt Nam đang tham gia sâu hơn vào các hiệp định thương mại tự do (nơi yêu cầu rất cao tính thực thi của công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ) đã dấy lên những hy vọng mới trong công tác phòng chống hàng gian, hàng giả vốn ì ạch nhiều năm qua.

Ước tính ở Việt Nam có đến 7-8 lực lượng tham gia công tác chống hàng giả, hàng lậu... Ngay từ cửa khẩu, chúng ta có lực lượng bộ đội biên phòng, hải quan và cảnh sát biển chống hàng lậu, hàng xâm phạm. 

Vào sâu trong nội địa là các lực lượng như quản lý thị trường, công an, lực lượng chuyên ngành kiểm tra, giám sát xử lý các sản phẩm vi phạm đặc thù về hàng hóa y tế, khoa học công nghệ, nông nghiệp... Nhưng đến nay, công tác này vẫn chưa thực sự hiệu quả. Không những thế, hàng giả từng bị phát hiện tập trung ở những kho hàng lớn "kinh khủng" ngay sát các tỉnh biên giới với Trung Quốc.

Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường đã nêu ra hàng loạt nguyên nhân lý giải vì sao hàng giả vẫn hoành hành ở Việt Nam như do vị trí địa lý giáp nhiều quốc gia, đường biển dài, người tiêu dùng có thu nhập thấp, sính hàng ngoại... Thế nhưng, đó mới chỉ là lý do khách quan.

Sự buông lỏng trong quản lý đối với hàng giả của các cơ quan chức năng cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng giả tràn lan trên thị trường. Tại nhiều thành phố du lịch, trung tâm thương mại, tình trạng bán hàng giả đã trở thành "thương hiệu" và là địa chỉ quen thuộc cho du khách, người dân đến mua và sử dụng.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả ở Việt Nam dần chuyển sang mặt trận khác, rất nóng bỏng mà lực lượng quản lý thị trường Việt Nam đang phải đương đầu. Đây là kênh phân phối nhiều mặt hàng không được nhập khẩu chính ngạch, không có hóa đơn chứng từ; hàng hóa giả mạo các thương hiệu lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Từ nay đến cuối năm là dịp buôn lậu, gian lận thương mại, tội phạm gia tăng. Đặc biệt các mặt hàng trang thiết bị, dụng cụ y tế như khẩu trang không đảm bảo chất lượng, cồn sát khuẩn tự pha chế, không rõ nguồn gốc, đồ bảo hộ giả, nhái sẽ có dịp tung hoành, bày bán tràn lan trên mạng xã hội. Người tiêu dùng có thể bị đánh lừa bất cứ lúc nào mà không hề hay biết.

Chúng ta xác định cuộc chiến chống hàng giả, hàng gian là cuộc chiến không dễ dàng. Nhưng để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và quyền lợi người tiêu dùng luôn được bảo vệ, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và chính sự tự giác của người tiêu dùng. Điều đó cũng để bảo vệ hình ảnh thương hiệu Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, bảo vệ thương hiệu "made in Vietnam".

Với cơ quan chức năng, bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, tăng cường hợp tác quốc tế thì quan trọng nhất vẫn là nâng cao chất lượng đội ngũ cho lực lượng quản lý thị trường, năng lực thực thi, điều tra phát hiện cũng như xử lý vấn đề hàng gian, hàng giả.

Ba năm nữa, 90% cửa hàng ở Việt Nam không bán hàng giả Ba năm nữa, 90% cửa hàng ở Việt Nam không bán hàng giả

TTO - Từ đây đến 2025, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường nhiều biện pháp để đạt mục tiêu 90% các cơ sở phân phối không còn tình trạng bày bán hàng nhập lậu, hàng giả một cách công khai ở cửa hàng, trung tâm mua sắm.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp