Mới đây Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã yêu cầu các công ty chứng khoán rà soát và dừng ngay việc sử dụng hình thức đặt lệnh tự động (giao dịch robot), có biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn hình thức đặt lệnh tự động, cũng như yêu cầu nhà đầu tư chấm dứt việc sử dụng hình thức trên khi chưa được cơ quan quản lý cho phép.
Ủy ban cho biết việc sử dụng công nghệ robot để đặt lệnh giao dịch chứng khoán trực tuyến tự động với tần suất lớn "tiềm ẩn nhiều rủi ro và làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường chứng khoán".
Việc đặt lệnh qua robot sẽ làm gia tăng đột biến tổng số lệnh trong cùng một thời điểm, vượt quá năng lực thiết kế của cả hệ thống, gây hiện tượng quá tải. Hoạt động này cũng có nguy cơ dẫn đến việc đổ vỡ dây chuyền khi thị trường chứng khoán diễn biến xấu, từ đó tác động tiêu cực đến công tác quản trị rủi ro của công ty chứng khoán.
Vài năm gần đây, hàng loạt công ty chứng khoán quảng bá dịch vụ sử dụng công nghệ robot trong giao dịch, thu hút nhà đầu tư.
Hình thức này được ứng dụng phổ biến vào hoạt động: tạo các sản phẩm (chứng quyền, phái sinh, quỹ mở ETFs), kinh doanh chênh lệch giá, chẻ lệnh, nhận lệnh từ bên thứ ba hợp tác với các công ty chứng khoán, copy trade (sao chép giao dịch của các nhà đầu tư xuất sắc), giao dịch ủy thác trên nhiều tài khoản, quản trị rủi ro như cắt lỗ và chốt lời tự động…
Hệ thống giao dịch sẽ giảm áp lực, chờ KRX sớm vận hành
Ông Bùi Văn Huy - giám đốc chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC - nhận định tại nhiều thị trường trên thế giới, việc hoạt động giao dịch chứng khoán bằng robot - giao dịch tần suất cao ngày càng phổ biến.
Điển hình như tỉ trọng giao dịch tần suất cao ở Mỹ chiếm quanh mốc 50% tổng khối lượng toàn thị trường. Các thị trường chứng khoán châu Âu cũng có khoảng 20-30% tổng giá trị mua - bán chứng khoán mỗi phiên.
Tại thị trường Việt Nam, tỉ lệ giao dịch bằng robot vẫn chưa chiếm quá lớn, nhưng một điểm đáng chú ý là ngày một ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chung vì phát triển nhanh, đặc biệt khi nhiều tổ chức đã và đang đổ tiền vào để phát triển.
Ông Huy cho rằng giao dịch bằng robot là xu hướng tất yếu của quá trình ứng dụng công nghệ vào tài chính, nhưng bên cạnh sự ủng hộ thì cũng vấp phải các chỉ trích nhất định vì khiến thị trường tăng - giảm quá mức do các thuật toán giao dịch.
Việc cấm giao dịch robot có thể ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng ở mức độ tương đối - trung bình, vì tỉ lệ giao dịch bằng hình thức này chưa cao. Ngoài ra cũng ảnh hưởng không tốt đến một số công ty chứng khoán có nguồn thu lớn nhờ các giao dịch này.
Tuy nhiên ngưng giao dịch robot đồng nghĩa sẽ giúp giảm mức độ biến động của thị trường, giảm áp lực cho hệ thống giao dịch.
Vì giao dịch tần suất cao vẫn là xu hướng chung của toàn cầu, nên ông Huy dự đoán sau khi hệ thống công nghệ thông tin mới KRX (Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc thầu) đi vào vận hành, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ dần nới các hoạt động này, nhằm đảm bảo công nghệ hóa các giao dịch cũng như phát triển thị trường.
Ở cuộc họp diễn ra gần đây, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán cho hay dự kiến vào ngày 25-12 tới đây, hệ thống KRX sẽ chính thức vận hành.
Từ đó nhà đầu tư có thể được giao dịch trong ngày (T+0), bán khống... và có thêm nhiều sản phẩm mới để lựa chọn. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng cơ hội nâng hạn từ cận biên lên mới nổi, hút nguồn vốn ngoại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận