Phóng to |
Vua Thánh triều Lê nêu bật tư tưởng “gốc của nước là dân” - Ảnh: Đức Triết |
Vừa được Nhà hát Cải lương VN công diễn tối 1 và 2-12, Vua Thánh triều Lê xoay quanh đề tài lịch sử quen thuộc: vua Lê Thánh Tông minh oan cho khai quốc công thần Nguyễn Trãi. Tháng 7-2012, vở kịch lịch sử cùng tên do đạo diễn Vũ Minh dàn dựng từ kịch bản văn học của Lê Duy Hạnh cũng đã ra mắt thành công tại TP.HCM.
Hai “nhân vật” đặc biệt
Ba đêm công diễn tại rạp Hồng Hà (30-11, 1 và 2-12), vở cải lương Vua Thánh triều Lê (tác giả: Lê Duy Hạnh, đạo diễn: NSƯT Hoàng Quỳnh Mai) đã thu hút được sự quan tâm của rất đông khán giả, không chỉ ở Hà Nội mà tại Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình... cũng lặn lội về xem. Sắp tới vào trung tuần tháng 12, vở sẽ tiếp tục được biểu diễn tại rạp Hồng Hà (Hà Nội), sau đó diễn ở Bắc Ninh, Nam Định vào cuối tháng 12. |
Có lẽ cái khó nhất song đã làm nên sự khác biệt cho vở cải lương này là tác giả và đạo diễn phát triển xung đột kịch bằng diễn biến tâm lý nhân vật. Đấy là những đổi thay về nhận thức của vua Lê Thánh Tông trong quá trình minh oan cho Nguyễn Trãi, để qua đó nổi bật lên chất thánh vua Lê Thánh Tông. Hơn nữa, xung đột này lại được đưa ra không trực tiếp mà thông qua hai “nhân vật” đặc biệt: bản Bình Ngô đại cáo và ngai vàng.
Không có tiếng nói thì được trở thành có tiếng nói. Không biết hành động thì được trở thành biết hành động. “Nhân vật” ngai vàng trong Vua Thánh triều Lê là thế. Đấy là những giây phút bầy quạ đen hay đám bá đạo vây quanh ngai vàng, những thời khắc ngai vàng vút lên trời xanh tươi sáng rồi lại hạ xuống trần gian đầy nỗi đau thương. Khủng khiếp hơn là ngai vàng tuôn máu trong tiếng ca xé lòng của chính vua Lê Thánh Tông (Mạnh Hùng): “Anh em ruột giết nhau...” . Lời ca cao vút cứa tận tâm can người đời nay trước nỗi đau đời không phải của riêng ngày xưa!
“Nhân vật” Bình Ngô đại cáo lại được khắc họa với bao nỗi trầm luân, gắn liền án oan Nguyễn Trãi. Ức Trai tiên sinh bị tru di thì Bình Ngô đại cáo cũng bị những kẻ bá đạo săn lùng đến bản thảo cuối cùng, người truyền miệng cuối cùng để giết, đốt...
Bằng nhiều cách gợi, tả, đạo diễn đã khéo léo để Nguyễn Trãi cùng với áng “thiên cổ hùng văn” của ông bao trùm toàn bộ không gian sân khấu cũng như diễn tiến của vở, thêm một lần nữa khẳng định: không tượng đài nào bền bỉ và vững chắc bằng tượng đài lòng dân khi đã khắc ghi tài năng và đức độ về các bậc vĩ nhân vì dân vì nước như Nguyễn Trãi. Đấy là có khi Bình Ngô đại cáo được viết bằng tiếng Việt, chữ thảo trên sáu tấm vải trắng lớn treo hai bên cánh gà. Có khi là lời luận bàn của Nguyễn Lê (người đối nghịch với Nguyễn Trãi) về đôi câu: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Và đỉnh điểm là sự biến chuyển trong tư tưởng của vua Lê Thánh Tông khi tiếp nhận Bình Ngô đại cáo. Trong vòng vây của lũ bá đạo, đã có lúc bậc quân vương cũng đành bất lực nhìn Bình Ngô đại cáo bị thiêu hủy ngay trước mặt. Nhưng, cuối cùng, ông đã hiểu mình cần làm gì và cần tiếp tục con đường “gốc của nước là dân” cùng chân lý ngàn đời: “Nước kia có thể đẩy thuyền đi/Nước kia có thể dìm đi con thuyền”!
“Nước thịnh vì có minh quân”!
Có lần Hoàng Quỳnh Mai nói: “Làm cải lương thời nay là chụp CT”. Ở những vở trước như Cung phi Điểm Bích, Trọn đời trung hiếu với Thăng Long hay Cổ tích một tình yêu... cách làm cắt lớp này được chị “ẩn sâu” trong chất lãng mạn của kịch bản văn học. Nhưng ở Vua Thánh triều Lê thì Hoàng Quỳnh Mai đã sử dụng thủ pháp này khá nhiều với những lớp chụp chắt lọc hòng hóa giải tính triết lý rất sâu sắc trong mỗi câu, mỗi chữ tác giả đã gửi gắm. Đấy là pháp trường quằn quại, ngai vàng tuôn máu, Bình Ngô đại cáo rực cháy và cuộc giằng co giữa bá đạo - lê dân... Phụ trợ vào đó là không gian sân khấu, âm thanh, ánh sáng luôn chuyển động đầy dữ dội, bạo liệt.
Vậy nhưng, nhiều khán giả - dù là bình dân hay chuyên gia - xem xong đều gật đầu khẳng định Vua Thánh triều Lê là một vở cải lương rất ngọt và dễ hiểu, cũng vì nhân vật được khắc họa rõ nét. Sân khấu được xử lý với những mảng miếng đẹp đến lung linh. Những câu ca được vận vào vừa đủ nhưng “đắt” đến nỗi làm người nghe phải ngơ ngẩn. Bởi thế, trong khán phòng đã có những giọt nước mắt rơi khi chứng kiến lại án oan Lệ Chi viên. Rất nhiều gương mặt âu lo để đến lớp cuối cùng thì bật ra tiếng thở phào. Và ông lão bán nước chè đầu phố Bùi Ngọc Dương, chưa khi nào bỏ vở mà Hoàng Quỳnh Mai dựng, khi xem xong đã cười hả hê nói: “Thời nào cũng thế, nước thịnh vì có minh quân”.
Tâm đắc với vở diễn, nhà văn Chu Lai nhận xét: “Thật ngẫu nhiên khi vở Vua Thánh triều Lê được công diễn đúng thời điểm nước ta đang còn nhiều câu chuyện về nỗi oan sai. Rất khó, rất hóc búa vậy nhưng Vua Thánh triều Lê đã thành công vì sự hấp dẫn, sâu lắng và xúc động”.
Hà Nội đã bước vào đông. Vậy nhưng sau đêm công diễn, khán giả ra về với lòng ấm áp. Vì nói cho cùng kịch cũng là đời, là những mong muốn khôn cùng về một bậc minh quân một lòng vì dân vì nước...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận