Các phụ huynh mang tre đến trường đan liếp giường cho con ở ký túc xá - Ảnh: TUÂN ĐÌNH
Một ngày cuối tuần giữa tháng 8, khi các em học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới, các phụ huynh ở xã miền núi này cùng nhau đóng góp tre, nứa, gỗ để làm nhà ký túc xá.
Do nhà xa, nhiều phụ huynh ở các bản như Pủng, Xoóng Con, Lưu Thông, Lưu Phong cẩn thận mang tre, nứa, tranh lá cọ đến tập kết từ những ngày trước. Đây đều là những vật liệu được các phụ huynh lấy ngay trong vườn nhà.
Mỗi người mỗi việc, người làm liếp giường, người thưng phên, lợp nhà. Các phụ huynh nam đảm nhiệm dựng khung, đóng sàn; còn các bà, các mẹ chẻ lạt, buộc hàng rào, đan tranh.
Khu ký túc xá trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lưu Kiền, huyện Tương Dương (Nghệ An) ở phía sau dãy phòng học đã xuống cấp - Ảnh: NGUYỄN NHUNG
Cô giáo Nguyễn Thị Nhung - quyền hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lưu Kiền chia sẻ: Từ tháng 7-2018, trường được chuyển đổi thành bán trú để thuận lợi cho con em vùng sâu vùng xa theo học. Tuy nhiên cơ sở vật chất nhà trường còn rất thiếu thốn, nhất là chỗ ở cho các em.
Khoảng 2 năm nay, cứ bắt đầu bước vào năm học mới, phụ huynh lại cùng nhau đóng góp tre, nứa, gỗ để làm nhà ký túc. Năm học trước, phụ huynh đã tự nguyện góp công và vật liệu làm được 11 phòng ký túc xá. Đến năm học này, toàn trường có 260 học sinh là con em của đồng bào các dân tộc Mông, Thái theo học, trong đó có tới 174 em nhà ở xa trường 6-15 km.
Phụ huynh mang tre ở vườn nhà, trong rừng đến dựng ký túc xá cho con - Ảnh: TUÂN ĐÌNH
"Chuẩn bị cho năm học mới, phụ huynh tiếp tục tu sửa lại và làm mới thêm 2 phòng nữa. Ngoài tu sửa và dựng mới, phụ huynh còn giúp nhà trường trồng hoa, tạo cảnh quan xanh sạch đẹp.
Việc kêu gọi xã hội hóa ở trường còn gặp nhiều khó khăn bởi phần lớn gia đình học sinh đều nghèo nên việc phụ huynh đóng góp ngày công làm ký túc xá cho các con là rất thiết thực", cô Nhung phấn khởi nói.
Các phụ huynh nam đảm nhiệm dựng khung, đóng sàn; còn các bà, các mẹ chẻ lạt, buộc hàng rào, đan tranh - Ảnh: NGUYỄN NHUNG
Vừa cẩn thận đan tấm liếp giường, chị Lương Thị Tâm (39 tuổi, ngụ bản Xoóng Con, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương) hồ hởi: "Nhà tôi cách đây khoảng 7km. Năm nay con tôi lên lớp 6, phải đi học xa nhà nên ở lại ký túc xá của trường.
Tôi và các bậc phụ huynh ở đây đều muốn sửa lại ký túc xá để các cháu có chỗ che mưa, che nắng, ổn định việc học hành".
Mỗi người mỗi việc, người làm liếp giường, người thưng phên, lợp nhà - Ảnh: NGUYỄN NHUNG
Năm học này toàn trường có 260 học sinh là con em của đồng bào các dân tộc Mông, Thái theo học - Ảnh: TUÂN ĐÌNH
Việc kêu gọi xã hội hóa ở trường còn gặp nhiều khó khăn bởi phần lớn gia đình học sinh đều nghèo - Ảnh: TUÂN ĐÌNH
Phụ huynh cẩn thận đóng liếp giường ngủ cho học sinh - Ảnh: NGUYỄN NHUNG
Chỗ nghỉ ngơi cúa các em sau giờ học đã được tu sửa lại - Ảnh: TUÂN ĐÌNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận