Ba người đàn ông giết heo dưới sàn nhà dơ bẩn - Ảnh: A Lộc |
Theo ghi nhận, trước giờ G không chỉ thương lái, người chăn nuôi mà ngay cán bộ thú y các địa phương cung cấp heo cho TP.HCM cũng chưa thực quan tâm đến truy xuất nguồn gốc, dù đề án này đã được TP triển khai, vận động thực hiện gần một năm qua.
Chưa tự giác, vẫn làm đối phó
Dù thông tin sẽ bị cấm cửa đã được công bố, ông Ngô Doanh, một lái heo tại xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất, Đồng Nai), thừa nhận heo do ông đưa về chợ đầu mối Hóc Môn vẫn chưa đầy đủ thông tin. “Từ khi lò mổ Xuyên Á (tp.hcm) đóng cửa, tôi dạt về các lò nhỏ, mỗi đêm chạy tới hai lò nên không có thời gian để nhờ cán bộ thú y kích hoạt vòng truy xuất. Thậm chí, phải mổ ở lò chưa đăng ký vào đề án nên không thể nhập thông tin của lò mổ vào vòng đeo như quy định” - ông Doanh nói.
Nhiều thương lái cũng cho biết chỉ đeo vòng truy xuất để đối phó chứ không có thông tin. Ngày 9-10, chúng tôi theo chân ông Tr.Q.T. (lái heo xã Gia Tân 3, H.Thống Nhất), chúng tôi thấy trong hơn một giờ bắt 25 con heo tại một trại ở xã Gia Kiệm, cả người mua và người bán đều không ai nhắc việc đeo vòng truy xuất. Lô heo trên chỉ được ông T. tự đeo khi đã gom về điểm tập kết chiều cùng ngày.
Soi thử để kiểm tra, chúng tôi phát hiện nhiều vòng truy xuất không có thông tin. Khi được hỏi thêm về cách phân biệt, ông T. thừa nhận heo được lấy tại nhiều trại rồi dồn lại đeo vòng cùng lúc nên khó biết được heo nào của trại nào. Theo quy định, người nuôi mua và đeo vòng, khi xuất bán phải kích hoạt vòng nhưng người chăn nuôi không làm nên mình phải làm thôi” - ông T. nói.
Tiếp tục theo ông T. về chợ đầu mối Hóc Môn vào rạng sáng ngày 10-10, chúng tôi ghi nhận lô heo của ông T. vẫn nhập chợ này bình thường. Thậm chí, nhiều xe heo về chợ này nhưng cán bộ Ban quản lý an toàn thực phẩm TP được giao làm nhiệm vụ cũng không soi vòng truy xuất màu trắng niêm phong thùng xe như quy định. Theo một cán bộ thuộc ban này tại đây, từ khi lò Xuyên Á đóng cửa, thương lái phải đưa heo về giết mổ ở lò các tỉnh nên rất khó quản lý, hầu hết vòng trắng về chợ đều không có thông tin, nên soi cũng chẳng được gì.
Không chấp hành sẽ chịu thiệt
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết do rất ít lò mổ nhập thông tin truy xuất nên tỉ lệ heo đầy đủ thông tin truy xuất về chợ đầu mối Hóc Môn (H.Hóc Môn) và Bình Điền (Q.8) hiện chỉ chiếm khoảng 20% trong số 8.000-8.500 con về chợ mỗi đêm. Thậm chí, tỉ lệ này tại chợ Bình Điền chưa tới 10% dù có tới 80-90% lượng heo về chợ được đeo vòng. Do đó, nếu áp dụng quy định này từ ngày 16-10, lượng heo có đủ tiêu chuẩn vào chợ đầu mối sẽ rất ít.
Theo đại diện Chi cục Thú y tỉnh Long An, trong 2.000-2.500 con heo được giết mổ từ Long An đưa về TP.HCM mỗi đêm, rất ít heo có đầy đủ vòng truy xuất bởi thương lái và chủ lò mổ không quan tâm. “Theo quy định về truy xuất nguồn gốc, lò mổ phải cung cấp thông tin heo được lấy của ai, xuất bán đi đâu... Thương lái cũng phải nạp thông tin đầy đủ vào vòng màu trắng, cán bộ thú y kích hoạt vòng này khi lô heo ra khỏi lò mổ. Tuy nhiên, hiện ít thương lái và chủ lò mổ chủ động làm điều này” - vị này cho biết.
Cũng theo vị này, dù heo không đầy đủ thông tin truy xuất, thậm chí không đeo vòng truy xuất nhưng vẫn phải cho heo về TP.HCM bởi theo Luật thú y, nếu biểu hiện lâm sàng của heo không có vấn đề và có giấy kiểm dịch đều phải cho xuất đi. Dù khẳng định giấy kiểm dịch đã đảm bảo truy xuất nguồn gốc, nhưng cơ quan thú y một số địa phương cho biết sẽ khuyến cáo thương lái chấp hành đề án truy xuất của TP.HCM nếu muốn đưa heo vào thị trường này.
Khó cũng phải làm
Nhiều địa phương cho biết phần lớn lượng heo cung cấp cho thị trường TP.HCM được lấy từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không có đầy đủ thông tin, do đó khó đáp ứng yêu cầu truy xuất để được vào chợ đầu mối. Theo ông Nguyễn Kim Đoán - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nếu TP.HCM cương quyết áp dụng quy định này, thương lái chọn mua heo của công ty nhờ đáp ứng điều kiện truy xuất, đẩy chăn nuôi nhỏ lẻ vào cảnh khó khăn.
“Tôi cho rằng chưa nên áp dụng tại thời điểm này bởi người nuôi chưa sẵn sàng, chưa kể thương lái cũng đang gặp khó do bị ảnh hưởng từ việc đóng cửa lò mổ Xuyên Á” - ông Đoán kiến nghị. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Hòa - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, phó ban đề án truy xuất - cho rằng đề án này đã triển khai hơn tám tháng nay, chưa kể sau vụ tiêm thuốc an thần vào heo ở lò mổ Xuyên Á vừa qua, cần mạnh tay để lấy lại niềm tin người tiêu dùng.
“Nguồn cung đang dồi dào cũng là thời cơ tốt để sàng lọc, ai không đáp ứng thì loại thẳng tay ra khỏi chuỗi cung cấp, TP cương quyết áp dụng quy định này” - ông Hòa khẳng định. Tại cuộc họp bàn về triển khai đề án truy xuất vào ngày 13-10, ông Hòa cũng khẳng định thương lái có quyền bán heo nơi khác nếu không được vào chợ đầu mối. Trước lo lắng heo không đủ thông tin truy xuất tuồn về chợ lẻ, ông Hòa khẳng định không dễ. “UBND TP đã có văn bản chỉ đạo 240 chợ lẻ trên địa bàn không cho phát sinh thêm điểm kinh doanh mới” - ông Hòa nói.
Cũng theo ông Hòa, TP đã làm việc với các công ty chăn nuôi lớn, có nguồn hàng bình ổn và sẵn sàng chở heo trực tiếp đến TP giết mổ và nâng nguồn cung lên gấp nhiều lần so với mức chiếm khoảng 20% thị phần thịt heo tại TP hiện nay. Do đó, không lo thiếu thịt có nguồn gốc cho người tiêu dùng TP.HCM. “Ngoài ra, đề án cũng đã kết nối cho thương nhân tại chợ lẻ với các nguồn cung khác, để phòng trong trường hợp heo chợ đầu mối không về vẫn có nguồn thay thế” - ông Hòa cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận