16/07/2024 11:48 GMT+7

Cấm con sử dụng Internet chưa hẳn đã hay

Nhiều phụ huynh lo lắng và cấm đoán trẻ sử dụng Internet. Điều này được cho là hạn chế sự phát triển của trẻ.

Sự phổ biến của Internet và các thiết bị kỹ thuật số đang thay đổi cuộc sống người trẻ và khiến thời gian trực tuyến của họ tăng lên - Ảnh: Pexels

Sự phổ biến của Internet và các thiết bị kỹ thuật số đang thay đổi cuộc sống người trẻ và khiến thời gian trực tuyến của họ tăng lên - Ảnh: Pexels

Tiến sĩ Gordon Ingram, giảng viên cấp cao ngành tâm lý học tại Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng quan ngại về thời gian sử dụng thiết bị điện tử đã có từ thời tivi mới được phát minh. Thanh thiếu niên đang dành nhiều thời gian hơn trên Internet để trải nghiệm nội dung số.

3 rủi ro khi trẻ dùng Internet

Ông Gordon Ingram xem xét những rủi ro và cơ hội liên quan tới xu hướng trên từ ba góc độ.

Góc độ đầu tiên là những bản sắc cá nhân mới mà thanh thiếu niên hình thành trên mạng. Con cái của chúng ta đang lớn lên trong một thế giới khác với thế giới mà chúng ta từng lớn lên. Rủi ro ở đây là xung đột có thể nảy sinh giữa trẻ với cha mẹ nếu cha mẹ chưa biết cách quản lý phù hợp.

Tuy nhiên, những bản dạng mới này cũng mang lại không gian sáng tạo và đổi mới. Người trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ để kết nối với người khác, và điều đó cũng có nghĩa là họ có thể thỏa sức sáng tạo và cùng nhau tạo ra những sản phẩm văn hóa mới.

Thứ hai, có những rủi ro và lợi ích liên quan đến một số loại nội dung trực tuyến nhất định. Nhiều nỗi lo xung quanh thời gian sử dụng thiết bị công nghệ đang tập trung vào quan niệm rằng nếu trẻ dành quá nhiều thời gian trên mạng thì có thể "nghiện màn hình".

Những lo ngại này không chỉ xoay quanh việc trẻ dành bao nhiêu thời gian trên mạng mà còn liên quan tới những nguy cơ độc hại mà trẻ có thể tiếp xúc như nội dung khiêu dâm hoặc trò chơi điện tử bạo lực.

Tuy nhiên, thanh thiếu niên ngày nay cũng có thể truy cập vào vô số nội dung tích cực, mang tính giáo dục trên không gian mạng (bao gồm các chủ đề về sức khỏe tinh thần và phát triển nhân cách) mà trước kia chúng ta không được tiếp cận.

Tiến sĩ Gordon Ingram
Tôi nghĩ thay vì lo lắng về việc thời gian sử dụng thiết bị sẽ gây tác động tiêu cực ra sao, hãy tập trung đảm bảo rằng con cái chúng ta sẽ có thật nhiều trải nghiệm tích cực trong quá trình trưởng thành.

Yếu tố thứ ba là những mối quan hệ được hình thành trên mạng. Mọi người có xu hướng nghĩ nhiều về các tương tác tiêu cực trên mạng, chẳng hạn như bắt nạt hoặc những hành vi rình rập/theo dõi người khác qua mạng. Nhưng đừng quên Internet có sức mạnh gắn kết những người từ nhiều hoàn cảnh khác nhau và giúp họ hiểu nhau hơn.

Thời gian sử dụng thiết bị công nghệ cũng có thể trở thành thời gian để người thân, bạn bè đang sống xa nhau có thể gặp gỡ kết nối với nhau. Chúng ta cần nhớ rằng việc sử dụng các thiết bị công nghệ và Internet có rất nhiều điểm tích cực.

Cấm đoán hay thảo luận với con?

Tiến sĩ Gordon Ingram là một nhà tâm lý học phát triển và nhà nhân chủng học với gần 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu và hơn 12 năm kinh nghiệm giảng dạy - Ảnh: RMIT

Tiến sĩ Gordon Ingram là một nhà tâm lý học phát triển và nhà nhân chủng học với gần 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu và hơn 12 năm kinh nghiệm giảng dạy - Ảnh: RMIT

Hiện có rất nhiều lời chỉ trích rằng thời gian sử dụng thiết bị công nghệ quá mức liên quan mật thiết tới các vấn đề về sức khỏe tinh thần.

Theo ông Gordon Ingram, lứa tuổi vị thành niên vốn luôn gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần, nên hiện tượng này cũng không có gì mới.

"Đối với các bậc phụ huynh, tôi khuyến khích họ bớt suy nghĩ về thời gian trực tuyến và nghĩ nhiều hơn về cuộc sống ngoại tuyến. Con bạn có làm bài tập về nhà đầy đủ, ngủ đủ giấc, gặp bạn bè ngoài đời thực, tập thể dục - thể thao, đi dã ngoại thiên nhiên hay tham gia các hoạt động văn hóa hay không? Nếu có thì tôi không nghĩ chúng ta phải quá lo lắng về lượng thời gian lên mạng của trẻ" - ông Gordon Ingram đưa quan điểm.

Cũng theo ông, theo truyền thống, người Việt thường áp dụng phong cách nuôi dạy độc đoán (authoritarian parenting). Cách này tập trung vào việc dạy trẻ các quy tắc, chuẩn mực và đảm bảo trẻ hành xử một cách có kỷ luật. 

Mặc dù có bằng chứng cho thấy cách này có thể tác động tích cực trong một số bối cảnh văn hóa nhất định, nhưng đây có thể không phải là cách tốt nhất khi trẻ đã tiếp xúc trực tuyến với văn hóa hiện đại hoặc văn hóa phương Tây.

Trong văn hóa phương Tây, hình thức nuôi dạy con cái lý tưởng thường là phong cách nuôi dạy có thẩm quyền (authoritative parenting). Cách này vẫn nhấn mạnh vào các quy tắc và ranh giới, nhưng cũng ghi nhận tầm quan trọng của cảm xúc và tình cảm.

Theo đó, các quy tắc mà trẻ phải tuân thủ sẽ cần được thảo luận hoặc thương lượng trước trong trường hợp có thay đổi. Phụ huynh sẽ thương lượng với trẻ (ít nhất là về các chi tiết), cho phép có sự linh hoạt và ngoại lệ. 

Ví dụ, nếu trẻ thường được phép chơi điện tử 30 phút mỗi tối trong tuần đi học thì trẻ có thể được phép chơi nhiều hơn nếu hoàn thành bài tập về nhà và công việc nhà sớm.

Lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ là hãy nói chuyện với con bạn về các hoạt động trực tuyến của con, cùng nhau xác định đâu là điểm tốt và xấu, đồng thời thương lượng một bộ quy tắc và các ngoại lệ để quản lý hành vi của con trên mạng. Tất nhiên, phụ huynh là người dẫn dắt quá trình đó với tư cách cha mẹ, nhưng con bạn cũng nên cảm thấy mình có cơ hội đóng góp ý kiến.

"Bạn nên nhấn mạnh rằng có cả hoạt động tích cực lẫn hoạt động lãng phí thời gian trên không gian mạng. Hãy cho con thời gian để thư giãn như chơi game hoặc lướt mạng xã hội, nhưng nên coi đó như một phần thưởng sau khi con đã hoàn thành một hoạt động tích cực trên mạng, chẳng hạn như học ngoại ngữ, nghiên cứu kiến thức cho bài tập ở trường hoặc nói chuyện với ông bà" - ông Gordon Ingram nói.

Việt Nam cũng như các nước khác

Theo khảo sát của UNICEF năm 2022 cho thấy 82% trẻ em 12-13 tuổi và 93% trẻ em 14-15 tuổi ở Việt Nam sử dụng Internet hằng ngày. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội từ 5-7 giờ mỗi ngày.

Ông Gordon Ingram cho biết những con số trên quả thực cao nhưng không khác biệt nhiều so với các quốc gia khác. "Tôi đến từ Vương quốc Anh và từng sống ở Colombia gần 9 năm trước khi đến Việt Nam, và những gì đang diễn ra ở các nơi tôi từng đi qua cũng rất giống với nơi đây" - ông cho hay.

Trẻ em lên mạng, vừa mừng vừa loTrẻ em lên mạng, vừa mừng vừa lo

Việc cha mẹ để con cái tự do tiếp xúc với internet mà thiếu sự kiểm soát sẽ khiến trẻ dễ dàng tiếp xúc với những tiêu cực: mã độc, lừa đảo, khiêu dâm, nghiện game, video…

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp