18/06/2022 09:01 GMT+7

Cám cảnh những ngày dài người bệnh phải chờ thuốc, chờ máy

H.LỘC - L.ANH - TH.HIẾN - D.LIỄU
H.LỘC - L.ANH - TH.HIẾN - D.LIỄU

TTO - Để trả lời câu hỏi thời sự hiện có thiếu thuốc hay không, cứ nhìn vào thực tế đang diễn ra ở các bệnh viện. Những ngày qua, phóng viên Tuổi Trẻ đã theo chân người bệnh đi lùng mua thuốc tại các bệnh viện.

Cám cảnh những ngày dài người bệnh phải chờ thuốc, chờ máy - Ảnh 1.

Vợ chồng chị Đặng Ngọc Thương mua thuốc tại tiệm thuốc bên ngoài do bệnh viện báo hết loại thuốc kê theo toa - Ảnh: D.PHAN

Quả thật, giữa thời buổi khan hiếm việc mua thuốc cũng lắm đoạn trường.

Đến bệnh viện, có toa nhưng không có thuốc

Từng suy thận và được mổ ghép thận cách đây không lâu, đều đặn mỗi tháng anh N.V.K. (33 tuổi) lại đón xe từ Long An đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để tái khám. Ngày 15-6, sau khi được bác sĩ kiểm tra tình trạng đáp ứng sau ghép thận, các bệnh lý về cao huyết áp và viêm gan B, anh được kê đơn thuốc rồi hướng dẫn đến lấy thuốc tại quầy BHYT.

Toa thuốc của anh K. gồm: 4 loại, trong đó có 1 loại ngoài danh mục, 3 loại còn lại trong danh mục chi trả BHYT. Điều khá bất ngờ là bệnh viện chỉ cung ứng đủ 3 loại thuốc, còn CellCept v-500mg (thuốc ức chế miễn dịch, chống thải ghép cho bệnh nhân sau ghép thận) bệnh nhân phải "tự túc". Trong lời dặn cuối đơn thuốc của bác sĩ có ghi chú rõ: "Bệnh nhân tự túc do dược hết CellCept v-500mg".

Như vậy, thay vì nhận thuốc tại bệnh viện, anh K. lọ mọ ra tiệm thuốc trước cổng bệnh viện để mua 56 viên CellCept v-500mg. Cầm trên tay đơn thuốc, anh K. không giấu nổi vẻ mệt mỏi:"Thuốc này đắt lắm. Một viên CellCept v-250mg giá 27.000 đồng, viên 500mg là 54.000 đồng, tổng cộng 56 viên là hơn 3 triệu đồng, tiền đâu chịu cho nổi. Tôi không ngờ có BHYT cũng như không".

Theo anh K., tình trạng đơn thuốc thiếu một số loại thuốc khá phổ biến thời gian gần đây. Tháng trước anh đi tái khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng phải bỏ 4 - 5 triệu đồng cho đơn thuốc mua ngoài để điều trị bệnh thận.

Ngoài trường hợp thiếu thuốc chống thải ghép như anh K., những bệnh nhân mắc bệnh tim cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc. Sáng 15-6, vợ chồng anh H.H. (42 tuổi, ngụ Bình Dương) đến Bệnh viện Chợ Rẫy thăm khám phẫu thuật thay van tim 2 lá cơ học, đặt vòng van 3 lá.

Trong đơn thuốc bác sĩ kê cho vợ chồng anh ghi rõ 4 loại thuốc kèm ghi chú phía dưới: "Dược BHYT hết thuốc, bệnh nhân đồng ý mua thuốc ngoài danh mục BHYT". Anh H. phải ra nhà thuốc ngoài bệnh viện để mua thuốc Bisoprolol (Concor v2.5mg), được sử dụng phổ biến cho bệnh nhân tim.

Những ngày gần đây, các nhà thuốc xung quanh Bệnh viện TP Thủ Đức cũng nhộn nhịp bệnh nhân đến mua thuốc theo toa của bệnh viện. Bà Đ.T.N. (61 tuổi) cầm toa thuốc mua có ghi mã BHYT với chẩn đoán mắc u ác đại tràng buồn bã nói: "Tháng trước tôi khám đâu có thuốc, phải bỏ tiền túi ra mua thuốc 4 - 5 triệu đồng". Cám cảnh hơn, bà còn được bác sĩ chỉ định ra ngoài mua cả bơm tiêm tự động với giá 590.000 đồng/cái.

Bác sĩ có dặn thuốc BHYT hết rồi nên người bệnh phải ra ngoài mua. Dù cả bác sĩ và bệnh nhân đều không mong muốn nhưng hy vọng tình trạng này sớm được khắc phục để giảm bớt gánh nặng cho người bệnh.

Anh H. (một bệnh nhân) chia sẻ.

Chẩn đoán, chữa trị bằng máy: chỉ biết chờ đến lượt

Đã 20h ngày 13-6, hết giờ làm việc đã lâu nhưng hành lang khu vực chụp X-quang, phòng chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ, điện quang can thiệp của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vẫn còn hàng dài bệnh nhân và người nhà phải chờ đợi. Tại đây, các y bác sĩ làm việc ngoài giờ hành chính cho đến khi hết bệnh nhân.

Cầm xấp giấy trên tay, kỹ thuật viên phòng chụp cộng hưởng từ mở cửa gọi bệnh nhân, tất cả hành lang nhốn nháo trông ngóng. "Số 51, 52, 53 có ở đây không ạ", kỹ thuật viên gọi. "Số 71 bao giờ đến lượt chú ơi", một bệnh nhân nóng ruột hỏi. "Phải tầm hơn 2 tiếng nữa cô nhé", nhân viên này trả lời.

Bà N.T.T. (56 tuổi, trú tại Hà Nam) thở dài: "Hai vợ chồng tôi xuất phát từ 5h sáng để đi khám tổng quát. Vừa rồi cả hai vợ chồng mắc COVID-19, sau đó thấy người mệt mỏi nên đưa nhau lên đây khám và được bác sĩ chỉ định chụp cộng hưởng từ. Chồng tôi số 71, phải đợi thêm chắc đến 22h mới tới lượt.

Hai vợ chồng định chụp xong thì về nhà rồi sáng mai quay lại lấy kết quả". Bà T. thủ thỉ: "Chờ đợi cả ngày mệt mỏi lắm nhưng biết làm sao, bệnh nhân thì đông, máy móc chỉ có từng vậy. Bác sĩ họ cũng làm việc đến giờ này còn chưa nghỉ, nếu đúng giờ mà họ nghỉ thì nhà tôi lại phải ở đến hôm sau mới tới lượt".

Ngồi trước cửa phòng điện quang can thiệp, anh T.V.N. (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) thi thoảng lại hướng mắt về cửa phòng. Anh N. chia sẻ con gái 11 tuổi bị tắc tĩnh mạch đùi bên phải và đã điều trị tại bệnh viện gần 2 tháng nay.

"Tôi cho con nhập viện từ ngày 30-4, bệnh này không có thuốc điều trị mà chỉ điện quang can thiệp. Hai bố con "ăn trực nằm chờ" 9 ngày mới có lịch điều trị máy. Sau đó bác sĩ cho về hẹn 1 tháng sau lên điều trị tiếp. Nhưng đến hẹn 1 tháng vẫn không sắp xếp được máy, hẹn sang tuần, rồi thêm 1 tuần, chân con đi lại khó khăn cũng xót ruột.

Bác sĩ nói do bệnh nhân đông, không có máy nên phải chờ thêm. Hôm nay mới sắp xếp được máy nên hai bố con lên bệnh viện, nhập viện từ sáng rồi chờ đến giờ này (21h - PV). Chỉ cần điều trị điện quang là cháu đi lại được bình thường, nên chỉ ngóng đến lịch để lên Bệnh viện Bạch Mai", anh N. chia sẻ.

Anh N. cho biết thuốc để dùng cho can thiệp máy ở bệnh viện không có nên phải mua bên ngoài. "Lần đầu bác sĩ nói mua thuốc, tôi không biết mua ở đâu. Tìm ở các hiệu thuốc bên ngoài mãi mới được với giá 800.000 đồng/hộp. Lần này tôi có kinh nghiệm rồi, biết lịch điều trị trước nên đặt trên mạng người ta mang đến tận nơi với giá 500.000 đồng/hộp", anh N. nói.

Gần 22h, cửa phòng can thiệp điện quang mở cửa, cô bé thất thểu bước ra, gương mặt tỏ rõ sự mệt mỏi, buồn ngủ. Anh N. vội chạy đến đỡ con gái. "Giờ về phòng bệnh ngủ một giấc rồi sáng mai hai bố con lại về đợi đến lịch điều trị tiếp", anh N. nói.

22h, hành lang vẫn còn gần 10 bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ngồi chờ đợi. Những tiếng ngáp dài, có người ngả vào thành ghế chợp mắt vội. Thi thoảng cửa phòng mở, hành lang lại xôn xao rồi yên ắng trở lại.

Cám cảnh những ngày dài người bệnh phải chờ thuốc, chờ máy - Ảnh 3.

Bệnh nhân mua thuốc tại nhà thuốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Bộ Y tế nói gì?

Ngày 17-6, Bộ Y tế đã có văn bản thông tin về thực trạng công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế hiện nay và đưa ra một số nguyên nhân dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế. Nguyên nhân chính là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra; do vậy một số địa phương, đơn vị không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm.

Bên cạnh đó, mua sắm trong lĩnh vực y tế có lúc, có nơi xuất phát từ nhu cầu bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật, đặc biệt là trong các năm 2020 - 2021 khi xảy ra dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động, vì vậy việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm cho phòng chống dịch bệnh và khám bệnh, chữa bệnh càng trở nên khó khăn hơn.

Cùng với đó, việc thực hiện nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21-6-2021 của Chính phủ quy định về thẩm quyền quyết định mua sắm từ các nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ về tài chính, chưa thống nhất dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm bị chững lại, chưa tổ chức thực hiện việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hóa, dịch vụ.

Cuối cùng, do tình trạng hết hạn số đăng ký của một số loại thuốc dẫn tới chậm thầu so với dự kiến đề ra; việc đàm phán giá một số loại thuốc mua sắm tập trung quốc gia, chậm có kết quả đấu thầu tập trung. Việc này khiến các cơ sở phải thực hiện tự mua sắm, tuy nhiên do không chủ động được thời gian và số lượng mua sắm nên dẫn đến chậm trễ.

Bộ Y tế cam kết chủ động đôn đốc các đơn vị tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan. Bộ Y tế khẳng định lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp công lập phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất và vật tư y tế phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.

WHO đánh giá thế nào?

Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), công nghiệp dược Việt Nam mới chỉ tiệm cận cấp độ 3, tức có công nghiệp dược nội địa, có sản xuất thuốc generic (thuốc gốc) và xuất khẩu được một số dược phẩm.

Còn theo phân loại (5 mức) phát triển của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), công nghiệp dược Việt cũng mới chỉ ở mức 3, nghĩa là "công nghiệp dược nội địa sản xuất đa số thành phẩm từ nguyên liệu nhập".

Thiếu nhiều thứ, bệnh viện xót cho bệnh nhân

BvBachMai (2) 2(Read-Only)

21h ngày 13-6, hàng dài bệnh nhân ngồi chờ chụp chiếu, điều trị máy tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - Ảnh: D.LIỄU

Tình trạng thiếu thuốc, khát thuốc cũng xảy ra tại Hà Nội. Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc một bệnh viện tuyến trung ương ở Hà Nội cho biết bệnh nhân điều trị tiểu đường tại bệnh viện này hiện đang thiếu thuốc, có toa 3 loại thì bệnh viện thiếu 2, bệnh nhân phải ra ngoài để mua.

"Giá thuốc phải mua khoảng 450.000 đồng/bệnh nhân/tháng, với mỗi bệnh nhân họ có thể lo được theo tháng nhưng hàng ngàn bệnh nhân tiểu đường nên chi phí mua thuốc rất lớn. Tiểu đường là bệnh mãn tính, nếu tháng nào cũng phải mua sẽ rất khó cho bệnh nhân. Không phải lúc nào bệnh viện cũng đủ thuốc nhưng nơi nào cũng thiếu thuốc là vấn đề lớn cần giải quyết.

"Chúng tôi đã họp ban giám đốc vì mở thầu có mặt hàng chỉ có một nhà cung cấp tham gia, có mặt hàng không ai cung cấp, có công ty nói vì dịch họ không có hàng... Cái đấy ai chịu trách nhiệm cho người bệnh?

Bệnh viện chỉ cố giải thích "các bác cùng chia sẻ, bỏ tiền túi một thời gian" nhưng lâu dài thì thế nào? Chúng tôi định đề xuất hay bệnh nhân mua rồi mang về bệnh viện thanh toán, bảo hiểm thanh toán cho bệnh viện sau nhưng nếu làm thế thì sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề về nhân lực", vị giám đốc này lo lắng nói.

Thuốc thiếu đến thế nhưng vẫn chưa là khó nhất, vật tư y tế còn khó hơn. Có bệnh viện ở Hà Nội hiện đang thiếu... gel sử dụng khi siêu âm, lý do mặt hàng này chưa công khai giá trên Cổng công khai giá của Bộ Y tế, chưa đủ điều kiện để đấu thầu. Có bệnh viện thiếu từ bơm kim tiêm, dây truyền dịch...

Một bệnh viện khác đang thiếu phôi phim sử dụng cho máy chụp cộng hưởng từ, chụp CT. Trong bệnh viện thì các bác sĩ chuyển hình ảnh chụp qua phần mềm cho các khoa cùng xem, thăm khám, với bệnh nhân họ đành sao ra các thiết bị lưu giữ cho bệnh nhân cầm về thay vì trả phim chụp cho bệnh nhân.

"Rất khó để dự báo số vật tư sử dụng vì thời điểm dịch bệnh nhân rất ít, dịch vãn bệnh nhân vào đông nên hàng đã đấu thầu sử dụng hết sớm. Bình thường bệnh viện sẽ gọi nhà cung cấp bổ sung vì nếu đợi đấu thầu thì phải hàng tháng, nhưng giờ bệnh viện không dám làm thế nữa vì cách đó lại không đúng quy định, từ đó dẫn đến thiếu thuốc, thiếu vật tư. Rất tội cho bệnh nhân nào phải vào bệnh viện lúc này", một giám đốc bệnh viện khác phân trần.

"Không biết giải thích gì với người bệnh"

Đây là chia sẻ của nhiều bác sĩ cùng chúng tôi trong quá trình tìm hiểu thực trạng thiếu thuốc. Có bệnh viện từ dung dịch lọc thận cũng hết, bệnh nhân không có để sử dụng. Có bệnh viện chữa cháy bằng cách kê đơn thuốc cho người bệnh ra ngoài nhà thuốc tư mua.

"Đáng lẽ các tuyến y tế phải có thuốc dự phòng, đằng này tuyến nào cũng hết khiến bệnh nhân cứ dồn tuyến và thiếu ngày càng thiếu. Trong bệnh viện, các khoa phòng tìm cách chia sẻ thuốc cho nhau nhưng tình hình không cải thiện được là bao", một bác sĩ chia sẻ.

Một bác sĩ làm việc tại một bệnh viện hạng 1 ở TP.HCM kể có người thân đi nội soi nhưng đồng nghiệp khuyên đưa ra ngoài thực hiện mất 3 - 4 triệu đồng, bởi cả cái găng tay hiện cũng không còn. Trong khi chờ mua theo đúng quy chế đấu thầu, một số bác sĩ "chữa cháy" bằng cách vận dụng các "mối quan hệ cá nhân" xin sử dụng.

Sở Y tế nói không thiếu thuốc, bạn đọc nói gì?

287540139_437840984465394_3379743518613988730_n

Toa thuốc cho bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy ghi chú rõ bệnh nhân có BHYT phải ra ngoài mua thuốc vì bệnh viện hết thuốc - Ảnh: THU HIẾN

Chiều 16-6, tại buổi họp báo thông tin về công tác phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn, bà Lê Thiện Quỳnh Như - phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - cho biết sau khi rà soát, Sở Y tế TP ghi nhận không có tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở cũng như các trung tâm y tế.

Thông tin này được truyền tải trên báo Tuổi Trẻ và nhận được thông tin thiếu thuốc nhiều nơi từ bạn đọc. Bạn đọc (qua tuoitre.vn) đã đề nghị sở phải kiểm tra thực tế ở các bệnh viện cùng một số thông tin "chỉ điểm" cụ thể như sau:

* Bệnh viện quận 1 cơ sở 2 không có thuốc hạ men gan cho bệnh nhân (tên thuốc VG5), hết cả 3 tháng nay.

* Trung tâm Y tế quận 3 không có thuốc mỡ máu, mua ngoài mất 90.000 đồng.

* Người nhà tôi khám ở Bệnh viện Thủ Đức và liên tục phải mua thuốc ngoài.

* Tôi mới đi khám ngày 16-6 tại Bệnh viện 115, thuốc tiểu đường có 1 loại không có phải ra ngoài mua.

* Ngồi chờ ở Bệnh viện 30-4 tôi liên tục nghe bác sĩ phân bua hết thuốc. Có người cả toa thuốc không có loại nào. Bản thân tôi 2 lần khám tháng trước và tháng này đều không có thuốc.

* Má tôi đi khám BHYT ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh (quận 2) lần nào cũng phải mua thuốc ngoài vì bệnh viện không có thuốc này, thuốc kia...

* Tôi vừa đi khám tại Trung tâm Y tế quận 3 hôm qua vẫn không có thuốc hạ mỡ máu và bác sĩ nói ra ngoài mua.

* Tôi đi khám ở Bệnh viện Triều An 6 lần có lần nào đủ thuốc đâu, toàn mua ngoài.

* Vậy là chỉ có mình sở nói đúng, còn bác sĩ trực tiếp khám và bệnh nhân đều nói sai?! Cách đây mấy hôm tôi đi khám bên đông y của Bệnh viện quận Tân Phú chỉ nhận được 1 loại thuốc vì bác sĩ nói không còn thuốc nào khác theo toa đó...

THU HIẾN

TP.HCM thành lập trung tâm mua sắm tập trung trong tháng 7-2022

Ngày 17-6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức có kết luận về việc đề án trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế sẽ được UBND TP.HCM xem xét phê duyệt trong tháng 7-2022, sau khi được Sở Nội vụ thẩm định.

Trước đó, Sở Y tế đã trình bày đề án và các ý kiến đóng góp của các sở, ngành có liên quan.

Sở Y tế cho biết việc thành lập trung tâm mua sắm tập trung là rất cần thiết, giúp giải quyết những mặt hạn chế của việc mua sắm thuốc tập trung trên địa bàn TP trong những năm qua như nhân sự không ổn định, tùy thuộc vào việc điều động của các bệnh viện, không có chức năng điều phối thuốc sau đấu thầu, chỉ thực hiện chức năng mua sắm thuốc, chưa thực hiện mua sắm vật tư - trang thiết bị y tế...

Bên cạnh đó, trung tâm này khắc phục những điểm yếu của việc đấu thầu riêng lẻ như khó đạt được giá tối ưu, giá trúng thầu thường không thống nhất, một số thuốc không lựa chọn được nhà thầu do số lượng mua sắm ít, chiếm nhiều thời gian và nguồn lực dành cho công tác đấu thầu thay vì để thực hiện nhiều công tác dược lâm sàng rất cần thiết cho các bệnh viện, chưa thực hiện được đấu thầu tập trung vật tư y tế - trang thiết bị...

THU HIẾN

Bộ Y tế nói gì về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế? Bộ Y tế nói gì về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế?

TTO - Bộ Y tế cho biết nguyên nhân chính dẫn đến việc thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra; vì vậy một số địa phương, đơn vị không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm.

H.LỘC - L.ANH - TH.HIẾN - D.LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp