Cảnh khô hạn tại một vườn nho ở thung lũng Napa thuộc vùng sản xuất rượu vang của California - Ảnh: Getty Images |
Bang California nằm bên Bờ Tây, rộng khoảng 424.758km2, là bang có dân số đông nhất nước Mỹ: 38,8 triệu người, nổi tiếng với những biểu tượng như Hollywood, thung lũng Silicon, ngành công nghiệp hàng không Mỹ...
Tuy nhiên California đã phải oằn mình trong cơn khô hạn kéo dài suốt bốn năm qua. Tuần trước, lần đầu tiên trong lịch sử chính quyền California ban bố chính sách tiết kiệm nước.
Giới khoa học khẳng định việc thống đốc Jerry Brown ra quyết định cắt giảm 25% lượng nước tiêu thụ trên toàn bang đã dẫn tới những câu hỏi khó về tương lai của California.
Một số chuyên gia nhận định đây là dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế vũ bão của California giờ vấp phải một chướng ngại vật không thể vượt qua. Đó là giới hạn của môi trường tự nhiên.
Đại hạn California là màn khởi đầu của những đợt hạn hán khổng lồ toàn cầu trong tương lai |
Nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Geophysical Research Letter dự báo |
Ảnh hưởng nghiêm trọng
Báo USA Today dẫn lời ông Dave Puglia, phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà trồng trọt miền tây ở Irvine, nhận định: “California đang đối mặt với một tương lai đen tối”.
Ảnh hưởng đến cả nước Mỹ Nền kinh tế California trị giá 2,2 nghìn tỉ USD, lớn thứ bảy trên thế giới. California là nguồn cung cấp 1/3 sản lượng rau và 2/3 sản lượng trái cây cho cả nước Mỹ. Do đó cuộc khủng hoảng nước tại California đang ảnh hưởng tới cả nền kinh tế Mỹ. CNN thống kê do hạn hán ở California, giá nhiều loại rau, trái cây và các thực phẩm khác đã tăng đáng kể tại Mỹ. |
Câu hỏi đặt ra là liệu Los Angeles có còn giữ vai trò kinh đô giải trí của nước Mỹ, thung lũng Silicon vẫn là trung tâm công nghệ cao... khi người dân chỉ được tắm trong chưa đầy năm phút và giá nước tăng lên mức cắt cổ? Liệu du khách trong và ngoài nước có còn đổ xô đến Los Angeles và San Francisco?
Ngành nông nghiệp là nạn nhân đầu tiên của hạn hán. Nông dân California đang bỏ các loại rau để trồng những cây cần ít nước hơn. Diện tích trồng bông từ hơn 6.000km2 đã giảm xuống gần bằng không.
Giáo sư nông nghiệp Dan Summer của ĐH California ước tính số lượng bò sữa tại bang sẽ giảm mạnh xuống chỉ còn 100.000 con. Ngành nông nghiệp California cũng đang phải cắt giảm diện tích trồng lúa.
Theo NBC News, nhiều nông dân California cho biết giờ họ bán nước sạch còn có thể kiếm được nhiều tiền hơn so với trồng trọt.
Báo New York Times dẫn lời thị trưởng Robert Silva của thành phố Mendota ở vùng Central Valley khẳng định tỉ lệ thất nghiệp ở lực lượng nhân viên trang trại đang tăng vọt vì nhiều nông dân bỏ cày cấy. Ước tính 17.000 người đã mất việc làm ở Central Valley.
ĐH Calfornia-Davis ước tính một diện tích trồng trọt rộng hơn 4.000km2 giờ đang bị bỏ hoang. Các nghĩa trang và sân golf tại California đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì màu xanh.
Giáo sư Richard White thuộc ĐH Stanford dự báo tình trạng thiếu nước sẽ khiến hoạt động xây dựng nhà cửa suy giảm đáng kể, dù nhu cầu phát triển các khu dân cư đang tăng cao ở hai thành phố lớn là Los Angeles và San Francisco. “Rất khó để xây các khu dân cư mới nếu không có nguồn nước ổn định” - giáo sư White nhấn mạnh.
Một số doanh nhân tiết lộ họ đã tính đến việc rời California do nhà chức trách phản ứng chậm trễ với tình trạng hạn hán.
Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, ông Alex Trần, người gốc Việt, chủ một siêu thị nhỏ ở thành phố San Diego, cho biết trên thực tế nhiều doanh nghiệp và người dân California đã thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước từ lâu, ví dụ như giảm tưới nước sân cỏ, lắp các thiết bị sử dụng nước tiết kiệm trong nhà...
Ông Trần kể một số bạn bè của ông làm việc trong ngành nông nghiệp nhiều lần than thở về tình trạng khó khăn do thiếu nước.
Trong khi đó, chính quyền chưa đưa ra các quy định rõ ràng về việc tiết kiệm nước như thế nào. “Chúng tôi chưa rõ việc vi phạm sẽ dẫn đến các hình phạt như thế nào. Sẽ không dễ để bỏ thói quen sử dụng nước. Tôi nghĩ điều quan trọng là vẫn phải giữ màu xanh cho thành phố” - ông Trần nói.
Giới hạn của môi trường
Báo New York Times dẫn lời tiến sĩ Kevin Starr thuộc ĐH Nam California khẳng định tốc độ phát triển kinh tế vũ bão của California đang vấp phải ngưỡng chịu đựng của môi trường tự nhiên.
“Mẹ thiên nhiên không hề có ý định để gần 40 triệu người sinh sống tại đây” - tiến sĩ Starr khẳng định. Với 38,8 triệu người, dân số California tăng hơn gấp đôi so với năm 1960.
Thống đốc Jerry Brown cũng cho rằng California chưa bao giờ phải “chịu đựng” gần 40 triệu người cùng 32 triệu xe hơi, sống với độ tiện nghi cao.
“Điều đó đòi hỏi sự thích ứng” - ông Brown nhấn mạnh. Điển hình của việc sử dụng nguồn lực tự nhiên quá mức là thành phố Palm Springs giữa sa mạc, nơi tỉ lệ sử dụng nước hằng ngày trên đầu người lên tới 760 lít, cao gấp đôi mức trung bình toàn bang California.
Giữa sa mạc nhưng Palm Springs mướt một màu xanh và giờ các cơ quan nhà nước tại đây phải cắt giảm sử dụng nước 50%.
Trong khi đó nền kinh tế California dựa quá nhiều vào năng lượng hóa thạch.
Theo báo Washington Post, các nhà khoa học Mỹ khẳng định hạn hán tại California cũng xuất phát từ hiện tượng biến đổi khí hậu. Trái đất ấm dần lên khiến California và các vùng khác tại miền tây nước Mỹ chịu hạn hán kéo dài và nghiêm trọng.
Giáo sư Noah Diffenbaugh thuộc ĐH Stanford dự báo nhiệt độ tăng sẽ khiến hạn hán ở California trở nên thường xuyên và dữ dội hơn trong tương lai. Thị trưởng Eric Garcetti của Los Angeles cho rằng người dân California giờ phải làm quen với “hiện thực mới” và tìm cách thích ứng để tồn tại.
“Chúng ta không thể tận hưởng mãi cuộc sống ở California như trước mà phải chấp nhận thay đổi để thích ứng với môi trường” - tiến sĩ Starr khẳng định.
Xã luận của báo Detroit Free Press cũng cho rằng cuộc khủng hoảng nước ở California phải là lời cảnh tỉnh đối với nước Mỹ vẫn quá phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và tiêu thụ tài nguyên quá mức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận