Thống đốc Newsom (phải) đã mời cậu học trò 9 tuổi Kyote (giữa) đến nói chuyện vì cậu đã giúp ông động lực ký luật bảo vệ bữa ăn công bằng cho học sinh - Ảnh: Twitter
California đã trở thành tiểu bang đầu tiên tại Mỹ lùi giờ vào học tại các trường công lập, với hi vọng biện pháp này sẽ giúp các học sinh ngủ đủ giấc trước khi đến trường cũng như đạt được thành tích học tập tốt hơn.
Theo đạo luật mới được thống đốc bang là ông Gavin Newsom ký ngày 13-10, các trường trung học cơ sở công sẽ bắt đầu giờ học không sớm hơn 8h, còn các trường trung học phổ thông là không sớm hơn 8h30.
Biện pháp này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7-2022 hoặc vào tháng 1-2023. Như vậy, các trường học có khoảng thời gian "chuyển tiếp" 3 năm để lên kế hoạch và triển khai thực hiện.
Hiện thời gian vào học tại các trường trung học công ở bang California là khoảng 8h sáng, nhưng một số trường yêu cầu học sinh có mặt trước 7h30.
"Tạo ra một "California cho tất cả mọi người" có nghĩa là phải đảm bảo các trường học mang tính bao dung, chấp nhận và chào đón tất cả trẻ em. Những dự luật này giúp chúng ta tiến gần hơn đến mục tiêu đó".
Gavin Newsom - Thống đốc bang California
Để đặt bút ký đạo luật mới của bang, thống đốc Newsom dựa trên biện luận là nghiên cứu khoa học cho thấy trẻ vị thành niên bắt đầu giờ học muộn hơn sẽ giúp tăng cường sức khỏe toàn diện cũng như nâng cao thành tích học tập.
Mặc dù nhận được sự ủng hộ từ một số hiệp hội y khoa, nhưng luật mới này cũng gây tranh cãi giữa các nghị sĩ và các trường học.
Thượng nghị sĩ Connie Leyva thừa nhận việc ngủ đủ giấc là một yếu tố quan trọng đối với sức khỏe của học sinh, nhưng cho rằng việc tăng thêm thời gian ngủ "đòi hỏi nhiều hơn việc chỉ lùi thời gian vào lớp".
Nghị sĩ này cho rằng giờ bắt đầu học cần được xác định ở cấp địa phương vì việc áp dụng chung một khung giờ học cho toàn bộ các trường học không phải là một cách tiếp cận hợp lý.
Thượng nghị sĩ Leyva và một số người lên tiếng phản đối cũng lưu ý sự thay đổi về thời gian này có thể gây khó khăn khi phụ huynh không thể sắp xếp được thời gian đưa con em tới trường.
Thôi thì chuyện giờ học chắc sẽ linh hoạt tùy trường, nhưng trước mắt cũng thấy chính quyền thực sự lưu tâm đến chuyện phát triển thể chất lẫn trí lực cho trẻ em.
Một đạo luật khác liên quan vấn đề này cũng được thống đốc Newsom đặt bút ký hôm 13-10 là chuyện cấm các trường "cắt cơm" học sinh không đóng được tiền ăn trưa.
Ở Mỹ, người ta gọi chuyện này là "Bữa ăn trưa xấu hổ" (Lunch shaming) - tức chuyện về các trường học không cho học sinh ăn trưa ở căngtin nếu cha mẹ không chịu đóng tiền.
Đáng buồn hơn là để quản lý việc đó cho dễ dàng, những em không đóng tiền ăn sẽ bị "đánh dấu trên tay" bằng miếng dán hoặc vòng đeo cho biết gia đình mình không đóng tiền nên không nhận được phần ăn như các bạn học khác. Giải pháp này từng bị xem là "tàn ác" bởi tạo ra sự phân biệt đối xử trong mắt các em học sinh.
Thống đốc Newsom đã ký đạo luật buộc các trường tổ chức bữa ăn công bằng cho các em học sinh (nếu thiếu hụt tài chính thì chính quyền tài trợ) là dựa trên câu chuyện đầy cảm hứng từ Ryan Kyote, cậu học sinh lớp 3 của trường tiểu học hạt Napa ở California. Cậu học trò tốt bụng này đã bỏ tiền túi "trả nợ" cho bạn học không được ăn trưa đàng hoàng. Câu chuyện của cậu từng gây sóng khắp nước Mỹ hồi đầu năm nay.
Trước hôm ký dự luật tài trợ ăn trưa cho học sinh, thống đốc Newsom đã mời cậu bé Kyote đến nói chuyện, và ông cũng nói lời cảm ơn về hành động của cậu bé giúp ông thêm động lực ký luật trong bài phát biểu của mình vào tối 12-10.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận