21/02/2019 09:10 GMT+7

Cái xấu, cái ác đến từ đâu?

TIẾN LONG ghi
TIẾN LONG ghi

TTO - Vì sao tội phạm ngày càng nguy hiểm, “máu lạnh”, mất nhân tính? Vì sao tội ác ngày càng man rợ? Làm thế nào để mỗi người cất đi những bất an, lo lắng? Tuổi Trẻ giới thiệu hai ý kiến bạn đọc về vấn đề này.

Cái xấu, cái ác đến từ đâu? - Ảnh 1.


* PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn (chuyên gia nghiên cứu tội phạm học): 

Cái xấu, cái ác đến từ đâu?

Ba, bốn năm gần đây có những vụ án nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. 

Những trào lưu văn hóa, hiện tượng xã hội tiêu cực như chuyện hơn thua, tranh đoạt, nhu cầu thỏa mãn vật chất tăng nhưng điều kiện khả năng làm việc hạn chế, những yếu tố tệ nạn xã hội... đã tác động đến các tầng lớp dân cư, nhất là giới trẻ. 

Những thú ăn chơi khắp nơi cũng đã kích động một bộ phận thích hưởng thụ ngoài khả năng của mình.

Trong mối quan hệ gia đình, nhiều người làm cha làm mẹ cũng đang chạy theo những giá trị ảo, lợi ích cá nhân, ích kỷ và vô cảm, thiếu sự kết nối tính thiện, tính nhân văn, lòng thơm thảo. 

Trong từng gia đình, từ lời ăn tiếng nói, sự nhường nhịn, chia sẻ, giáo dục tình thương, sự tử tế giữa con người với nhau không được chú ý.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình xung đột, bạo lực, ly tán tác động vào đạo đức, nhân cách, lối sống của trẻ. 

Không ít gia đình có người "dính" vào tệ nạn xã hội như nghiện hút, rượu chè, cờ bạc, mại dâm... tác động đến các thành viên khác trong gia đình, họ có thể trở thành người xấu, những người có thể trở thành tội phạm trong một khoảnh khắc nào đó.

Ở nhà trường, tình trạng "chạy" điểm, "chạy" thầy, mua điểm, mua bằng, chủ nghĩa thành tích... không chỉ gây áp lực, tác động xấu đến đội ngũ giáo viên mà còn tác động vào nhận thức, tình cảm của học sinh. 

Trong khi đó, những bài học nhân văn, làm người cũng như kỹ năng sống lại chưa thực sự quan tâm. Cho nên khi có yếu tố tác động xã hội tiêu cực vào thì các em rất dễ bị lệch chuẩn, người trẻ dễ sa vào con đường phạm tội.

Môi trường xã hội cũng rất quan trọng. Môi trường sống thường xuyên xung đột, tranh giành vì vụ việc nhỏ... hoặc tràn ngập tệ nạn, tiệm net, quán bar, karaoke, quán nhậu mọc lên từng vỉa hè tác động từng ngày vào nhân cách con người. 

Ý thức chấp hành pháp luật của người dân hiện nay còn thiếu, nhất là vùng sâu vùng xa. Con người thiếu kiến thức về pháp luật, thêm có nhân cách xấu, khi có điều kiện họ sẵn sàng thực hiện tội phạm, đặc biệt những tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Về giải pháp, tôi cho rằng đạo đức, nhân cách tốt sẽ là sức đề kháng rất quan trọng ngăn cản người ta phạm tội (thay cho lối sống ích kỷ chỉ biết mình, không biết đến cộng đồng). 

Việc ấy phải thực hiện từ trong gia đình, rồi đến nhà trường và xã hội. Cần tạo cho công dân ý thức biết ngăn chặn, tố cáo, tố giác và tự giác tham gia đấu tranh tội phạm. Nếu không họ sẽ thờ ơ, bỏ mặc, thậm chí tiếp tay cho tội phạm.

Chính quyền địa phương phải nâng cao được trách nhiệm tạo ra môi trường lành mạnh trong địa bàn: ngăn chặn, loại trừ các tệ nạn nhậu nhẹt, nghiện hút, cờ bạc...

* Lê Phạm Phương Lan (giảng viên tâm lý - ĐH Nguyễn Huệ, Đồng Nai):

Nâng cao ý thức và kỹ năng tự phòng vệ

Nếu có cuộc khảo sát người dân gần nơi có nữ sinh bị sát hại ở Điện Biên vào chiều 30 tết, mọi người không thể che giấu được nỗi lo lắng, bất an về tính chất nguy hiểm của đối tượng gây án. Bóng dáng những kẻ nghiện ngập, vô gia cư, có tiền án tiền sự quanh quẩn ở tận vùng sâu vùng xa. Ai đó ra đường cũng cảm thấy ám ảnh, hoang mang, sợ hãi sau vụ án này là điều dễ hiểu. Làm sao để người dân có thể yên tâm ngay trong chính ngôi nhà mình, làng xóm mình?

Theo tôi, phải có nhiều giải pháp đồng bộ từ trung ương đến cơ sở. Cụ thể như sau:

1. Công an địa phương cần thường xuyên phối hợp với cán bộ và người dân rà soát, khoanh vùng các đối tượng tiềm ẩn những nguy cơ gây án, nhất là các đối tượng nghiện ngập, cờ bạc, có tiền án tiền sự, bảo kê, đòi nợ thuê, sống lang thang... để dễ dàng sàng lọc, phân loại cũng như nhanh chóng xử lý khi có tình huống.

2. Tiếp tục tuyên truyền về pháp luật, đặc biệt là tại các vùng sâu vùng xa, trong vùng trọng điểm, nơi dễ phát sinh các hoạt động buôn bán ma túy, cờ bạc... Rất cần thiết phải trang bị cho người dân địa phương hiểu biết cơ bản và hành động theo pháp luật, nâng cao ý thức đề phòng cảnh giác, kỹ năng phòng vệ khi đối mặt với kẻ xấu cũng như kỹ năng chủ động phối hợp với cơ quan chức năng khi có tình huống bất trắc xảy ra.

3. Không phải tất cả những người đã từng nghiện ngập, có tiền án tiền sự đều là đối tượng sẽ gây ra tội ác, nhưng nguy cơ thực hiện hành vi phạm pháp của họ là rất lớn. Tâm lý "không còn gì để mất" và vì định kiến của một nhóm người trong xã hội dẫn đến việc họ dễ dàng phạm tội một cách chủ ý. 

Vì thế, chính quyền địa phương phải luôn làm tốt việc hỗ trợ công ăn việc làm cho các đối tượng này, đồng thời quan tâm đến đời sống tinh thần và có biện pháp tuyên truyền giáo dục, quản lý, giám sát thường xuyên để họ cảm thấy được xã hội coi trọng và không dám vi phạm pháp luật.

Vụ cô gái giao gà bị sát hại: Có thưởng cũng nên có phạt

TTO - 'Nếu có thưởng thì cũng có phạt, trách nhiệm của lực lượng công an đến đâu khi nạn nhân mất tích 3 ngày rồi bị giết?', nhiều bạn đọc đặt câu hỏi xung quanh việc Điện Biên khen thưởng lực lượng phá án vụ cô gái giao gà bị sát hại.

TIẾN LONG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp