10/05/2013 06:25 GMT+7

Cai thuốc lá, cần gặp bác sĩ

THÙY DƯƠNG ghi
THÙY DƯƠNG ghi

TT - Biết hút thuốc lá có hại không chỉ đối với bản thân mà còn với người xung quanh, nhưng nhiều người thú nhận họ từng cai thuốc không dưới một lần mà vẫn hút lại.

TxCXJmyn.jpgPhóng to
Người nghiện thuốc lá cần được bác sĩ khám và điều trị - Ảnh: H.T.V.

Đó cũng là tâm tư của nhiều bạn đọc tham gia buổi giao lưu trực tuyến “Đẩy lùi tử thần thuốc lá” do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 9-5.

Tái nghiện để hết nghiện

Nên có tuần lễ xử lý vi phạm quy định cấm hút thuốc lá

Trả lời về việc khó khả thi trong thực hiện quy định cấm hút thuốc lá, lực lượng thanh tra y tế cả nước có trên 300 người không đủ để xử phạt vi phạm tại địa điểm cấm hút thuốc, ông Nguyễn Huy Quang, vụ trưởng Vụ Pháp chế, cho rằng trong Tuần lễ quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá (tuần cuối cùng của tháng 5 hằng năm), nên ra quân xử phạt vi phạm điểm để răn đe. Mức phạt các trường hợp vi phạm quy định này dự kiến theo quy định mới (chưa ban hành) từ 100.000-300.000 đồng, nhưng hiện có thể áp dụng theo nghị định 45 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế là phạt 50.000-100.000 đồng đối với người hút thuốc ở địa điểm cấm hút thuốc lá.

L.ANH

Bác sĩ Lê Khắc Bảo, giảng viên ĐH Y dược TP.HCM, đưa ra con số làm nhiều người giật mình là tỉ lệ tái nghiện thuốc lá xảy ra trên 90% trường hợp người hút thuốc lá. Trong khi nhiều người lo lắng việc bỏ thuốc lá mà bị tái nghiện, bác sĩ Lê Khắc Bảo khẳng định tái nghiện thuốc lá là bước bắt buộc phải có trong quá trình cai thuốc lá thành công. Muốn tránh tái nghiện, bác sĩ Bảo khuyên người hút thuốc nên đến bác sĩ khám để được chẩn đoán mức độ, loại nghiện thuốc lá đang mắc, đồng thời thực hiện những lời khuyên và sử dụng thuốc để cai thuốc lá phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.

Bác sĩ Lê Khắc Bảo cho biết nguyên tắc điều trị cai thuốc lá là cai ngay lập tức, chứ giảm dần số điếu thuốc lá hút là không hiệu quả. Tuy nhiên, phải nhận thức rằng việc chuyển đổi từ việc đang hút hai bao thuốc lá mỗi ngày (như một bạn đọc chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến) sang không còn hút điếu nào là một thách thức rất lớn. Người cai thuốc lá trong giai đoạn đầu sẽ bị hội chứng cai thuốc lá “hành hạ” như: mất tập trung, cáu gắt, bực tức, mất ngủ, ăn nhiều, lên cân. Song, y học ngày nay đã có các biện pháp điều trị để giảm nhẹ các khó chịu này như các thuốc nicotin thay thế, bupropion, varenicline uống. Kết hợp thuốc cai thuốc lá sẽ làm giảm nhẹ, thậm chí biến mất các khó chịu xuất hiện sau cai thuốc lá. Và lời khuyên được gửi đến những người muốn cai thuốc lá là nên gặp bác sĩ để được tư vấn, dùng thuốc cai thuốc lá để cai thành công và nhẹ nhàng hơn.

Một bạn đọc nhận định số người nghiện thuốc lá ngày càng gia tăng về số lượng dù họ biết có hại, bác sĩ đánh giá thế nào về vấn đề này? Bác sĩ Lê Khắc Bảo cho rằng thậm chí có người bị tác hại do hút thuốc lá (ung thư phổi, ung thư thanh quản...) vẫn tiếp tục hút. Theo bác sĩ Bảo, hành vi nghiện thuốc lá không chỉ là thói quen mà còn là bệnh nghiện. Do đó, đối với nghiện thuốc lá, biện pháp ngăn cấm, xử phạt là chưa đủ. Nếu nghiện thuốc lá được xếp vào nhóm bệnh tâm thần thì cần được bác sĩ khám và điều trị cụ thể.

Không thể xử phạt thường xuyên

“Luật phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực từ ngày 1-5, vậy cơ quan nào được phép xử phạt người vi phạm?” - ông Hoàng Văn Hữu, 45 tuổi, đặt câu hỏi. Ông Nguyễn Huy Quang - vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế - trả lời thanh tra y tế, công an, quản lý thị trường và UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt. Việc hút thuốc lá tại các địa điểm cấm diễn ra khá phổ biến, trên diện rộng và ở mọi đối tượng nên việc xử phạt cùng lúc rất khó khăn. Trong khi đó, lực lượng chức năng, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt lại không đủ, do đó rất cần sự tự giác, ý thức pháp luật, hành vi văn hóa của người hút thuốc lá và sự nhắc nhở của những người xung quanh.

Trả lời câu hỏi của bạn đọc Nguyễn Văn Thọ về các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn, việc hút thuốc lá nơi vỉa hè, lề đường có vi phạm không, ông Quang cho biết các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn là trong nhà (nơi làm việc, trường cao đẳng - đại học, học viện, địa điểm công cộng khác) và trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế, giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi giải trí cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy nổ cao. Luật cũng quy định những nơi bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn là ôtô, máy bay, tàu điện.

Việc hút thuốc lá nơi vỉa hè, lề đường là không gian mở nên không bị pháp luật cấm. Tuy nhiên, luật khuyến cáo tại các địa điểm này, các cơ quan chức năng cần bố trí các điểm để người hút thuốc lá hút tập trung và để tàn, đầu mẩu thuốc lá đúng nơi quy định, bảo đảm vệ sinh chung.

Vì sao không cấm nhập khẩu thuốc lá?

Bạn đọc Đinh Văn Loan bức xúc đặt câu hỏi “Tại sao không cấm sản xuất và nhập khẩu thuốc lá mà lại đi cấm hút thuốc lá?”, ông Nguyễn Huy Quang cho biết theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới, ma túy, nicotin trong khói thuốc lá đều là chất gây nghiện nhưng ở mức độ khác nhau. Do đó chúng ta có Luật phòng chống ma túy và không có luật phòng chống thuốc lá, mà chỉ có Luật phòng chống tác hại thuốc lá. Vì lý do trên, luật không cấm sản xuất và nhập khẩu thuốc lá mà chỉ quy định các biện pháp làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá và kiểm soát chặt chẽ các nguồn cung cấp thuốc lá.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

THÙY DƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp