Café de la Poste về đêm (ảnh chụp ngày 21-11-2015) - Ảnh: N.V.N.
Trong lịch sử, dãy nhà này chính là khu cửa hiệu, nhà hàng, công sở đi cùng hình ảnh khách sạn Langbian Palace.
Có thể nói đây là hình ảnh trung tâm của khu phố Tây một thời; một thành tố điểm nhấn trên vòng cung biệt thự, dinh thự di sản kiến trúc Pháp kéo dài từ đường Hùng Vương qua đến thác Cam Ly.
1. Có một chi tiết thú vị, nhà văn Nhất Linh từng gắn bó với ngôi nhà này. Vào năm 1955, chán chường thời cuộc, Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) đã cùng hai người con lên Đà Lạt sinh sống một thời gian.
Ông thuê một căn phòng tại dãy nhà số 12 Yersin (nay là 12 Trần Phú) cư ngụ trước khi chuyển về căn biệt thự có vườn rộng rãi hơn ở số 19 Đặng Thái Thân theo đuổi thú chơi lan.
Trong hồi ký, Nguyễn Tường Thiết - người con út từng sống với nhà văn Nhất Linh tại Đà Lạt thời gian này - cũng viết rằng căn phòng mà cha mình chọn lưu trú nằm trên một nhà hàng Pháp có tên Poinsard & Veyret.
Đến thập niên 1960, dãy nhà số 12 Yersin này được Nha Quốc gia du lịch (thuộc chính quyền Sài Gòn) chọn đặt văn phòng.
Le Café de la Poste mà người Đà Lạt thấy thân quen là một góc nhà chữ A trong dãy nhà một tầng lầu liên kế, có thể vừa để ở vừa mở cửa hiệu, phòng triển lãm, nhà hàng hay văn phòng. Tầng trên mặt góc nhìn sang tòa nhà bưu điện có bancông lam gỗ, chia ba khung cửa vòm tròn khá duyên dáng và hài hòa với chỉnh thể.
Từ sân Le Café de la Poste ngồi thưởng thức ly cà phê, nhâm nhi vài món bánh ngọt Pháp được làm từ tầng hầm Hotel du Parc và nghe tiếng chuông nhà thờ Con Gà ngân nga bên kia đường, nhìn chiều xuống ta như gặp lại một Đà Lạt của thời vàng son.
Chắc vì vậy mà việc tu sửa, phục dựng không gian Dalat Palace, Hotel du Parc và khu nhà này vào thập niên 1990 được xem nằm trong ý hướng tốt đẹp của địa phương, mong biến những biểu tượng di sản kiến trúc biệt khu nghỉ dưỡng thời Pháp thuộc trong quá khứ thành giá trị văn hóa giàu có cho hiện tại và tương lai.
2. Việc ứng xử với một không gian kiến trúc độc đáo, từng ôm vào mình những dấu vết nhân văn đòi hỏi một sự hiểu biết của chủ sở hữu, kinh doanh.
Tấm biển thô kệch của ngân hàng sẽ tự làm tổn hại đến chính hình ảnh thương hiệu của ngân hàng này trong mắt người yêu Đà Lạt và du khách đến với thành phố này. Các nhóm cộng đồng Đà Lạt trên mạng xã hội đã phản ứng ngay lập tức, buộc ngân hàng nọ phải gỡ bảng sau đó.
Còn nhớ hai năm trước cũng tại chính công trình này, người chủ mới đổi nước sơn màu hường, dư luận Đà Lạt và du khách đã phản ứng kịp thời và gay gắt, áp lực họ phải... sửa màu sơn lại sao cho dễ nhìn, phù hợp hơn với hình thái kiến trúc.
Bấy nhiêu chuyện xảy ra với một công trình di sản cho thấy: việc thay đổi chức năng sử dụng công trình có thể xảy ra theo vận động tự nhiên của xã hội kinh tế thị trường, việc chỉnh trang tùy thuộc vào năng lực, quan điểm thẩm mỹ của người sở hữu, nhưng bởi di sản thuộc về một phần tài nguyên nhân văn của cộng đồng, nên đã đến lúc cần phải cân nhắc tính toán kỹ lưỡng từ chuyện đặt một tấm biển, thay một màu sơn.
Những việc ấy cũng phải gắn với sự hài hòa tâm thức cộng đồng; quyết định trên nền tảng hiểu biết. Những ứng xử thực tế với di sản sẽ nói với cộng đồng rằng anh ta có xứng đáng sở hữu những giá trị văn hóa mà lịch sử để lại hay không?
3. Từ câu chuyện mang tính biểu trưng trên đây, có thể nhìn rộng ra tình trạng sử dụng bảng hiệu và sắc màu đô thị của Đà Lạt ngày nay.
Cuộc "nổi dậy" của màu sắc sặc sỡ và những bảng hiệu thô kệch, phô trương đang cho thấy một sự rối loạn về mỹ quan. Đáng buồn hơn, điều đó phóng chiếu một tâm thế sống đánh mất dần sự nhỏ nhẹ, hài hòa, thanh lịch và tinh tế - vốn là những yếu tố làm nên giá trị của Đà Lạt trong quá khứ.
Và những người yêu, hiểu Đà Lạt không khỏi thấy chướng mắt, đau lòng khi nhiều công trình lịch sử, di sản bị các bảng hiệu khổng lồ muôn hồng nghìn tía bủa vây không thương tiếc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận