Sách do Tao Đàn & NXB Hội Nhà Văn ấn hành - Ảnh: Thái Lộc
Quen bởi ai cũng biết chợ, ai cũng ít nhất đôi ba lần "sống đời của chợ". Lạ, bởi không ai có thể biết chợ có từ bao giờ, chợ không có hình dung cụ thể, biên giới và bản chất của chợ luôn biến dịch, không ai có thể quả quyết rằng mình đã hiểu hết mọi thứ về chợ.
Biên khảo Sống đời của chợ của Nguyễn Mạnh Tiến có lẽ là một công trình có cái nhìn sống động nhất về chợ của người Việt từ trước tới nay.
Công trình là sự thông hiểu về chức năng chợ trong cấu trúc làng (đơn vị hành chính cơ bản nhất của tổ chức xã hội Việt Nam cổ truyền).
Chủ yếu tác giả khảo sát làng ở Bắc Bộ và nới rộng phạm vi nghiên cứu ra các làng vùng Thanh - Nghệ.
Chợ trong cấu trúc chức năng làng trước hết thể hiện ở chỗ vai trò của chợ với mạng lưới kinh tế làng xã. Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng "sự xuất hiện dày đặc mạng lưới chợ quê Việt Nam chính là trái tim trong hoạt động thương mại của làng và nội thương của quốc gia".
Từ chợ, tác giả đi tới phân tích tính chất mở của làng. "Chợ là một tổ hợp kinh tế - văn hóa tháo dỡ các không gian khép kín của làng, vượt thoát sự chia cắt địa lý quy định tính cô lập trong cư trú của cư dân Việt Nam. Chợ góp phần kiến tạo một không gian mở".
Nguyễn Mạnh Tiến được xem là một trong những nhà dân tộc học uy tín hiện nay ở Việt Nam.
Trước biên khảo Sống đời của chợ, anh đã cho xuất bản công trình Những đỉnh núi du ca - một lối tìm về cá tính H’Mông (NXB Thế Giới, 2014). Đây là công trình đi đến xác lập cá tính H’Mông dựa trên các từ khóa: tâm thức lưu vong - tâm thức di dân - tâm thức mồ côi, ám ảnh Hán, nổi loạn, mộng mơ, quyền lực miền núi, tự trị tộc người...
Với biên khảo Sống đời của chợ, người đọc đặt thêm hi vọng vào Nguyễn Mạnh Tiến - nhà nghiên cứu có phương pháp liên ngành, kiến văn sâu rộng và sự nhiệt tâm.
Biên khảo này Nguyễn Mạnh Tiến dành tặng tất cả những người đàn bà chợ. Hẳn đây không phải là một điều ngẫu nhiên.
"Những người đi chợ là vợ đàn ông", câu tục ngữ này như là tiền đề để tác giả biên khảo đi đến xác quyết: chợ - nền thương mại đàn bà.
Qua sự khảo sát tỉ mỉ, công phu, dựa vào những bảng số liệu tác giả đưa ra, chúng ta thấy rằng những người đàn bà luôn là chủ thể của những phiên chợ, chủ thể của mạng lưới buôn bán từ chợ quê tới các chợ lớn hơn ở đất kinh kỳ.
Khảo từ lịch sử, điểm lại các vụ "chết chợ," "bêu đầu ở chợ" qua thời gian dựa vào các sử liệu như: Toàn thư, Việt sử lược, Cương mục, Thực lục..., biên khảo cũng chứng minh rằng chợ chính là môi trường điển chế pháp luật, thị phạm quyền lực quốc gia với người dân quê.
Như vậy, chợ, trước hết là nơi để buôn bán, mang chức năng thương mại cho làng, sau đó chợ còn mang chức năng chính trị do các nhà cầm quyền khoác lên cho chợ: chợ/pháp trường. Bên cạnh đó, trong cái nhìn của nhà dân tộc học trẻ tuổi, chợ còn là mạng lưới thông tin, làn sóng dư luận và là tiến trình hình thành tâm lý đám đông làng xã.
Chợ làng Việt sinh ra từ căn tính của người Việt và dĩ nhiên cũng là nơi trình ra một cách rõ nét nhất căn tính Việt.
Một chức năng nữa của chợ đó là chợ chính là không gian văn hóa, hội hè làng mạc và bảo tồn nghệ thuật dân gian. Người ta đến với chợ không chỉ để mua bán, kiếm lời mà còn để tìm kiếm niềm vui.
Chợ vì thế mang không khí của hội / hội chợ. Chợ quê xưa là nơi diễn xướng, nơi diễn ra các trò chơi dân gian, hát đối đáp, diễn tuồng, hát xẩm... Chợ vì thế cũng chính là nơi bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân gian.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận