23/03/2014 17:12 GMT+7

Cai nghiện ma túy bằng Methadone: làm sao hiệu quả?

LAN ANH thực hiện
LAN ANH thực hiện

TTO - Hiện tượng không tuân thủ quy trình uống thuốc, người nghiện cố tình ngậm Methadone trong miệng rồi đem bán ở TP.HCM đặt ra vấn đề số người có nhu cầu sử dụng biện pháp cai nghiện này quá lớn nhưng số cơ sở điều trị lại chưa đáp ứng được nhu cầu.

K7pl6hDo.jpg
GS Peter Banys
Trong khi đó, mục tiêu điều trị cho 80.000 người nghiện ma túy bằng Methadone vào năm 2015 tỏ ra khó thực hiện khi cho đến đầu năm 2014 số người nghiện đã được điều trị tại các cơ sở Methadone mới đạt khoảng 17.000.

GS Peter Banys, cố vấn kỹ thuật cao cấp về điều trị nghiện ma túy của Tổ chức FHI 360 - tổ chức đang hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình điều trị thay thế cho người nghiện bằng Methadone tại VN, nói:

Trên thế giới, Methadone là phương pháp duy nhất chứng minh hiệu quả điều trị cho người nghiện chất dạng thuốc phiện bao gồm heroin, cho đến nay chưa có phương pháp nào có hiệu quả như Methadone. Mặc dù không ít ý kiến cho rằng Methadone cũng là chất dạng thuốc phiện, nhưng cũng có thể thấy rằng những ý kiến đó là dựa trên định kiến chứ không phải dựa trên bằng chứng.

Gần đây, Methadone đã được sử dụng rộng rãi và mở rộng trên thế giới, là phương pháp được chứng minh giúp làm giảm lây truyền HIV, giảm tội phạm hiệu quả và an toàn cho cộng đồng. Tại Hoa Kỳ, ngoài hình thức điều trị thay thế cho người nghiện heroin, Methadone còn được sử dụng tại các cơ sở y tế được chính phủ cấp phép như một loại thuốc giảm đau cho bệnh nhân ung thư và một số căn bệnh đau mãn tính khác.

* Thưa ông, như ông nói thì Methadone đã được chứng minh là biện pháp hiệu quả nhất điều trị cho người nghiện, nhưng điều gì đã cản trở việc thực hiện mục tiêu điều trị cho 80.000 người nghiện vào năm 2015 ở VN?

- Mục tiêu này là mục tiêu của Chính phủ VN đặt ra từ năm 2010, đã được Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng thông báo và là cam kết của Chính phủ VN. Con số 80.000 người nghiện tương đương khoảng 40% tổng số người nghiện ma túy ở Việt Nam, về khoa học thì khi đạt được con số này sẽ cho thấy hiệu quả đáng kể trong cộng đồng. Mặc dù trên thực tế số người nghiện ở Việt Nam có thể cao hơn số được quản lý, do người nghiện thường có xu hướng giấu tình trạng của mình, và lâu nay vì kỳ thị, vì yêu cầu cai nghiện bắt buộc cũng khiến người nghiện ngại lộ diện.

Hiện nay rất nhiều địa phương ở VN nhận ra hiệu quả của chương trình Methadone, việc mở rộng cơ sở điều trị phụ thuộc vào nỗ lực của từng địa phương, nhất là về cơ sở hạ tầng, nhân lực làm việc cho cơ sở điều trị… Tuy nhiên, đầu tư tài chính bền vững là rất quan trọng giúp đạt mục tiêu này. Những năm qua, phần lớn tài chính cho chương trình đến từ tài trợ quốc tế, mà nguồn tài trợ này đang bị cắt giảm và cũng sẽ chỉ kéo dài trong vài năm tới mà thôi.

* Thưa ông, trong thời gian vừa rồi ở TP.HCM xảy ra hiện tượng người nghiện ngậm Methadone trong miệng rồi đem bán ra ngoài bất hợp pháp. Làm thế nào để giảm thiểu hiện tượng tiêu cực trên?

- Với thực tế nhu cầu điều trị ở Việt Nam rất lớn, còn hơn 63.000 người bệnh đang chờ để được điều trị, hiện tượng ngậm thuốc, cố tình đưa thuốc trái phép ra ngoài bán là không thể tránh khỏi. Hiện tượng này không chỉ có ở TP.HCM, không chỉ ở Việt Nam mà đều xuất hiện ở các nước trên thế giới khi nhu cầu điều trị quá cao. Hiện tượng này chỉ giảm khi chương trình điều trị Methadone mở rộng đủ để đáp ứng được nhu cầu được điều trị của những người nghiện, như ở Hong Kong (Trung Quốc) và Úc hiện nay, ai mong được điều trị đều được vào điều trị với khoảng thời gian chờ đợi không đáng kể.

* Làm thế nào đáp ứng nhu cầu mở rộng điều trị Methadone nhanh và hiệu quả nhất?

- Những năm vừa qua, chủ yếu tài chính cho chương trình Methadone ở VN do chương trình PEPFAR của tổng thống Mỹ, Quỹ Toàn cầu và Ngân hàng Thế giới tài trợ. Nhưng nguồn tài trợ này đang giảm. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tăng cường hiệu quả về chi phí để chương trình được mở rộng nhanh và hiệu quả nhất? Theo tôi, có bốn yếu tố tạo nên sự mở rộng hiệu quả sau:

Thứ nhất là cần sự cam kết, vào cuộc của chính quyền địa phương về đầu tư tài chính, con người, và tạo sự đồng thuận để triển khai Methadone. Đây là vấn đề then chốt. Ở những địa phương chưa sẵn sàng, họ không đầu tư, chậm phê duyệt kế hoạch mở rộng Methadone. Rồi môi trường triển khai chương trình, nếu địa phương không điều chỉnh hoặc bỏ hẳn chỉ tiêu cai nghiện bắt buộc thì dù có cơ sở điều trị Methadone, người nghiện sợ không dám lộ diện để tiếp cận điều trị. Chúng tôi theo dõi thì thấy có những nơi mặc dù nhu cầu điều trị lớn, nhưng cơ sở Methadone mở hơn một năm mà số lượng bệnh nhân vẫn không thể tăng lên được. Nói điều ấy vì tôi muốn nhấn mạnh việc mở rộng chương trình tùy thuộc nhiều vào nguồn lực và cam kết của địa phương cùng các cấp ngành ở từng địa phương.

Thứ hai là áp dụng mô hình cơ sở điều trị nghiện xã hội hóa, bệnh nhân hằng ngày phải chi trả một khoản tiền cho điều trị (hiện nay bệnh nhân mô hình này phải chi trả khoảng 10.000đ/ngày).

Thứ ba là lồng ghép tối đa vào các cơ sở sẵn có, bên cạnh việc điều trị cho bệnh nhân nghiện ma túy còn có dịch vụ xét nghiệm tự nguyện HIV hoặc điều trị cho bệnh nhân HIV, đó là dạng cơ sở 2 trong 1 hoặc 3 trong 1, vừa điều trị Methadone vừa xét nghiệm tự nguyện, điều trị HIV.

Thứ tư là mở rộng cơ sở Methadone về cộng đồng, người tham gia có thể đến cơ sở điều trị gần nơi họ sống và làm việc, tiện lợi hơn cho họ, như vậy thì tỉ lệ tiếp cận được cơ sở điều trị cũng tăng lên. Cũng có nhiều nơi áp dụng mô hình này, đưa việc phát thuốc Methadone về trạm y tế xã/phường, gần nơi người bệnh sinh sống và làm việc.

Cuối cùng là chủ động nguồn đầu tư mua thuốc từ mỗi địa phương là chìa khóa để đẩy nhanh việc mở rộng chương trình điều trị. Nếu như nguồn thuốc Methadone trong các năm qua được hỗ trợ miễn phí từ chương trình PEPFAR Chính phủ Hoa Kỳ và Quỹ Toàn cầu thì từ cuối năm 2013 Bộ Y tế đã cấp phép sản xuất và cung ứng thuốc Methadone trong nước giúp chủ động nguồn thuốc cho việc mở rộng chương trình. Nguồn thuốc Việt Nam đã có thể chủ động, song điều quan trọng là mỗi địa phương có mong muốn mở chương trình điều trị Methadone cần dành ra khoản đầu tư kinh phí cho việc chủ động nguồn thuốc cho địa phương mình. Với tình hình khó khăn tài chính hiện nay, quyết sách của lãnh đạo địa phương chuyển dịch nguồn lực, dành nguồn lực đầu tư vào chương trình chi phí hiệu quả như Methadone là rất quan trọng.

Nếu Việt Nam không sớm mở rộng chương trình Methadone thì cho dù các cơ sở điều trị có tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phát thuốc Methadone đến mấy cũng khó mà hạn chế được hiện tượng bệnh nhân ngậm thuốc ra ngoài bán như hiện tượng đã xảy ra tại TP.HCM gần đây.

LAN ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp