Hai chị em Thị Nat trong đám cỏ năng - Ảnh: K.Nam |
Cái nghèo đã khiến nhiều trẻ em nơi đây thường xuyên bỏ học để ra đồng cắt lúa mướn...
Phía trước một căn chòi trên tuyến dân cư vượt lũ Hà Giang dọc theo đường N1 nối quốc lộ 80 vào trung tâm huyện Giang Thành, cô bé Thị Nat (10 tuổi) hồn nhiên bế em trai tên Tiên Nai (10 tháng tuổi) xuống cái đầm lấp xấp nước để hái cỏ năn.
Trong lúc cô chị mải hái cỏ năn thì cậu em bò lổm ngổm bốc đại miếng vỏ tràm rơi dưới đất cho vào miệng nhai rồi phun ra phèo phèo. Tuổi thơ của hai chị em nghèo lấm lem bùn đất.
“Con có tới 2 bộ đồ lận”!
“Con học hoài mà không biết chữ nên cô giáo không cho lên lớp. Chừng nào viết chữ được cô mới cho con lên lớp 2” - Thị Nat lí nhí giải thích cho cái tuổi quá lứa của mình.
Thị Nat cho biết đang là học sinh lớp... 1 tại Trường tiểu học Tân Khánh Hòa (xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành).
Khi tôi hỏi sao trời lạnh mà con với em không mặc áo ấm, Thị Nat kể: “Nhà con có một cái áo lạnh, sáng nay mẹ mặc đi ăn mướn (làm mướn - PV) cho người ta rồi”.
Hỏi con có mấy bộ quần áo, em chạy vào nhà đem ra bộ đồng phục học sinh rồi hớn hở khoe: “Con có tới hai bộ đồ lận!”.
Ở tuyến dân cư Hà Giang, ngoài chị em Thị Nat, còn nhiều trẻ em khác cùng có điểm chung là đều nghèo và học muộn so với tuổi.
Như Tiên Phal đã 8 tuổi vẫn chưa được đến trường. Chị Nguyễn Thị Mai (An Giang) - làm nghề bán rau cải, thịt cá dạo trên xe gắn máy - cho hay mình đi bán dọc tuyến dân cư vượt lũ Hà Giang đã hơn năm năm.
Cư dân sống ở đây hầu hết mua đồ thiếu, chừng nào có tiền mới trả. Mà cũng rất ít khi chị Mai được trả bằng tiền, phần lớn bà con lấy gạo đổi rau, thịt cá... Có khi không còn gạo thì dùng cả cỏ bàng phơi khô để đổi.
Từ tuyến dân cư vượt lũ Hà Giang, đi ngược lên phía biên giới Campuchia chừng 15km là tới Trường THCS Tân Khánh Hòa.
Nguyễn Thị Thanh (15 tuổi), học sinh lớp 9/2, chia sẻ rằng nhiều năm nay những chiếc áo mới ba mẹ mua cho Thanh vào dịp tết đều là áo trắng, để mặc tết xong sẽ làm đồng phục mặc đi học luôn.
Gia đình từ An Giang qua huyện Giang Thành lập nghiệp đã 10 năm nay, nhà không có đất sản xuất nên hằng ngày sau giờ học Thanh thường theo cha mẹ ra đồng phụ giúp giặm lúa hoặc cắt lúa mướn tùy theo thời vụ.
Thanh kể em và nhiều bạn hoàn cảnh khó khăn đều đã từng tính nghỉ học ở nhà phụ giúp ba mẹ. Mỗi lần như vậy, bà con chòm xóm, thầy cô đều giúp đỡ, động viên trở lại trường.
“Bây giờ em chỉ mơ ước cuộc sống gia đình đầy đủ hơn để yên tâm tới trường, học hành tới nơi tới chốn sau này cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn” - Thanh tâm sự.
Tiên Phal đã 8 tuổi vẫn chưa đi học - Ảnh: K.Nam |
Chung tay cho trẻ đến trường
Cô Trần Thị Mỹ Hội - phó hiệu trưởng Trường Tân Khánh Hòa - cho biết trường chỉ có 120 học sinh ở năm điểm lớp, nhưng đã có 40 em trong số đó nhà nghèo hoặc cận nghèo.
Để học trò nghèo có được sách giáo khoa, đầu năm học các giáo viên chủ nhiệm phải dặn dò kỹ từng em trong lớp là chỉ được dùng bút chì ghi vào sách để cuối năm thầy cô ở thư viện có thể tẩy sạch cho khóa sau mượn tiếp.
“Cả năm điểm lớp đều dạy hai buổi, nhưng chỉ có điểm chính là học sinh đi học đủ, bốn điểm còn lại tụi nhỏ chỉ học một buổi, một buổi phải ở nhà làm mướn phụ giúp gia đình” - cô Hội nói.
Ông Lê Văn Luyến - trưởng ban lãnh đạo ấp Tân Tiến, xã Tân Khánh Hòa - cho biết trên tuyến dân cư vượt lũ Giang Thành có khoảng 100 hộ nghèo, cận nghèo.
Gần như tuần nào các thầy cô giáo, rồi cán bộ ấp đều phải đi vận động các em tới trường nhưng đến trường được một ngày, bữa sau đã thấy các em bỏ học ra đồng giặm lúa, cắt lúa mướn với ba mẹ.
“Vận động riết rồi cũng vậy, tụi nhỏ muốn đi học thì đi, muốn nghỉ là nghỉ. Cho nên mới có chuyện học ba, bốn năm mà không được lên lớp” - ông Luyến nói.
Bà Võ Thị Huyến - phó chủ tịch UBND xã Tân Khánh Hòa - chia sẻ băn khoăn lớn nhất của chính quyền và các đoàn thể địa phương là làm sao vận động hết trẻ trong độ tuổi ra lớp.
“Tôi hay nói với bà con rằng mình nghèo, thiếu thốn đủ thứ cũng tại vì ngày xưa ít học. Bây giờ thiếu thốn vật chất cỡ nào cũng không sợ, chỉ sợ thiếu tinh thần học tập mà thôi. Không học thì chắc chắn sẽ nghèo tiếp, mà không lẽ mình nghèo hoài hay sao” - bà Huyến tâm sự.
Sư cô Huyền Thanh - trụ trì chùa Giang Thành - cho biết hằng năm nhà chùa đều vận động tặng khoảng 100 chiếc xe đạp cho học trò nghèo.
“Ngoài xe đạp ra thì tùy duyên, ai cho quần áo cũ, tập sách, bút mực gì nhà chùa đều tiếp nhận rồi tặng lại cho tụi nhỏ. Tội nghiệp, nhiều đứa nghèo nhưng cố gắng học thấy thương lắm” - sư cô Huyền Thanh tâm sự.
TH True Milk ủng hộ 5.500 thùng sữa Chương trình “Tết cho học sinh biên cương” đã tiếp nhận hơn 630 triệu đồng tiền mặt từ đóng góp trực tiếp và chuyển khoản qua ngân hàng của bạn đọc báo Tuổi Trẻ. Bên cạnh đó Công ty TH True Milk cũng đồng hành cùng chương trình 5.500 thùng sữa, trị giá hơn 2 tỉ đồng. Dự kiến chương trình sẽ tổ chức trao 5.500 phần quà tết cho học sinh (400.000 đồng/phần) và giáo viên (500.000 đồng/phần) có hoàn cảnh khó khăn thuộc bảy tỉnh biên giới Kiên Giang, Bình Phước, Kon Tum, Quảng Bình, Quảng Trị, Lào Cai và Lai Châu từ ngày 30-1 đến 9-2-2015. Mời bạn cùng chung tay ủng hộ tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, văn phòng đại diện Tuổi Trẻ tại các tỉnh, thành. Hoặc tài khoản báo Tuổi Trẻ số 102010000118248 Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM; Ủng hộ trực tiếp trên mạng qua mục: Điện thoại liên hệ 0913.804.883. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận