08/06/2014 10:57 GMT+7

Cái nghèo đeo đẳng người nghèo

ĐĂNG NAM
ĐĂNG NAM

TT - Cái nghèo đeo quanh năm suốt tháng, nhiều người nghèo ở TP.HCM, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế... vẫn chật vật lo cái ăn cái mặc từ năm này qua năm nọ.

Lw8CSyjS.jpgPhóng to
Nơi ở của gia đình ông Nguyễn Văn Cu (trái) và ông Nguyễn Văn Sau tại khu tái định cư Phú Mậu, Thừa Thiên - Huế - Ảnh: Thái Lộc

Nhiều người chỉ mong không còn cảnh phải chạy ăn từng bữa, dứt được nỗi lo không đủ sức cho con đến trường.

Loanh quanh với cái nghèo

Cần 30 triệu đồng để sửa lại “cần câu cơm” mà khó quá!

Suốt gần cả chục năm nay, sáu người trong gia đình bà Huỳnh Thị Hồng (tổ 16, khu An Thị, P.An Hải Tây, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) phải sống vô cùng chật chội trong căn nhà ọp ẹp. Không đủ tiền để cất lại liếp nhà, nên vợ chồng bà Hồng, ông Phước đành liều dựng tạm cái chòi trên một nền đất công cộng bỏ hoang trước khi tìm đến UBND phường xin phép. Bà Hồng tâm sự cả hai vợ chồng bà làm nghề chài lưới trên sông Hàn, kể từ ngày chính quyền cấm đánh bắt cá trên sông thì cuộc sống của gia đình bà bị đảo lộn và trở thành một trong số các hộ dân nghèo nhất phường. Cả hai vợ chồng đã ở ngoài tuổi lao động, trong khi bốn người con nghề nghiệp không ổn định, vậy nên tất cả nguồn thu nhập trong nhà chỉ trông chờ vào mỗi chiếc thuyền rách tươm mà ông Phước hằng ngày vẫn dùng chạy qua chạy lại ở bến cá Thọ Quang, phần còn lại là nhờ vào nghề gõ đầu trẻ của cô con gái đầu.

Bà Hồng kể: “Cách đây bốn năm, chính quyền phường sau khi khảo sát đã cho gia đình tôi vay 10 triệu đồng sửa chữa lại chiếc thuyền hành nghề chài lưới. Nhưng bốn năm rồi, giờ thì thuyền xuống cấp quá mà tiền không có. Tôi ước có ai cho vay chừng 30 triệu đồng để làm lại cái cần câu cơm (chiếc thuyền), mong ra hi vọng đổi đời, nhưng chẳng ai cho vay cả. Bởi mình nghèo quá chẳng có gì thế chấp được”. Cũng theo lời bà Hồng thì cách đây hơn một năm, do gia đình bà quá nghèo khó nên chính quyền địa phương đã quyết định cấp cho một căn hộ chung cư ở P.Đông Trà (Q.Ngũ Hành Sơn). “Có chung cư nhưng sao gia đình bà vẫn ở đây?”. Bà Hồng thật thà nói: “Nếu kéo nhau về dưới chung cư ở thì rộng rãi thật đấy nhưng ngược lại không có việc làm. Muốn có việc phải chạy ngược lên thành phố mất 15 cây số. Vậy nên vợ chồng tôi vẫn phải chấp nhận ở tạm nơi đây đến khi nào họ đuổi đi thì thôi”.

Gia đình bốn người nhà chị Nguyễn Thị Đẹp (44 tuổi) đã ở trong căn nhà vỏn vẹn 10m2 lụp xụp tại một con hẻm nhỏ đường Hoài Thanh (P.14, Q.8, TP.HCM) cả chục năm nay. Và cũng từng ấy năm gia đình chị nằm trong diện xóa đói giảm nghèo của quận. Chồng chị làm công nhân xưởng thau nhôm, thu nhập bấp bênh mỗi tháng chừng 3 triệu đồng. Phần chị, sức khỏe yếu nên cũng chỉ nhận thau về nhà gia công đục lỗ mỗi ngày 20.000-30.000 đồng. Nằm trong diện xóa đói giảm nghèo nên hai đứa con đang học cấp II mỗi năm nhận được học bổng 1 triệu đồng trang trải học phí nên mới được cắp sách đi học đến tận bây giờ. Còn thì cả nhà đói no đắp đổi qua ngày, đói ăn không vịn được vào đâu thì vay mượn bà con chòm xóm mua gạo rồi trả nợ dần.

Cách không xa nhà chị Đẹp, hai vợ chồng chị Trần Thị Hiệp đi làm quán ăn được gần sáu năm nay, thu nhập hai vợ chồng vỏn vẹn 6 triệu đồng nhưng phải lo cho năm miệng ăn: hai vợ chồng, hai đứa con nhỏ học cấp II và mẹ già bị bệnh nặng phải thuốc thang hằng tháng. Hai vợ chồng chị đều chẳng nhớ rõ “vô” hộ nghèo khi nào, “ra” khi nào nữa. Chị kể trước đây anh chị làm nghề xỏ nhang ở nhà, thu nhập rất bấp bênh, sau đó được người quen giới thiệu qua làm quán ăn thì đời sống khá lên. Mấy năm còn diện hộ nghèo, con lớn còn học tiểu học thì mỗi năm có học bổng 700.000-800.000 đồng và cũng được phường phát cho năm người năm thẻ bảo hiểm y tế. Gia đình chị cũng được xét cho vay xóa đói giảm nghèo hai lần, lần đầu 7 triệu đồng, đáo hạn một năm mới trả được hết rồi vay tiếp 10 triệu đồng, đóng lãi hằng tháng vài chục ngàn đồng nhưng “chưa trả được nợ đã được đưa ra khỏi diện nghèo”. Đến bây giờ khoản nợ ấy gia đình chị vẫn chưa có cách nào để trả bởi chỉ lo ăn lo mặc cũng đã chật vật.

Gia đình bà Lê Thị Kim Hoa (48 tuổi, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân) cũng nằm trong diện hộ nghèo gần chục năm nay. Bà kể thất nghiệp nửa năm nay, mới tìm được việc ở công ty may cách nhà 10 phút chạy xe máy, hết tháng mới lãnh tháng lương đầu tiên nên mấy ngày này phải ăn uống tiện tặn. Chồng bà làm thợ chụp ảnh ở Thảo cầm viên Sài Gòn, thu nhập cũng bấp bênh tùy ngày. Bà có ba đứa con, đứa mới xong lớp 10, đứa lớp 7, đứa lớp 6. Gia đình bà có mã số hộ nghèo từ năm 2007. Nhờ đó, con bà được miễn 50% học phí, gia đình được cấp bảo hiểm y tế. Bà vốn là thanh niên xung phong những năm 1980, gia đình có công với cách mạng nên năm 2005 được Nhà nước hỗ trợ khoảng 17 triệu đồng xây cất căn nhà hiện tại, nhưng hiện giờ đã dột trước dột sau mà không có tiền lợp lại tôn.

Nỗi lo con phải nghỉ học

Nỗi lo lớn nhất của bà Hoa bây giờ là số tiền vay 30 triệu đồng từ quỹ xóa đói giảm nghèo của phường cuối năm 2013, hạn trả là cuối năm 2014, trong đó tháng 6 này phải trả trước 15 triệu đồng. Bà nói: “Ngày trước chồng tôi đi chụp ảnh bị giật máy, phải vay mua lại máy, rồi lo tiền chữa bệnh cho bên nội. Bây giờ không biết xoay xở đâu ra. Tôi chỉ mong được kéo dài thời hạn trả thêm chút nữa”. Con trai bà năm sau lên lớp 11, chỉ mong cố gắng lo cho con xong lớp 12 rồi đi học nghề nhưng sợ không đủ tiền lo.

Mấy năm nay được xét ra khỏi diện nghèo nhưng hai vợ chồng chị Hiệp (P.14, Q.8) đều phải gồng lưng mới lo nổi tiền trường cho hai con nay đều đã lên cấp II. Năm trước đứa nhỏ học lớp 5, không có tiền đóng học phí một lần nên đành chia ra đóng từng tháng, đứa lớn học cấp II, trường bắt đóng cả học kỳ nên phải ráng chạy vạy. Nhà chỉ có mình mẹ chồng chị già yếu được hỗ trợ giảm 50% tiền mua thẻ bảo hiểm y tế. “Vậy mà cuối năm rồi (2013) cũng cắt luôn. Lên mua thì phường bảo không được giảm nữa. Nhưng bà cụ bị huyết áp, tiểu đường lại bị té cầu thang chấn thương cột sống nên phải thuốc thang liên tục, không mua không được” - chị Hiệp kể. Chị nói nhờ mua bảo hiểm y tế mới biết “ra” khỏi diện nghèo. Nhắc đến năm học mới, chị chỉ biết nhìn hai đứa con nghẹn ngào: “Thôi thì còn lo nổi tới đâu hay tới đó. Nay nghe chú tổ trưởng dân phố nói tăng chuẩn nghèo nên được vô hộ nghèo lại, hi vọng được hỗ trợ học phí để chúng nó đi học tiếp”.

P6fIWna5.jpgPhóng to
Chị Nguyễn Thị Đẹp (Q.8, TP.HCM) mang thau nhôm về đục trong căn nhà ọp ẹp, chật chội - Ảnh: Vũ Thủy

Trở lại kiếp vạn đò

Ngày 7-6, dưới cái nắng chát chúa của Huế, chúng tôi đến khu tái định cư Phú Mậu (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) gặp những người sống trong những căn chòi bé xíu, vá víu bằng nilông và tôn cũ, nằm rải rác khắp nơi của khu tái định cư và ven bờ sông Hương. Căn chòi chừng 5m2 che tạm bằng cái vòm tre của con đò, dựng trên một bãi đất trống trông rất nhếch nhác giữa khu tái định cư là nơi ở của vợ chồng ông Nguyễn Văn Cu và hai con dại. Ông Cu cho biết trước đây vốn sống trên đò trên sông Hương thuộc P.Vỹ Dạ. Khi ấy bố ông đứng tên chủ hộ, bao gồm cả ba anh em của ông nữa, tổng cộng có 17 người với bốn cặp vợ chồng. Năm 2009, khi UBND TP Huế thực hiện dự án tái định cư cho dân vạn đò tại xã Phú Mậu, bốn cặp vợ chồng mà dự án chỉ cấp hai lô đất. Người bố cho vợ chồng em kế của ông Cu một lô, vợ chồng người em út ở cùng bố mẹ. Còn ông Cu thì không có đất đành phải tiếp tục ở trên đò. Ông kể: “Năm 2011, Ban quản lý dự án tái định cư vạn đò của TP Huế đã buộc tui bán đò lên bờ, họ hứa sẽ sớm giải quyết đất ở cho tui. Vợ chồng đành bán tháo con đò dựng cái chòi ni ở tạm, ai ngờ chờ mỏi chờ mòn chẳng thấy ban quản lý ơi hỡi chi! Đành ở như ri, nóng, khổ không chịu được!”.

Ông Võ Văn Kèn, trưởng khu tái định cư Phú Mậu, cho biết khi đưa dân về tái định cư, mỗi hộ được cấp một lô đất 81m2 và 15 triệu đồng hỗ trợ làm nhà. Tuy nhiên, theo nhận xét của một người dân, chính sách cấp đất theo từng hộ của dự án này quá “ki bo” với người dân, rất bất hợp lý, gây nên chuyện dở khóc dở cười cho nhiều gia đình cũng như sự nhếch nhác, dơ bẩn cho toàn khu tái định cư. Những hộ từ ba cặp vợ chồng trở lên được cấp hai lô đất, từ năm cặp vợ chồng gồm 20 nhân khẩu trở lên được cấp ba lô đất. Do đó, có trường hợp một hộ sáu cặp vợ chồng với 24 người được cấp ba lô đất, đủ làm nhà cho ba cặp. Ba cặp còn lại đành ra dựng chòi ven sông hoặc tiếp tục sống trên đò. Theo ông Võ Văn Kèn, hiện có hơn 30 gia đình đang dựng chòi ở tạm và hơn 20 gia đình khác tiếp tục sống lênh đênh trên đò. Toàn khu tái định cư Phú Mậu hiện có 337 hộ dân. Chiếm phân nửa con số đó, với hơn 160 hộ thuộc diện hộ nghèo. Việc không bố trí đất và thiếu việc làm cũng gây nguy cơ tái đò rất cao.

ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp