30/10/2013 01:57 GMT+7

Cái máy ghi âm

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Theo dự kiến, trong kỳ họp này Quốc hội sẽ thông qua Luật tiếp công dân. Từ chỗ chỉ là một phần nội dung trong Luật giải quyết khiếu nại, tố cáo, đến nay Luật tiếp công dân đang được xây dựng là luật độc lập hứa hẹn nâng cao tính dân chủ, tạo thêm cầu nối, cơ chế để người dân gần hơn với chính quyền.

Thế nhưng đọc dự thảo luật vẫn thấy thiếu nhiều thứ. Nói như các đại biểu Quốc hội thì cái cần không thấy có, cái có lại không thấy cần. Dự thảo luật bàn nhiều về trang phục của cán bộ tiếp công dân, trụ sở, địa điểm tiếp công dân.

Rồi trụ sở tiếp công dân phải khang trang, lịch sự, bảo đảm điều kiện vật chất được Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chuẩn. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nhận xét: “Người dân đến nơi tiếp công dân không đòi hỏi gì ngoài việc được lắng nghe, được giải quyết bức xúc, không mong muốn gì hơn là cán bộ tiếp dân đừng thờ ơ vô cảm, đừng đọc báo, nhắn tin, gọi điện thoại khi người dân đang trình bày”. Thế nhưng, chế tài xử lý cán bộ tiếp dân vi phạm lại chưa thấy đề cập trong luật.

Dự thảo luật quy định từng cấp, từng ngành phải tiếp công dân bao nhiêu lần trong tuần, trong tháng; nhưng nếu không thực hiện đúng quy định, không tiếp hoặc tiếp rồi không giải quyết thì phải chịu trách nhiệm thế nào lại không nói tới.

Về chuyện này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM), cũng là chủ tịch HĐND TP.HCM, từng chia sẻ với Tuổi Trẻ: “Tôi có cảm nhận hiện nay “công năng nghe” của người đi nghe dân giống như cái máy ghi âm nhiều hơn: thu âm xong thì phát ra. Còn cơ quan có nhiệm vụ giải quyết thì mình lại không có cơ chế gì để ràng buộc họ thực hiện. Dân nói ai muốn nghe thì nghe, không nghe, không tiếp thu cũng không ai bị gì”.

Hiện nay, hệ thống để lắng nghe người dân đã phủ kín, từ tổ chức Đảng đến các cấp chính quyền, đoàn thể, từ trung ương cho tới khu phố, tổ dân phố. Nhưng cơ chế nào để lắng nghe dân thì chưa rõ ràng. Cơ chế không phải là tạo điều kiện để đi nghe, cử cán bộ mặc đồ đẹp hay xây chỗ nghe dân cho đẹp mà là nghe dân rồi phản ánh lại cho ai, ai tiếp thu, ai xử lý, giải quyết thế nào, phản hồi cho dân ra sao? Rồi phải định rõ ý kiến nào được tiếp thu, ý kiến nào không được tiếp thu, vì sao? Giải quyết tốt những vấn đề này mới gọi là dân chủ.

Và vị chủ tịch HĐND TP.HCM đã nói thật: “Mình nói mình dân chủ - điều đó là đúng rồi vì mình có pháp lệnh và quy chế dân chủ cơ sở, rồi trong Đảng mình cũng nói dân chủ. Nhưng mà cơ chế nào để thực hiện điều đó thì chưa rõ ràng. Nhiều người dân nói với tôi là phản ảnh của họ “một đi không trở lại”. Hội đồng nhân dân có cơ chế giám sát - nhưng Luật giám sát hội đồng nhân dân thì chưa có nên đâu chế tài được”.

Người dân nói với chính quyền không nằm ngoài hai mục đích: góp ý để xây dựng chính quyền và mong muốn chính quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Càng nghe dân nhiều thì càng có lợi cho chính quyền, càng tốt cho chính sách và càng chăm lo được cho dân nhiều hơn.

“Cấp, ngành nào ban hành chính sách không hợp lòng dân, dân đã phản ứng mà không nghe, đến khi ban hành gây thiệt hại cho dân, cho nước thì phải chịu trách nhiệm. Phải có cơ chế rõ ràng về trách nhiệm, về bồi thường thiệt hại cho nhân dân, cho quốc gia. Có thế người làm chính sách mới thận trọng. Như vậy mới công bằng” - đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm dứt khoát.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp