Quang Khải (vai chàng Ba), Như Quỳnh (vai nàng Út) - Ảnh: Nguyễn Lộc |
Đêm đầu tiên lượng khán giả đến rạp không đông (chỉ hơn nửa rạp), nhưng sức hấp dẫn của vở đã níu chân khán giả ở lại đến phút cuối.
Sức lay động của một chuyện tình...
Chuyện tình Khau Vai được xem là vở cải lương phía Bắc đầu tiên thực hiện theo phương thức xã hội hóa. Êkip thực hiện cho biết rất may mắn là những nhà tài trợ yêu thích cải lương thật sự nên không có những đòi hỏi quyền lợi làm ảnh hưởng đến chất lượng nghệ thuật của vở diễn. NSƯT Triệu Trung Kiên cho biết nhờ có khoản tài trợ mà trong lần đầu ra mắt này chủ yếu phục vụ khán giả miễn phí. Anh nói: “Khi bà con đã đón nhận, chúng tôi sẽ mạnh dạn tổ chức bán vé và hi vọng có thể bán vé để không phải làm phiền đến các nhà tài trợ”. |
Chuyện tình Khau Vai lấy cảm hứng từ huyền thoại về chợ tình Khau Vai nổi tiếng hàng trăm năm qua ở Mèo Vạc, Hà Giang. Chàng Ba - một chàng trai người Nùng nghèo khó - yêu nàng Út - con gái cưng của tộc trưởng người Giáy giàu sang.
Không cùng sắc tộc, lại phân chia đẳng cấp sang hèn nên tình yêu của họ vấp phải sự cấm đoán từ dòng tộc. Để sống chết vì tình yêu, đôi tình nhân trẻ cùng nhau trốn lên đỉnh Khau Vai.
Nhưng rồi những cuộc tương tàn đẫm máu của hai dòng tộc buộc họ phải trở về. Và những oan khiên, trớ trêu của cuộc đời đã đẩy câu chuyện tình của họ trở nên bi thương ngất trời mà hàng trăm năm sau người đời còn nhắc nhớ...
Sở hữu một huyền thoại đẹp và buồn, Chuyện tình Khau Vai không chỉ làm tốt phần kể chuyện mà đã thật sự chạm đến trái tim người xem, nhẹ nhưng đau đáu và day dứt.
Thiết kế sân khấu sáng, đẹp, sang trọng khiến bản làng miền núi Tây Bắc hiện lên trong mắt người xem mơ màng sương khói, đẹp nao lòng.
Trang phục được chăm chút cẩn thận, không lấp lánh kim sa mà tỉ mỉ trong từng đường thêu mũi chỉ. Về mặt thị giác, có thể nói vở diễn đã đem đến cho người xem bức tranh đẹp, đầy màu sắc về đời sống của các dân tộc miền núi phía Bắc.
Đảm nhiệm vai diễn chính hầu hết đều là các diễn viên trẻ của đoàn. Quang Khải gây cảm tình với hình ảnh chàng Ba chân chất, hơi có chút khù khờ. Minh Hải - giải ba Chuông vàng vọng cổ năm 2013 - cho thấy tố chất có thể biến hóa trong những dạng vai tính cách khi vào vai Cố Sầu đầy mưu mô, tham vọng.
Đặc biệt, Như Quỳnh (vai nàng Út) ngày càng chứng tỏ sức thuyết phục ở những vai đào thương.
Cô đào trẻ chia sẻ: “Tôi là người dân tộc Cao Lan. Mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng nhưng nhìn chung nếp sống, cách nghĩ cũng rất gần gũi, vì vậy vai diễn nàng Út đối với tôi không quá khó khăn. Mọi người hay đùa tôi cứ đem chính bản thân mình lên sân khấu, không cần diễn nhiều cũng sẽ ra được nhân vật nàng Út”.
Xuất thân là một lợi thế nhưng cách diễn biết tiết chế, không gào khóc bi thương, tinh tế, nhấn nhá đài từ, nước mắt không rơi nhưng giọng nói đầy u uất, nấc nghẹn khiến hình ảnh nàng Út mong manh của Như Quỳnh mang đến nhiều cảm xúc cho người xem.
hần âm nhạc (NSƯT Trọng Đài) đã tạo nên những điểm nhấn đắc địa cho vở diễn. Lời thoại trên kịch bản thơ của tác giả Nguyễn Thế Kỷ giàu chất thơ, văn minh mà không sáo cũng góp phần tạo nên sự tinh tế cho vở.
NSƯT - đạo diễn Triệu Trung Kiên Ảnh: T.T.D. |
Màu sắc mới của dung dị
"Vẫn còn người xem thì tôi vẫn tiếp tục bền lòng với cải lương" |
NSƯT - đạo diễn TRIỆU TRUNG KIÊN |
Đã xem vở diễn đến hai lần, soạn giả Hoàng Song Việt chia sẻ: “Tôi rất thích vở diễn này. Câu chuyện trong vở giản dị, cách dàn dựng và biểu diễn của diễn viên cũng dung dị, mộc mạc nhưng thật sự đem đến cho người xem rất nhiều cảm xúc. Cũng chưa thể gọi vở diễn là đỉnh cao nhưng cách kể câu chuyện tình yêu không lên gân, cường điệu, hết sức mượt mà, tình cảm như thế rõ ràng đã lay động được người xem”.
Chị Cẩm Linh - BTV sân khấu Trung tâm truyền hình cáp HTVC - nhận xét: “Đây là vở diễn đáng xem. Các dân tộc miền núi phía Bắc là đề tài khá lạ trong các kịch bản sân khấu cải lương gần đây nên vở mang màu sắc rất mới. Người ta hay so sánh cải lương phía Nam và phía Bắc, nhưng ở đây tôi không thấy có độ chênh, một phần có lẽ do nhà hát đã chọn đúng bối cảnh miền núi phía Bắc khá gần gũi nên diễn viên có ca cải lương giọng Bắc cũng ít khiến người xem lợn cợn”.
NSƯT Triệu Trung Kiên tâm sự: “Bạn bè hay trêu tôi làm vở này chắc vì thích chợ tình Khau Vai mỗi năm chỉ diễn ra một lần vào ngày 27-3 âm lịch, là nơi mà những người yêu nhau vì lý do gì đó không đến được với nhau có thể gặp nhau để trút bầu tâm sự. Nhưng thật sự ấn tượng với tôi là hình ảnh những người đến chợ một mình, họ ngồi lặng lẽ ở nơi ghi dấu ấn chuyện tình với người yêu đã mất. Khi nhận được kịch bản này tôi rất tò mò về câu chuyện tình yêu mãnh liệt của nàng Út và chàng Ba. Và tôi đã đến với Khau Vai. Nơi đó con người sống trên đá và chết cũng trên đá, nước thì cực thiếu thốn. Nhìn trẻ con nhảy nhót trên đá mà tôi cứ thót tim vì sợ chúng sẩy chân. Và tôi đã hiểu trong điều kiện khắc nghiệt như thế thì tình yêu càng mãnh liệt, tha thiết gấp bội. Nó làm tôi liên tưởng đến Romeo và Juliet, huyền thoại tình yêu nổi tiếng khắp thế giới, trong khi câu chuyện của nàng Út và chàng Ba nhân văn, đẹp và theo tôi là độc đáo hơn tại sao chúng ta lại không giới thiệu rộng rãi cho mọi người biết?”.
“Thương hiệu” Triệu Trung Kiên
Với Chuyện tình Khau Vai, Triệu Trung Kiên một lần nữa ghi dấu ấn của mình vào làng sân khấu cải lương. Kể từ giải B cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc 2007 (vở Dấu ấn giao thời) rồi đến huy chương bạc Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009 (vở Đế đô sóng cả), vừa rồi là giải vàng Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012 (vở Mê cung).
Dù ở màu sắc nào, lịch sử hay xã hội, Kiên đều có cách kể chuyện rất riêng: già dặn và thâm trầm. Vở của anh có thể không tạo sự bùng nổ, không gây nên cơn sốt nhưng âm ỉ như mạch sóng ngầm khiến người xem trăn trở. Cách kể chuyện đó đang dần tạo thành phong cách, “thương hiệu” của Triệu Trung Kiên.
Kiên là con nhà nòi, cha anh nguyên là chủ nhiệm khoa kịch hát dân tộc Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh Hà Nội. Mẹ một thời là đào chánh có tiếng.
Kiên bước lên sân khấu hồi bé tí, lúc mới 2, 3 tuổi. Đoạt khá nhiều giải thưởng nhạc nhẹ nhưng chàng trai ấy lại chỉ mê hát cải lương.
Đi lên từ con đường diễn viên với rất nhiều vai tính cách rồi học đạo diễn, lấy luôn bằng thạc sĩ, có vẻ như anh chàng phó đoàn 1 của Nhà hát cải lương VN mong muốn được hiểu cặn kẽ, thấu đáo về cải lương, được làm cải lương theo một tư duy mới trong một thời đại mới.
Kiên bảo ở nhà anh có rất nhiều sách lịch sử, cứ sách gì dính đến lịch sử là sưu tầm, có khi chưa có thời gian đọc nhưng cứ khuân về, khi có việc sẽ dùng đến. Kiên mê lịch sử nên kịch bản cải lương đầu tay anh viết cũng là đề tài lịch sử (Dấu ấn giao thời).
Kiên thích nhìn lịch sử theo phương diện con người, “đời” nhất và anh đặc biệt trân trọng những nhân vật nữ, bởi họ gắn liền với hình ảnh người mẹ, mà ở thời đại nào dường như phụ nữ cũng chịu thiệt thòi hơn cả.
“Triệu Trung Kiên là người rất đa năng, có khả năng xử lý tốt ở cả ba vai trò: kịch bản - đạo diễn và diễn xuất. Cậu ấy là người chịu khó học hỏi và có tư duy nghệ thuật rất tử tế!” - đó là nhận xét của TS Nguyễn Thị Minh Thái về một con người năng động của sân khấu cải lương hôm nay.
Miệt mài và bền lòng Kịch bản của Kiên ngày càng đắt hàng. Đặc biệt là ở các hội diễn, rất nhiều kịch bản do Kiên viết hoặc chuyển thể được các đoàn tin tưởng sử dụng. Sân khấu cải lương đang hết sức khó khăn nhưng có vẻ Kiên vẫn không nhàn rỗi. Năm 2012 anh cùng diễn viên Quang Khải xây dựng Điểm hẹn đờn ca tài tử - Khoảng trời phương Nam làm nơi ca hát giao lưu đờn ca tài tử của nghệ sĩ hai miền, phục vụ khán giả đất Bắc yêu mến bộ môn cải lương. Cuối năm ngoái, anh và cộng sự cho ra mắt trang web chokich.vn tạo điều kiện cho tác giả cả nước giao dịch, trao đổi kịch bản với những đơn vị có nhu cầu. Ai than vãn cải lương khó khăn, còn anh thì không. Thay vào đó, anh làm việc miệt mài, chăm chút cho từng tác phẩm. Anh nói: “Tôi tin nghệ thuật cải lương đủ sức chinh phục khán giả hiện đại. Tôi làm việc với tâm thức đó và làm hết mình. Khi công diễn Chuyện tình Khau Vai ở phía Bắc, có một lượng khán giả trẻ đến xem, chưa nhiều lắm nhưng họ xem chăm chú. Khi tôi tặng đĩa vở diễn, họ bảo đã xem mấy lần và rất thích. Tôi tin là vẫn còn người trẻ yêu cải lương. Vẫn còn người xem thì tôi tiếp tục bền lòng với cải lương!”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận