Một tập đoàn hàng đầu có thể nhầm lẫn đến như thế? Cơ chế hiện nay cho thấy cần có cơ quan quản lý độc lập, kiểm soát tốt và khách quan hơn...
EVN mua ôtô vượt định mức, làm định mức lao động chưa chính xác, khiến số lao động theo định mức vượt tới trên 50% số lao động thực đang sử dụng... nếu đúng là sai phạm như Thanh tra Chính phủ nêu, sẽ giúp “đánh” giá thành điện lên, tạo điều kiện để EVN “kêu” lỗ, để tăng giá. Chưa hết, trong lúc người dân khó khăn, doanh nghiệp phá sản nhiều do chi phí đầu vào cao, việc EVN và Bộ Công thương đồng ý cho làm biệt thự, bể bơi, sân tennis... rồi đẩy vào mục “khu nhà quản lý, vận hành, sửa chữa”... là phản cảm. EVN tại sao không chủ động thông tin, để khi Thanh tra Chính phủ nêu, dễ khiến người ta thấy EVN chưa minh bạch, không trung thực.
Là tập đoàn lớn, nắm ngành độc quyền, kiểu gì dân cũng phải mua điện, EVN cần phải gương mẫu với vai trò đầu tàu kinh tế. Bộ Công thương với vai trò quản lý ngành, đáng ra cũng phải phát hiện những vấn đề của EVN từ lâu, trước khi các cơ quan khác nhập cuộc. Thế nhưng dù kiểm toán nhiều lần, Bộ Công thương có nhiều cơ quan chức năng để kiểm soát, nhưng đến nay dư luận vẫn phải... giật mình. Hàng loạt câu hỏi mang tính cảnh báo đang được đặt ra cần nghiên cứu, trả lời, đó là: cơ chế kiểm soát các tập đoàn hiện nay có hữu hiệu? Các bộ với các tập đoàn có đủ sự trong sáng, độc lập hay thực chất là trong mối quan hệ “một nhà”? Cơ chế trách nhiệm và xử lý sẽ ra sao khi “phát lộ” câu chuyện như của EVN?
Dù các câu hỏi trên được trả lời thế nào thì điều đầu tiên cần làm là khi thanh tra đã kết luận, cần rà soát loại trừ những khoản tiền EVN đưa vào giá thành, “ăn theo” không đúng, từ đó giảm giá thành điện, giảm gánh nặng cho người dân, nền kinh tế. Ngoài ra, không thể không xem xét trách nhiệm những cá nhân liên quan đến thời kỳ phát sinh sai phạm, tránh đùn đẩy trách nhiệm hay “chìm xuồng” cả. EVN đã có chủ tịch mới, không liên quan đến thời điểm thanh tra năm 2011. EVN cần nhanh chóng xử lý kết luận thanh tra và thông báo kết quả xử lý để người dân biết.
Trong lúc đất nước khó khăn như hiện nay, cũng cần xem lại cơ chế quản lý không để thanh tra phải kết luận những sai phạm tương tự, hay thanh tra kết luận nặng nề, nhưng doanh nghiệp giải thích lại cho là hợp lý. Nhiều cảnh báo của các chuyên gia về giá điện chưa minh bạch nay đã đúng. Vì vậy, cũng cần nghiêm túc xem xét và xúc tiến việc đưa Cục Điều tiết điện lực, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia... tách khỏi Bộ Công thương, thành một cơ quan độc lập, chịu trách nhiệm sòng phẳng về sự giám sát của mình trước pháp luật. Chỉ khi cơ chế quản lý, giám sát hiệu quả, người dân và đất nước mới không bị bất ngờ bởi... chính các doanh nghiệp nhà nước.
____________
Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận