Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Nguyễn Thiện Nhân tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội chiều 3-11 - Ảnh: Việt Dũng |
“Có hai cách tiếp cận. Cách thứ nhất, phải có vốn, có tiền. Coi tiền là tiền đề quan trọng để mua đầu vào nhằm sản xuất, bán hàng, thu lại doanh thu. Quan điểm thứ hai không xuất phát từ tiền mà từ phân tích thị trường, chọn sản phẩm có khả năng tiêu thụ tốt. Từ đó thiết kế sản xuất mua đầu vào, triển khai sản xuất, bán thành phẩm, thu hồi vốn, tái đầu tư” - Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân nói.
Có tiền, dự án thép Thái Nguyên vẫn không hoạt động
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam được “ưu tiên” gấp đôi thời gian của các đại biểu khác để phát biểu về tái cơ cấu kinh tế.
Mở đầu, ông Nhân cho biết đồng tình với các quan điểm, giải pháp mà báo cáo cũng như các đại biểu Quốc hội đã phát biểu trong hai ngày qua. Về phần mình, ông Nhân chỉ “xin bổ sung một số giải pháp” và đặt câu hỏi “cái gì quyết định quá trình tái cơ cấu của DN?”.
Theo ông Nhân, có hai cách tiếp cận. Cách thứ nhất, phải có vốn, có tiền. Coi có tiền là tiền đề quan trọng để mua đầu vào để sản xuất - bán hàng - thu lại doanh thu, có kết quả. Thứ hai, không xuất phát từ tiền mà từ phân tích thị trường, chọn sản phẩm có khả năng tiêu thụ tốt. Từ đó thiết kế sản xuất mua đầu vào, triển khai sản xuất, bán thành phẩm, thu hồi vốn, tái đầu tư.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng: thực tế đã chỉ ra rằng có rất nhiều DN đã tái cơ cấu bằng vốn, đã có tiền nhưng sau đó phá sản.
“Dự án gang thép Thái Nguyên không hề thiếu vốn. Vốn ban đầu là 3.600 tỉ đồng, sau đó nâng lên là 8.000 tỉ đồng nhưng rồi vẫn… không hoạt động hiệu quả”.
Ông Nhân cho rằng phải thay đổi tư duy. Tái cơ cấu, vấn đề không phải bắt nguồn từ việc tiền ở đâu. Mà câu hỏi phải là thị trường ở đâu, sản phẩm ở đâu. Từ đó mới đến người ở đâu, tiền ở đâu và đất ở đâu?
Theo chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN, tái cơ cấu DN khác việc tái cơ cấu một ngành. Tái cơ cấu DN thì chủ DN điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh. Chủ DN phát lệnh thì mọi cấp dưới phải thực hiện và chủ DN vì lợi ích của mình sẽ quan tâm đeo bám việc tái cơ cấu. Nhưng việc tái cơ cấu ngành thì không phải như vậy.
Trong ngành có khâu đột phá và không có ai có quyền ra lệnh cho cả các khâu: từ đầu vào - sản xuất - tiêu thụ. Vì vậy, để tái cơ cấu một ngành cần sự phối hợp của DN ở cả ba khâu: đầu vào, sản xuất và tiêu thụ, xuất khẩu.
“Nhìn lại quá trình tái cơ cấu các ngành vừa qua, chúng ta thiếu khâu hợp tác công tư trong việc phối hợp tái cơ cấu ngành” - ông Nhân nói và theo vị đại biểu này, để tái cơ cấu ngành “cần hợp tác công tư chứ không phải chỉ về vốn”.
Về việc các vùng kinh tế phối hợp kém hiệu quả, ông Nhân lý giải mỗi tỉnh do một tỉnh ủy và UBND tỉnh lãnh đạo, không có ai lãnh đạo chung một vùng. Vì vậy xu hướng là mạnh ai nấy làm. “Để triển khai cơ cấu vùng phải có ba đại diện, phải hợp tác ba bên. Đó là hai sự hợp tác công và một tư. Công đó là chính quyền địa phương và chính quyền trung ương. Một sự hợp tác tư đó là hiệp hội làng nghề, ngành hàng. Ba bên trao đổi với nhau để thuyết phục về lợi ích hợp tác, phối hợp đầu tư và chia sẻ lợi ích phối hợp”.
Vốn lớn nhất chính là con người.
Theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, điều kiện ngân sách công của Việt Nam thời gian tới sẽ không nhiều do nợ công còn cao, mà vốn trong dân thì đã khó. Lợi thế lớn nhất, vốn lớn nhất của Việt Nam chính là con người.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phân tích: năm 1996 Việt Nam có 35 triệu lao động, năm 2016 có 54 triệu lao động (20 năm số lao động tăng 19 triệu người).
“Đây là một tài sản rất quý giá và dự kiến đến năm 2035 chúng ta sẽ có 68 triệu lao động. Đây là lợi thế vô cùng quan trọng, bởi tất cả các nước phát triển đều đang trong quá trình giảm lao động và thiếu lao động vì sinh ít, nên chúng ta có lợi thế lao động trong 30 năm nữa”.
Theo phân tích của ông Nhân, lao động Việt Nam cần cù sáng tạo, trình độ ngày càng nâng cao và đặc biệt là chi phí lao động thấp so với các nước. Bởi vì chi phí lao động luôn luôn tỉ lệ với GDP/đầu người, chừng nào GDP/đầu người của chúng ta còn thấp thì chi phí lao động một giờ còn thấp. Cho nên nếu GDP chúng ta chưa vượt ngưỡng 25.000 USD trong 30 năm tới thì chi phí lao động khó có khả năng cạnh tranh.
Một giờ lao động ngành chế tạo máy hiện nay ở Nhật Bản gấp chúng ta 29 lần; ở Singapore gấp 20 lần, Hàn Quốc gấp 17 lần và Đài Loan gấp 8. Một câu hỏi giản dị là vì sao Samsung vào Việt Nam?Họ có công nghệ, có vốn đầy đủ, họ chỉ thiếu lao động nên họ đầu tư vào Việt Nam.
Từ phân tích này, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng “thời gian tới chúng ta cần coi trọng tối đa việc sử dụng, phát huy vốn lớn nhất của chúng ta chính là con người”.
“Để tái cơ cấu kinh tế cần tái cơ cấu tư duy, phải thay đổi tư duy. Câu hỏi không phải tiền đâu, mà là thị trường ở đâu, làm gì, thế giới đang cần gì. Câu hỏi thứ hai là người ở đâu thì cái này chúng ta đang có và cố gắng làm tốt hơn. Câu hỏi thứ ba có biết công nghệ, làm chủ khoa học công nghệ không thì theo tôi, tuy có hạn chế nhưng người Việt Nam trước thách thức nào cũng vươn lên làm chủ được. Câu hỏi thứ tư vốn ở đâu, đất ở đâu sẽ được giải quyết khi các câu hỏi trên có lời giải” -chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kết luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận