04/03/2014 08:03 GMT+7

Cái chết đau lòng

PHƯƠNG TRÂM
PHƯƠNG TRÂM

TT - Ở một thành phố đất chật người đông như TP.HCM, tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên đến mức dần trở nên bình thường. Ấy thế mà sự kiện người đàn ông 60 tuổi tử vong tại chỗ do bị hàng rào tôn che chắn công trình tại quận 1 lấn, phải đi xuống lòng đường và bị một xe buýt ép chết vẫn làm nhiều người chạnh lòng. Ông chết tức tưởi quá!

Dẫu chưa rõ sự thể thế nào nhưng không ít người liên tưởng ngay đến lỗi của tài xế xe buýt. Tuy nhiên, nếu chỉ truy mỗi trách nhiệm của tài xế thì chưa đủ. Bởi lẽ theo ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 3-3, ở nơi rào chắn công trình, nhiều người đi bộ vẫn phải đi dưới lòng đường chung với các loại phương tiện khác nhau, trong đó có xe buýt. Nhiều tai nạn giao thông xảy ra do các rào chắn công trình hoặc lấn chiếm vỉa hè, hoặc quá cao che khuất tầm nhìn cả tài xế lẫn người đi đường. Có nghĩa là chính việc tổ chức thi công không bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình là “thủ phạm” đầu tiên dẫn đến các sự cố, vì vậy “thủ phạm” đó cũng phải có trách nhiệm tương xứng.

Đây không phải là lần đầu tiên ở TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác xảy ra tai nạn chết người đi đường vì những lý do liên quan đến thi công công trình. Lý do có thể khác nhau nhưng cùng có điểm chung, đó là những cái chết oan uổng. Nói là oan uổng bởi pháp luật đã có những quy định để ngăn chặn, hạn chế những tai nạn thương tâm này xảy ra. Theo điểm g khoản 1 điều 203 Bộ luật hình sự, người có hành vi vi phạm quy định về đảm bảo an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng người khác có thể bị xử lý tội cản trở giao thông đường bộ. Hướng dẫn thêm về hành vi vi phạm này, thông tư liên tịch 09/2013 (của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao) nêu: đó là hành vi không đặt biển báo, rào chắn hoặc đặt biển báo, rào chắn không đúng quy định khi thi công trên đường bộ; không thu dọn ngay các biển báo hiệu, rào chắn, phương tiện thi công, các vật liệu khác hoặc không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng khi thi công xong. Trong Luật giao thông đường bộ, các nghị định của Chính phủ và thông tư của các bộ chức năng đều quy định rõ nhiệm vụ của đơn vị thi công, chủ đầu tư, đơn vị quản lý đường bộ trong việc bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn suốt quá trình thi công nhưng việc tuân thủ vẫn còn hạn chế. Để rồi có nhiều cái chết nhưng không mấy người trong các đơn vị này đứng ra chịu trách nhiệm.

Cứ thế này thì tai họa còn rình rập và không loại trừ còn xảy ra những cái chết đau lòng. Người dân không thể chấp nhận tình trạng này tái diễn. Muốn thế, phải chấm dứt ngay sự bất thường khi chủ đầu tư, đơn vị thi công có thể né trách nhiệm trước những thiệt hại mà họ đã gây ra cho cộng đồng. Trong từng vụ việc đã xảy ra, cần phải quy trách nhiệm, xử nghiêm, rốt ráo. Chỉ có thế, người dân khi ra đường mới có được cảm giác an toàn, tính mạng của họ không còn bị cướp đi bởi sự tắc trách, xem thường pháp luật của các chủ đầu tư, đơn vị thi công...

PHƯƠNG TRÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp