Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2014-2015 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đứng thứ 68/144 nước, thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực Đông Nam Á (Malaysia là 20, Thái Lan là 31, Indonesia là 34).
Một trong những nguyên nhân chính đang kìm hãm chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam là việc gắn kết giữa các cơ quan chính sách và đối tượng chịu tác động (là các cộng đồng doanh nghiệp) chưa cao, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình cải cách thủ tục hành chính.
Theo khảo sát từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cho biết, họ không biết ý kiến phản hồi của mình có được tiếp nhận không, và tiếp nhận như thế nào; trong nhiều văn bản ban hành, các ý kiến này thường “ít xuất hiện”. Các cơ quan Nhà nước thì cho biết, đã tổ chức hội thảo, hội nghị, tổ chức khảo sát lấy ý kiến của các bên liên quan… trước khi ban hành các văn bản.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, khi góp ý về các dự thảo Luật, Nghị định hay Thông tư, đối tượng tham dự góp ý lại là những doanh nghiệp nhỏ, chưa phải đại diện cho số đông cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không chú trọng khâu góp ý, kiến nghị, mà chỉ khi nào các thủ tục hành chính được ban hành và ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp mình thì mới phản ứng.
Hơn nữa, do thời gian lấy ý kiến ngắn, nhiều khi các đơn vị liên quan nhận được văn bản hôm nay, vài ngày sau đã phải trả lời, trong khi có những nội dung đòi hỏi bên tham gia góp ý kiến phải phân tích đánh giá chuyên sâu, có khi mất hàng tuần, hàng tháng. Điều này dẫn tới một hệ lụy tất yếu là một số văn bản ban hành không sát với thực tiễn, gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp.
Các chuyên gia cho rằng, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa khu vực công và khu vực tư thì mới ra được chính sách tốt, thủ tục đơn giản bởi vì “người sản xuất” chính là cơ quan Nhà nước, người hưởng thụ, người đặt hàng chính là các doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải làm thế nào đưa được tiếng nói của mình đến người sản xuất, để làm sao cho cung và cầu gặp nhau.
Ngoài ra, cần phải có cơ quan độc lập đánh giá tác động của các văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành. Với các cơ quan ban hành chính sách cần phải loại bỏ tư duy “một người đau bụng cả làng uống thuốc”, không vì một vài doanh nghiệp hay một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của các văn bản luật, chúng ta lại quay lại điều chỉnh các quy định, điều chỉnh các chính sách làm cho số đông của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận