Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp cho rằng các thủ tục gây phiền hà, cản trở sự phát triển. Trong ảnh: TS Lê Mai Tùng (đứng) cùng các cộng sự trong công ty khởi nghiệp của mình - Ảnh: HỮU THUẬN
Lá thư của doanh nhân Tạ Quyết Thắng đã có tác dụng, khi trong tuần này tổ công tác của Thủ tướng sẽ đến Hải Phòng.
Thuế hoạnh họe và không tin DN
Tiến sĩ Lê Mai Tùng, giám đốc một công ty khởi nghiệp về công nghệ, cho rằng kê khai thuế với (DN) khởi nghiệp là vấn đề hết sức nan giải.
Các DN mới thành lập thu chi rất ít, thậm chí không hề thu chi, nhưng cứ 3 tháng phải làm báo cáo một lần, nếu không sẽ bị phạt. Ba tháng là nhiều vì theo ông Tùng, ở Úc chẳng hạn, mỗi năm chỉ cần một lần và được trễ đến 6 tháng.
"Lẽ ra DN nhỏ, DN khởi nghiệp cần phải được tạo điều kiện để lo phát triển công ty, chứ đây cứ phải lo đối phó với thuế rất "đuối". Trong khi đó, khởi nghiệp thì làm gì có nhân sự chuyên về thuế nên phải đi thuê bên ngoài rất tốn kém" - ông Tùng nói.
Thuê ngoài là phải thêm chi phí, đó là chưa kể có những khoản thu chi quá nhỏ không thể xuất hóa đơn đỏ nhưng ngành thuế vẫn phải yêu cầu, không có thì phạt, mà muốn có thì phải đi mua. Chưa kể năm ngoái công ty này đóng thuế gần 2 tỉ đồng nhưng khi chuyển địa điểm đặt trụ sở, chưa kịp khai báo thì lại bị chi cục thuế dọa liệt kê vào diện "DN bỏ trốn".
Vậy là phải ra "trình diện", giải thích. "Chỉ cần một thao tác kiểm tra trên mạng là ngành thuế biết chúng tôi như thế nào rồi. Vậy mà đằng này họ hoạnh họe, bắt phải giải trình, nhưng họ cũng thật sự không tin mình nữa" - ông Tùng kể.
Ngay cả các thủ tục đăng ký sáng chế, ông Tùng cũng cho rằng như một "hàng rào thép gai" cản trở DN. Ông phải sửa đi sửa lại hồ sơ rất nhiều lần, nhưng mỗi lần cơ quan này chỉ sửa một lỗi, đến khi nộp lên lại chỉ ra lỗi tiếp theo.
"Thay vì họ sửa, chỉ lỗi một lần để tiết kiệm thời gian cho DN thì đằng này họ không làm như vậy, cứ sửa lẻ tẻ làm chúng tôi rất bực mình và đúng là có cảm giác bị "hành".
Do đó chúng tôi không làm nữa và đợt này đăng ký một sáng chế mới phải bỏ tiền 70-120 triệu đồng thuê một công ty luật cho đỡ tốn thời gian cũng như khỏi bị ức chế" - ông Tùng nói.
Cải cách vẫn theo kiểu "ló đầu lòi đuôi"
Ông Đặng Quốc Hùng - phó chủ tịch Hội DN quận 1, TP.HCM - nói rằng thủ tục hành chính tiếng là vẫn cải cách, nhưng thực chất mức độ cải cách thật sự lại không triệt để, vẫn theo kiểu "ló đầu lòi đuôi".
Theo ông Hùng, sở dĩ các DN không dám nói mỗi khi tiếp xúc hay làm việc với cơ quan nhà nước vì "bản chất nằm ở vấn đề nhũng nhiễu là chính".
Đó là lý do mà nhiều quy định được công bố công khai tại các sở ngành nhưng vì sao mọi quy trình vẫn "tắc" chỗ này, "nghẽn" chỗ kia"?
Mấu chốt chính cũng chỉ vì muốn nhũng nhiễu được DN thì phải tạo ra lý do để làm tắc nghẽn, làm chậm đi quá trình lý ra nó phải được liên thông.
"Lấy thí dụ về thủ tục một cửa. Tưởng là vào một cửa sẽ được giải quyết một lần, một lượt, nhưng không phải vậy. Vẫn phải chờ mang qua nơi khác ký tên, qua phòng khác nữa đóng dấu, ghé phòng xa hơn xin ý kiến. Tất cả thời gian cộng lại cho các nơi nhiều khi chờ kết quả từ "một cửa" còn nhiều hơn so với trước" - ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, dù ngành thuế đã có cải thiện, dù giảm bớt số lần báo cáo trong một năm, nhưng bù lại thủ tục hoàn thuế vẫn nhiêu khê, trì trệ dù DN "kêu" khoản này rất dữ.
Thủ tướng yêu cầu kiểm tra vụ việc Tuổi Trẻ nêu
Một cán bộ trong tổ công tác của Thủ tướng cho biết Thủ tướng đã giao cơ quan này kiểm tra vụ doanh nhân Tạ Quyết Thắng ở Hải Phòng viết thư gửi lên Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kể về những đoạn trường khi đi qua các "cửa ải" thủ tục hành chính của DN đăng trên Tuổi Trẻ ngày 8-11.
Theo vị này, ngay trong tuần này, tổ công tác của Thủ tướng sẽ có buổi làm việc với Hải Phòng về những bức xúc của ông Tạ Quyết Thắng nêu và những vấn đề trì trệ trong công tác cải cách thủ tục hành chính ở địa phương, đồng thời đối thoại trực tiếp với DN để nghe những vướng mắc, khó khăn.
"Khi đi làm việc tại địa phương, các lãnh đạo báo cáo rất hay, rất đẹp. Tổ công tác cũng biết nơi này nơi kia còn phiền hà sách nhiễu DN nhưng không có bằng chứng. DN nhiều khi gặp tổ công tác cũng ngại không thẳng thắn nêu ra.
Song rất may là qua báo chí, nhiều DN đã chia sẻ. Và khi DN đã phải đăng đàn nói lên những nỗi khổ của mình trên mặt báo là họ bị dồn đến bước đường cùng rồi, không thể chịu nổi nữa. Họ xác định phải lên tiếng, dù sau đó có bị phá sản cũng chấp nhận. Họ cho rằng có thể họ chết, nhưng vì cái chung phải nói ra để nhiều người khác được sống" - vị cán bộ này chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận