4.500 người da trắng Zimbabwe đã bị mất nhà cửa, trang trại trong giai đoạn đầu của cuộc cải cách ruộng đất - Ảnh: AFP
Cuối cùng, bốn thập kỷ của "Sư tử già" Mugabe cũng đã khép lại, nhưng sự ổn định vẫn còn là điều gì đó mơ hồ ở Zimbabwe.
Trượt dài từ tiềm năng
Năm 1980, Zimbabwe giành được độc lập từ Anh dưới sự dẫn dắt của ông Mugabe. Sở hữu nền tảng cơ sở hạ tầng mạnh mẽ có từ thời thuộc địa, mức độ gắn kết xã hội cao kèm những cam kết cải cách, bình đẳng và tự chủ của chính phủ độc lập, Zimbabwe có đủ tất cả tiềm năng to lớn trở thành quốc gia dẫn dắt châu Phi.
Nhưng viễn cảnh đó đã hoàn toàn biến mất sau 10 năm độc lập, lời hứa khi xưa đã bị gió cuốn bay đi đâu mất. Căng thẳng sắc tộc, chủng tộc lại một lần nữa bùng phát, chủ yếu quanh chuyện ruộng đất tập trung vào tay người da trắng. Ông Mugabe bắt đầu trượt dài và ngày càng rời xa các giá trị cốt lõi ban đầu khi bước lên đỉnh cao quyền lực năm 1987.
Năm 1999, nền kinh tế Zimbabwe bắt đầu chứng kiến những dấu hiệu của sự sụp đổ với mức độ và tốc độ chưa từng có tiền lệ. Hàng loạt nhân tố được đem ra mổ xẻ, nhưng nguyên nhân trực tiếp đến từ một quyết định năm 1997 của ông Mugabe.
Bất chấp tình hình tài chính khó khăn, tổng thống Mugabe vẫn ưu ái những khoản tiền không nhỏ cho các cựu chiến binh, những người đã đấu tranh giành độc lập cho Zimbabwe, như một cách để mua sự trung thành và ủng hộ cho cuộc bầu cử một năm sau đó.
Mọi thứ ngày càng vượt quá tầm kiểm soát khi ông Mugabe tiếp tục đẩy Zimbabwe vào cuộc nội chiến Congo lần hai (1998-2002).
Ông Robert Mugabe tại một cuộc họp của Đảng cầm quyền ZANU-PF tháng 11-2017 - Ảnh: AFP
Hết tiền, ông Mugabe đi tới quyết định đã đi ngược lại chính lời hứa hòa giải hòa hợp dân tộc của ông trước đó: tịch thu ruộng đất của người da trắng rồi phân phát lại cho các cựu chiến binh, người da đen.
Với Thỏa thuận Lancaster, được cả Anh và ông Mugabe đồng ý năm 1979, người da trắng tại Zimbabwe sẽ được phép giữ lại ruộng đất của họ ít nhất 10 năm sau khi đất nước này độc lập. Chính phủ Anh sẵn sàng trả tiền cho chính quyền Mugabe để mua lại các trang trại của những người da trắng ở Zimbabwe, tất nhiên, với điều kiện nó phải dựa trên nguyên tắc thuận mua vừa bán và theo giá thị trường. Những trang trại này sau đó sẽ được phân phát lại cho nông dân da đen, như một cách để giảm bớt căng thẳng sắc tộc.
"Anh có tiền, tôi có đất, huề cả làng" - nước Anh rõ ràng đã thấy trước sự bất mãn tiềm ẩn của giới chủ da trắng và cảm giác bất công đang ngày càng tăng của người da đen Zimbabwe.
Quá trình phân phát ruộng đất đã diễn ra khá suôn sẻ trong vài năm đầu. Nước Mỹ thậm chí còn tham gia khi hỗ trợ máy kéo, máy cày và các trang thiết bị nông nghiệp khác cho Zimbabwe.
Tổng cộng 44 triệu bảng Anh đã được nước Anh chi trả giúp Zimbabwe trong suốt những năm 1980. Mọi chuyện chấm dứt vào năm 1989 khi người ta phát hiện ra các quan chức Zimbabwe đã dùng khoảng 3,5 triệu bảng Anh để mua lại một số trang trại làm của riêng. Năm 1991, Thỏa thuận Lancaster hết hiệu lực nhưng nguyên tắc "thuận mua vừa bán" vẫn được duy trì.
Người dân Zimbabwe ở thủ đô Harare xuống đường ngày 21-11 đòi ông Mugabe từ chức - Ảnh: AFP
Thảm họa từ cải cách ruộng đất
Harare một ngày tháng 1-1998, đường phố đầy cảnh sát và người biểu tình. Các cuộc bạo động đã xảy ra, máu đã đổ, hàng chục người bị giết, người dân Zimbabwe bàng hoàng trước thực tế vô luật pháp, vô kỷ cương của đất nước.
Năm đó chính quyền Mugabe quyết định tăng giá các mặt hàng nhu yếu phẩm như một cách để tìm kiếm sự bù đắp cho sự dính líu quân sự vào Congo.
Vấn đề ruộng đất tiếp tục trở thành trọng tâm chú ý. Trong khi ông Mugabe nhấn mạnh đất nước của ông sẽ chỉ phát triển nếu ruộng đất được phân chia một cách công bằng, cộng đồng quốc tế tiếp tục nhắc lại tinh thần trong Thỏa thuận Lancaster, đồng thời cảnh báo nguy cơ bất ổn song vẫn tiếp tục hỗ trợ tiến trình phân phát.
Tới đầu năm 2000, thất bại đã trở nên hiển hiện. Các cựu chiến binh và nông dân da đen bắt đầu gây áp lực. Đụng độ giữa nhóm người này với những ông chủ trang trại da trắng đã xảy ra, nhà cửa của người da trắng bị phá hủy, các trang trại bị tiếp quản một cách bạo lực và vô kỷ cương.
Tháng 6-2000, chính quyền Mugabe đi đến hành động dẫn tới sự quay lưng của một loạt các nước phương Tây. Ông Mugabe thúc đẩy kêu gọi tiếp quản một cách nhanh chóng và phân chia lại toàn bộ 70% các trang trại tốt nhất của Zimbabwe, lúc này đang nằm trong tay người da trắng.
"Nếu họ muốn có đất, họ phải trả tiền cho tôi trước" - một ông chủ da trắng nói với đài BBC. Tất nhiên, không hề có một khoản bồi thường nào cho giới chủ da trắng như trước đó 10 năm.
Phần lớn đất đai bị tịch thu được giao cho những nông dân da đen thiếu kinh nghiệm về hoạt động nông nghiệp hiện đại, nhiều người trong số họ được lựa chọn trên cơ sở mối quan hệ của họ với ông Mugabe và đảng của ông - Đảng ZANU-PF.
Các trang trại của Zimbabwe, đến lúc đó vẫn là điều ao ước của khu vực và là nguồn lực chính cho doanh thu xuất khẩu của nước này, bất ngờ trở nên sa sút và đã khiến toàn bộ nền kinh tế bị sốc.
Người nghèo bán hàng rong trên đường phố thủ đô Harare vui mừng khi hay tin ông Mugabe chấp nhận từ chức vào ngày 21-11 - Ảnh: REUTERS
Ngân hàng trung ương của ông Mugabe bắt đầu in tiền nhanh hơn để trả nợ và bồi thường cho các cựu chiến binh - những người vừa trở về từ Congo, và để bù đắp mức giá cao hơn gây ra bởi sự thất bại của các trang trại.
Tháng 11-2016, ngân hàng trung ương của chính quyền Mugabe bắt đầu in một loại giấy bạc mới dưới hình thức "tiền trái phiếu" và tuyên bố nó có giá trị ngang đồng đôla Mỹ. Và để bảo vệ đồng tiền mới, tháng 10-2017, chính quyền Mugabe quyết định cấm nhập khẩu các loại rau củ...
Người dân Zimbabwe lại đổ xô và xếp hàng để rút tiền mặt tại các ngân hàng, điều họ đã quá quen dưới thời Mugabe.
Cuộc cải cách ruộng đất đã đẩy nền kinh tế rơi vào tình trạng siêu lạm phát chưa từng thấy ở bất kỳ đâu trên thế giới suốt 8 năm. Các tờ tiền của Zimbabwe dày đặc những con số 0 và chỉ được bỏ bớt 12 số vào năm 2009, khi chính quyền Mugabe cho phép người dân sử dụng các đồng tiền ngoại tệ trong giao dịch, bao gồm cả đồng đôla Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận