Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương - Ảnh: TTXVN |
“Lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương phải vượt qua lợi ích cục bộ, vượt qua tư duy nhiệm kỳ... thì mới thực hiện thành công nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế |
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng |
Chính phủ sẽ áp chỉ tiêu cải cách, nhất là với ngành thuế, cấp phép xây dựng...
Đó là những nội dung chính tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với lãnh đạo 63 tỉnh, TP (ngày 28-12).
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương thời gian qua có bí thư tỉnh ủy bỏ tiền túi uống cà phê với doanh nghiệp (DN), có chủ tịch tỉnh dành thời gian cuối tuần đi thực tế để lắng nghe ý kiến người dân...
Cải tiến nhiều nhưng thứ hạng vẫn thấp
Trình bày báo cáo tình hình thực hiện nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2016-2017..., Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói thẳng: hiện một loạt chỉ số về môi trường kinh doanh của VN chỉ được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng trung bình và dưới trung bình, chỉ số tốt nhất cũng đứng khoảng thứ 60, không ít chỉ số đứng thứ 116-120 (WB đánh giá 189-190 nền kinh tế, tùy năm - PV).
“Thuế, bảo hiểm dù đã cải tiến rất nhiều nhưng vẫn đứng thứ 167; giải quyết tranh chấp, phá sản xếp thứ 125... Hiện nay chúng ta ở vị trí 82 (tổng hợp các chỉ số)” - ông Đam nói và nêu để “bằng vai” về môi trường kinh doanh với nhóm 4 nước phát triển nhất trong ASEAN thì VN phải đứng thứ 43.
Nói về ý nghĩa của việc đổi mới tư duy quản lý, cải cách thủ tục hành chính, ông Đam nêu ví dụ Bộ Công thương chỉ cần bãi bỏ các quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyde trong vải, thủ tục khai báo hóa chất đã tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng cho DN.
Ông Đam thông tin tới đây Bộ Công thương cũng sẽ sửa đổi quy định về dán nhãn năng lượng vốn gây tốn kém rất lớn về thời gian, chi phí cho DN...
TP.HCM dành 1.000 tỉ hỗ trợ khởi nghiệp
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết đến nay TP đã ban hành danh mục 37 chương trình, đề án cụ thể để thực hiện nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ, phát triển DN, đồng thời tiến hành nhiều hoạt động thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.
“TP đã bố trí gói tín dụng 1.000 tỉ đồng từ ngân sách để hỗ trợ khởi nghiệp, ưu tiên cho các DN trẻ, hỗ trợ đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ thông tin, tổ chức các câu lạc bộ khởi nghiệp” - ông Phong nói và cho biết cùng việc đối thoại với DN, TP.HCM phấn đấu đến năm 2020 có 500.000 DN, trong đó năm 2017 có 50.000 DN mới.
Phát biểu sau đó, lãnh đạo nhiều địa phương đề nghị tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, như: Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái đề nghị sớm triển khai xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, kéo dài tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên đến Đồng Nai; Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh kiến nghị Chính phủ cho xây dựng đường băng số 2 sân bay Cam Ranh...
Đồ họa: VĨ CƯỜNG |
Sẽ tiếp tục áp mục tiêu cải cách
Để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh năm 2017, ông Vũ Đức Đam công bố dự thảo nghị quyết Chính phủ với trên 250 nhóm giải pháp, giao cho từng bộ ngành, địa phương, trong đó “áp” mục tiêu cụ thể: khởi sự kinh doanh từ vị trí 121 (mục tiêu phải lên thứ 60), thủ tục cấp phép xây dựng từ 166 ngày có thể rút ngắn thêm 30 ngày, thời gian giải quyết tranh chấp từ 400 ngày còn 300 ngày...
Nhấn mạnh khâu tổ chức thực hiện cần phải được chú trọng mới đạt được mục tiêu, ông Đam phân tích: “Về thuế, chúng ta cải cách cơ bản trên văn bản nhưng thực thi còn khoảng cách. Hay trong khởi sự kinh doanh, đăng ký doanh nghiệp theo văn bản quy định 3 ngày nhưng khảo sát thực tế ở địa phương lại lên đến 5 ngày. Rõ ràng mức độ vào cuộc của các bộ ngành, địa phương còn khác nhau”.
Nêu “chuyện rất thật” là DN bức xúc nhưng ngại kiến nghị vì sợ lộ danh tính, bị định kiến của cán bộ, ông Đam lưu ý cần có cơ chế tiếp thu kiến nghị nhưng giữ kín danh tính cho DN. Ông cũng cho rằng để thực hiện mục tiêu quốc gia khởi nghiệp, VN cần nâng tỉ lệ DN khởi nghiệp sáng tạo từ 0,5% hiện nay lên 5-10% tổng số DN.
Muốn như vậy phải thực hiện tốt cơ chế hỗ trợ tối đa về hạ tầng công nghệ, truyền thông, thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm...
Hạn chế chính sách tăng chi, giảm thu
Về năm 2017, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trình bày tóm tắt dự thảo nghị quyết của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh mục tiêu năm tới tăng GDP 6,7%, lạm phát không quá 4%.
Đáng lưu ý, dự thảo nghị quyết yêu cầu các bộ hạn chế tối đa ban hành chính sách giảm thu (trừ những cam kết quốc tế), hạn chế ban hành chính sách tăng chi.
Theo ông Huệ, tiết kiệm chi ngân sách là quốc sách, sẽ chi trong khả năng thu, vay trong khả năng trả. Nghị quyết cũng yêu cầu tập trung hỗ trợ tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ...
“Khâu yếu nhất của chúng ta là tổ chức thực hiện, vì vậy lần này nghị quyết giao rất kỹ. Trong tháng 1-2017 các bộ ngành, địa phương phải ban hành kế hoạch hành động” - ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Ông John Nguyễn (giám đốc Văn phòng Asmara VN): Doanh nghiệp “mừng muốn chết”, nhưng... Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có nêu chuyện bỏ thông tư 37 quy định về việc kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm đối với sản phẩm dệt may giúp giảm chi phí. Cái đó đúng. Riêng DN tôi có thể tiết kiệm được khoảng 10 triệu đồng/ngày cho khâu kiểm định. Tuy nhiên, vui với thông tư 37 chưa được bao lâu, nay DN lại bị “hành” chuyện khác. Cụ thể, lúc trước khi nhập các loại vải để làm công tác thiết kế mẫu, chúng tôi không bị thu phí gì cả. Nhưng bây giờ hải quan lại áp giá đối với các loại vải mẫu này với mức giá rất tùy tiện, từ 5-7 USD/m, hoặc thấp hơn, khiến chúng tôi không biết phải làm sao. Chẳng lẽ mỗi lần nhập vải mẫu về là mỗi lần “kèn cựa” với hải quan về chi phí vô lý này thì còn đâu thời gian để làm việc nữa... Ông Phạm Xuân Hồng (chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM): Xử lý cán bộ ký văn bản làm khó doanh nghiệp Quy định của thông tư 37 (trước kia là thông tư 32 do Bộ Công thương ban hành) không chỉ gây tốn tiền, làm tăng chi phí DN mà còn làm giảm khả năng cạnh tranh của DN khi phải mất thời gian để chờ đợi việc kiểm định. Hội Dệt may thêu đan TP chưa thể thống kê chính xác được tổng lượng tiền mà ngành dệt may sẽ tiết kiệm được từ khi dỡ bỏ thông tư 37, nhưng chắc chắn đó sẽ là con số không nhỏ. Những chi phí cơ hội mất đi do mất thời gian chờ đợi kiểm nghiệm thì ai bù đắp lại được cho DN? Tôi đề nghị các bộ, ngành khi ban hành thủ tục hành chính phải nghĩ đến lợi ích của quốc gia, của DN. Đồng thời, cần có cơ chế xử lý thật nghiêm đối với những người ký quyết định gây trở ngại hoặc ảnh hưởng to lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận