16/10/2014 14:39 GMT+7

​Cái bóng của lãng phí

CÙ TẤT DŨNG (Ban Nội chính trung ương)
CÙ TẤT DŨNG (Ban Nội chính trung ương)

TT - Lãng phí xảy ra rất nhiều và gây thiệt hại nặng nhưng chưa có một đơn vị, tổ chức, cá nhân nào bị xử lý vì tội “lãng phí” cả.

Ụ nổi 83M trị giá 9 triệu USD của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) với nhiều vị trí bị gỉ sét (ảnh chụp trên sông Thị Vải, Đồng Nai tháng 12-2013) - Ảnh: Hà Mi

Ngày 1-11 tới đây, nghị định số 84/2014 quy định chi tiết một số điều của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sẽ có hiệu lực. Theo đó, khi để xảy ra lãng phí, người đứng đầu cơ quan không những bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức mà còn phải bồi thường thiệt hại.

Nếu như tham nhũng đã được xác định là “quốc nạn” và đã nhiều trường hợp bị xử lý thì lãng phí dù xảy ra rất nhiều và gây thiệt hại nặng nhưng chưa có một đơn vị, tổ chức, cá nhân nào bị xử lý vì tội “lãng phí” cả.

Lãng phí gắn liền tham nhũng

Báo cáo trước Quốc hội ngày 4-11-2013, ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội, nhìn nhận dù 2013 là năm khó khăn của nền kinh tế, nhưng thẩm tra việc thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thấy lãng phí vẫn không giảm, thể hiện chủ yếu ở bảy lĩnh vực. Trong đó dẫn đầu là lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tiếp theo là lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

Ngoài ra, lãng phí còn thể hiện ở việc sử dụng tài sản công hiệu quả thấp, quản lý và sử dụng vốn và tài sản của doanh nghiệp nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu, vi phạm trong khai thác tài nguyên khoáng sản, quản lý sử dụng đất...

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng (tháng 5-2014), tham nhũng tập trung vào một số lĩnh vực nhạy cảm như: quản lý sử dụng đất đai; xây dựng cơ bản; tài nguyên, khoáng sản; thuế, hải quan; cấp phép đầu tư; quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước; tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ; thực hiện các chính sách xã hội...

Qua hai báo cáo, có thể thấy ở một số lĩnh vực - đặc biệt là lĩnh vực có sử dụng ngân sách nhà nước - tham nhũng, lãng phí như bóng với hình, như hai người bạn đồng hành, thân thiết đi trên cùng một con đường.

Ở nhiều nơi, trong nhiều lĩnh vực, lãng phí để có điều kiện tham nhũng. Hay nói cách khác, có tham nhũng mới phát sinh lãng phí. Vì vậy, gần đây khi nói đến tham nhũng là người ta nhắc tới lãng phí.

Bên lề phiên họp Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (tháng 5-2013), đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cũng cho rằng căn bệnh lãng phí luôn gắn liền với tham nhũng: “Người ta lãng phí để chi cho tham nhũng. Giờ ở ta ai cũng nói, ai cũng biết là làm gì cũng phải có phần trăm trong đó cả”.

Đã có thuốc trị?

Thực tế cho thấy hiện tượng lãng phí xảy ra trầm trọng ở các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước hơn là ở khối tư nhân. Đơn giản và dễ hiểu là tiêu tiền “chùa” bao giờ cũng xông xênh, thoải mái hơn tiêu tiền nhà.

Chính vì thế nhiều địa phương, bộ, ngành đua nhau xây dựng đề án, dự án để xin tiền nhà nước và khi có tiền ngân sách là phải tiêu cho bằng hết, trong đó có nhiều đề án thật sự không mang lại lợi ích hoặc mang lại lợi ích rất thấp nhưng với mục đích chỉ là để... tiêu tiền mà không cần biết có mang lại hiệu quả hay không.

Chỉ bằng mắt thường, qua giám sát của người dân sẽ chỉ ra ngay thực tế của sự lãng phí: đã có biết bao con đường làm xong chưa được bao lâu đã hư hỏng. Hàng trăm dự án bất động sản, khu công nghiệp, sân golf, hàng ngàn căn biệt thự nằm trên đất “bờ xôi, ruộng mật” để bỏ hoang trong khi nông dân không có đất canh tác. Nhiều hạng mục công trình, nhiều dự án đầu tư xây xong, sử dụng một thời gian ngắn rồi bỏ, có công trình đầu tư chưa sử dụng ngày nào cũng bỏ hoặc hư hỏng. Nhiều máy móc bỏ ra cả đống tiền mua về, vừa sử dụng đã phải cho “đắp chiếu” rồi bán thanh lý với giá đồng nát. Hàng chục ngàn nhà văn hóa nhưng phần lớn thời gian cửa đóng then cài mà người dân gọi là “nhà văn khóa” bởi mỗi năm chỉ mở cửa một đôi lần...

Dư luận từng đặt ra nhiều câu hỏi vì sao con đường làm xong chưa được bao lâu đã hư hỏng? Có người bảo do thiếu tiền nên chỉ làm được vậy. Lại có người nói đường làm chóng hỏng mới có cơ hội làm lại, chứ làm tốt quá lấy đâu ra việc mà làm, lấy gì mà “ăn”. Dư luận cũng nhiều lần hỏi máy móc nước ngoài đã thanh loại coi là đồ phế thải, nhưng sao các đơn vị chuyên ngành vẫn bỏ tiền tỉ nhập về để rồi phải bán giá đồng nát? Lý giải vẫn là: không phải người mua không biết, nhưng vì mua những thứ ấy họ ăn chênh lệch nhiều hơn là mua mới...

Tại phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xem xét kết quả của kỳ họp thứ 5 và chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét: Tiết kiệm, chống lãng phí còn dễ làm hơn là chống tham nhũng. Tham nhũng thì không lộ ra mà nó lẩn, biết đấy nhưng không bắt được, chứ lãng phí thì lộ ra ngay, không giấu được và chắc chắn sẽ trị được.

Tuy khó nhưng nhiều tội phạm tham nhũng đã bị phát hiện và xét xử nghiêm minh, nhưng chưa có một đơn vị, tổ chức, cá nhân nào bị xử lý vì tội “lãng phí” cả. Phải chăng vì chưa có chế tài đủ mạnh, pháp luật xử lý lãng phí chưa cụ thể, rõ ràng nên lãng phí còn tràn lan? Và cứ có tiền ngân sách là phải tiêu cho bằng hết, bất kể có mang lại hiệu quả hay không, vì “tiền chùa mà”!

Nghị định số 84/2014 quy định chi tiết một số điều của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sắp có hiệu lực. Đây có phải cái khóa để giữ “cửa chùa” được chắc chắn, để “tiền chùa” không bị những kẻ gian, tham bòn rút?

Gây tổn thất lớn

Hai hành vi tham nhũng và lãng phí đều gây ra những tổn thất lớn cho xã hội và đều cần phải lên án, đấu tranh mạnh mẽ. Do tham nhũng, người ta có thể có những việc làm gây cho xã hội những tổn thất lớn hơn số tiền họ tham nhũng rất nhiều lần.

“Một tiền gà, ba tiền thóc” nghe mà thấy xót, nhưng để tham nhũng, tư lợi người ta sẵn sàng bỏ “mười tiền thóc” để có “một tiền gà”, miễn con gà đó là của mình.

Trước những hậu quả nghiêm trọng mà tham nhũng gây ra, Đảng, Nhà nước đã xác định tham nhũng là “quốc nạn”, là “giặc nội”. Vậy thì cũng cần chỉ mặt đặt tên cho lãng phí bằng những từ tương xứng và có giải pháp xử lý kiên quyết”.

CÙ TẤT DŨNG (Ban Nội chính trung ương)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp