Có lẽ cô không nhận ra tôi, và vì sợ cô ái ngại nên tôi cũng giả vờ như không thấy, vội vã bước qua. Khi thấy học sinh trong trường, cô vội lấy nón che và quay mặt đi.
Hôm ấy tôi về bảo con: “Cô Khang dạy toán của con thật sự là một cô giáo có tấm lòng”. Con tôi cũng bảo: “Cô không bao giờ nhận tiền dạy thêm của bạn nào đâu mẹ ạ. Con nghe mấy bạn trong lớp nói cô thường kiếm việc làm thêm về nhà, cả bán rau ngoài chợ nữa đấy mẹ”. Tôi ậm ừ cho qua, nghĩ đến hình ảnh của cô giáo, tự nhiên tôi có một cảm giác rưng rưng.
Thú thực, từ khi con gái bước chân vào lớp 1, tôi luôn chuẩn bị nhiều chiếc phong bì để con tặng thầy cô những dịp lễ trong năm. Thế nên khi con lên cấp II, tôi vẫn giữ nguyên nếp suy nghĩ như vậy. Có lẽ tôi cũng như nhiều phụ huynh khác đều xem tặng quà cáp để lấy lòng thầy cô.
Tôi đã từng nghĩ thầy cô sẽ khó lòng từ chối. Nhưng khi gặp cô Khang dạy môn toán, cô đã khiến tôi ngỡ ngàng. Cô nhẹ nhàng, lịch sự từ chối chiếc phong bì với lời nhắn nhủ: “Tôi biết phụ huynh luôn dành yêu thương cho thầy cô. Tôi xin nhận tấm lòng của anh chị và xin gửi lại chiếc phong bì để anh chị mua sách bút cho các em”.
Có lần con gái nói rằng nhà cô Khang rất nghèo, cái bếp gas thi thoảng lại trục trặc. Con bàn với mẹ sẽ mua tặng cô cái bếp gas trong dịp 20-11 chứ không tặng phong bì, bởi vì có tặng tiền cô cũng không nhận. Nhưng cô đã từ chối món quà đó, và tôi nhận ra sự đền đáp tinh thần cho cô bằng vật chất không phải là cách làm hay và ý nghĩa như lâu nay tôi vẫn nghĩ.
Phụ huynh chỉ nghĩ đơn giản rằng cứ tặng quà to, phong bì nặng tay là yên tâm, là thầy cô sẽ thương yêu con mình. Nhưng đằng sau đấy, việc phụ huynh quá “sòng phẳng” với chuyện “trao đổi tình cảm” như vậy đã khiến con cái chúng ta không biết thành kính, biết ơn thầy cô.
Đừng bao giờ mua lòng thầy cô chân chính bằng những món tiền, bằng những chiếc phong bì vô cảm. Đó sẽ là nỗi đau và sự tổn thương không nhỏ với người thầy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận