Tàu chiến Nga bắn tên lửa hành trình vào các vị trí của IS ở Syria - Ảnh: WSJ |
Theo báo Wall Street Journal, một số chiến lược gia quân sự phương Tây đề xuất các nước triển khai 40.000 bộ binh tới Syria tấn công IS với sự hỗ trợ của chiến dịch không kích. Họ ước tính chỉ hai tháng giao tranh là IS sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn.
Vấn đề là sẽ phải làm gì với các vùng lãnh thổ được giải phóng khỏi ách thống trị của IS. Với kinh nghiệm đau thương từ chiến trường Afghanistan và Iraq, đó là nhiệm vụ không lãnh đạo phương Tây nào mong muốn. Và nhiều quan chức lo ngại một cuộc tổng tấn công quân sự sẽ chỉ giúp IS quảng bá hình ảnh phương Tây chiếm đất của người Ả Rập.
Thế giới xoay sở, chật vật chống IS
Qua đó IS sẽ thu hút thêm hàng chục nghìn phần tử cực đoan khắp thế giới. “Lao vào một cuộc chiến trên bộ với chúng là một cái bẫy” - một quan chức Pháp khẳng định.
Các giải pháp khác đều khá hạn chế. Sau hơn một năm không kích ở Iraq và Syria, IS vẫn đang sống khỏe và thậm chí bắt đầu tổ chức các vụ khủng bố ở nước ngoài.
Các nước phương Tây đang phát triển một số chiến lược riêng chống IS. Pháp tăng cường không kích và điều tàu sân bay Charles de Gaulle chở 24 máy bay chiến đấu tới Địa Trung Hải.
Mỹ gia tăng hỗ trợ cho các lực lượng người Kurd chống IS ở Syria và Iraq. Washington cũng đang tính lập một căn cứ ở Iraq để tổ chức không kích các thủ lĩnh IS.
WSJ dẫn lời cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ Derek Chollet cho biết Mỹ có thể điều lực lượng đặc nhiệm tới Syria để điều phối các đợt không kích. Và các chuyên gia cho rằng IS đang tỏ tham vọng quá tầm của chúng. IS không chỉ gây chiến ở Trung Đông mà còn tấn công khủng bố Nga và Pháp, mới đây hành quyết con tin Trung Quốc.
“Xét từ quan điểm chiến lược IS đang mắc sai lầm” - chuyên gia Michael Clarke thuộc tổ chức nghiên cứu quốc phòng Royal United Services Institute ở Anh nhận định.
Vụ tấn công Paris và vụ đánh bom máy bay Nga đã mở ra cơ hội lập liên minh giữa Nga và phương Tây, dù Mỹ và châu Âu còn khúc mắc với Nga về vấn đề Ukraine và số phận Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Một số quan chức ngoại giao châu Âu tiết lộ cả hai bên đều tỏ dấu hiệu muốn nhượng bộ với quyết tâm tiêu diệt IS.
Chặn dòng tiền và hoạt động tuyên truyền
Phần lớn sức mạnh của IS đến từ những vùng lãnh thổ rộng lớn chúng kiểm soát ở Syria và Iraq, tạo ra nguồn tài chính dồi dào từ dầu mỏ, thuế, tiền bảo kê…
Không giống Al-Qaeda, IS có thể tự nuôi sống mình. IS không dựa vào hệ thống tài chính toàn cầu, do đó khó bị triệt đường tài chính. Thời gian qua, Mỹ liên tục không kích các cơ sở dầu khí của IS ở Syria, nhưng IS vẫn sửa chữa lại được.
Các quan chức Mỹ cho biết chỉ muốn làm hư hại chứ không phá hủy hoàn toàn các cơ sở dầu khí này vì như vậy sẽ hủy diệt hạ tầng kinh tế của Syria và Iraq, khiến khả năng phục hồi kinh tế của hai nước này vô cùng khó khăn.
Mới đây Bộ Quốc phòng Mỹ chuyển hướng sang bắn phá hơn 116 xe chở dầu của IS ở thành phố Deir Ezzour tại Syria. Nga cũng bắt đầu tấn công các xe chở dầu của IS.
Nhiệm vụ cũng cực kỳ quan trọng là chống IS trên mạng. Trong thời gian qua, IS sử dụng mạng xã hội cực kỳ hiệu quả để tuyên truyền và lôi kéo các phần tử cực đoan khắp thế giới.
Các quan chức Mỹ và châu Âu thừa nhận chưa chống bộ máy tuyên truyền của IS một cách hiệu quả. Một số chuyên gia đề xuất tổ chức tấn công mạng để đẩy IS ra khỏi Internet, chặn khả năng tải video và dùng mạng xã hội.
Một số quan chức quân sự Mỹ tiết lộ quân đội Mỹ có đủ vũ khí chiến tranh mạng để tấn công IS, nhưng lo ngại quân đội Trung Quốc và Nga có thể phát hiện ra các bí mật chiến tranh mạng của Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng gây sức ép buộc mạng xã hội Twitter đóng cửa các tài khoản do thành viên IS mở.
Không thể sớm đánh bại IS Trả lời phỏng vấn báo Le Journal du Dimanche, ông Pierre de Villiers, tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Pháp, khẳng định: “Trước mắt sẽ không thể có chiến thắng quân sự trước IS. Người dân đòi hỏi chiến thắng tức thời nhưng trong quân sự, chúng tôi sử dụng những biện pháp lâu dài. Chúng ta phải biết rằng chỉ có thể giải quyết xung đột ở Syria bằng các kênh chính trị và ngoại giao”. Ngày 24-11 tới Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ đến Washington để gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama. Sau đó ông sẽ qua Matxcơva gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin. Mục tiêu là thảo luận phương án hợp tác quân sự chống IS. Ông de Villiers cho biết ở thời điểm hiện tại Pháp chưa phối hợp với Nga để không kích IS. Mới đây, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẽ tham gia cuộc chiến chống IS sau vụ con tin Fan Jinghui, 50 tuổi, một doanh nhân ở Bắc Kinh, bị đao phủ IS hành quyết. “Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế, cương quyết trấn áp các chiến dịch khủng bố bạo lực” -ông Tập cho biết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận