05/01/2025 10:00 GMT+7

Cách nào trị thói côn đồ trên đường?

Sự chung tay của cộng đồng trừng trị thói côn đồ không nên dừng lại ở việc ghi hình hay cung cấp thông tin.

Cộng đồng chung tay dẹp bỏ thói côn đồ - Ảnh 1.

Liên tục tát, đấm, thậm chí đạp cô gái sau va chạm trên đường ở quận 4, TP.HCM tháng 12-2024 - Ảnh: Cắt từ clip

Trong những ngày cuối năm cũ đầu năm mới, tại nhiều nơi đã xảy ra hàng loạt vụ bạo lực giữa đường, từ tấn công tài xế xe công nghệ đến đánh người sau va chạm giao thông.

Sau khi va quẹt giao thông tại Bến Cát (Bình Dương), một nạn nhân bị đánh đập tới tấp dẫn đến dập não phải đi cấp cứu tại bệnh viện và nay đã qua đời. 

Những sự kiện này không chỉ gây phẫn nộ trong dư luận, mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề thói côn đồ và xu hướng bạo lực trong giao thông.

Vì sao thói côn đồ ngang nhiên diễn ra?

Giữa những hành động đáng lên án đó, chúng ta đã chứng kiến sự can thiệp kịp thời của cơ quan chức năng và tinh thần trách nhiệm từ cộng đồng trong việc ghi hình, cung cấp bằng chứng, cũng như hỗ trợ xử lý các vụ việc. 

Để giải quyết triệt để thói côn đồ trong xã hội, rõ ràng cách mà các vụ việc vừa qua đi đến hồi kết thích đáng cho thấy cần có sự chung tay từ nhiều phía, với cách tiếp cận đa chiều và toàn diện hơn.

Bạo lực công khai, hay thói côn đồ, là một biểu hiện tiêu cực của những mặt bất cập khó tránh khỏi trong mọi xã hội. 

Những vụ việc gần đây, đỉnh điểm là vụ đánh người dã man sau va chạm giao thông ở Bình Dương, đều diễn ra nơi công cộng và trong sự chứng kiến của nhiều người. 

Điều này đặt ra câu hỏi tại sao những hành vi manh động như vậy lại có thể xảy ra thường xuyên, và một số người thậm chí không ngần ngại khi bị ghi hình hay bị can ngăn?

Phải chăng là sự thiếu răn đe, sự suy giảm giá trị đạo đức?

Một phần không nhỏ những người thực hiện hành vi bạo lực tin rằng họ có thể thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật. 

Điều này có thể xuất phát từ những tiền lệ xử lý chậm trễ, không nghiêm minh hoặc thậm chí được bỏ qua trong một số trường hợp trước đây?

Đồng thời sự bùng nổ của mạng xã hội cũng khiến nhiều người có xu hướng sử dụng bạo lực như một cách để khẳng định bản thân hoặc giải tỏa bức xúc tức thời, bất chấp hậu quả.

Không chỉ ghi hình và cung cấp thông tin

Trước thực trạng này, phản ứng nhanh chóng và quyết liệt của lực lượng công an trong các vụ việc vừa qua là một tín hiệu đáng mừng. 

Việc xử lý kịp thời không chỉ thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, mà còn tạo niềm tin cho người dân về khả năng bảo vệ công lý của cơ quan chức năng.

Tuy nhiên xử lý các vụ việc sau khi xảy ra mới chỉ là giải pháp mang tính trước mắt. 

Để ngăn chặn tận gốc tình trạng bạo lực, cơ quan chức năng cần thực hiện các biện pháp mang tính phòng ngừa. 

Một điểm sáng trong các vụ việc gần đây chính là sự tham gia tích cực của người dân. Những đoạn video ghi lại cảnh hành hung, do người qua đường quay lại hoặc từ camera giám sát, đã trở thành bằng chứng quan trọng giúp công an nhanh chóng xử lý vụ việc. 

Đây là minh chứng cho thấy khi cộng đồng đồng lòng lên án cái xấu, chúng ta có thể góp phần quan trọng vào việc duy trì trật tự xã hội.

Và sự tham gia của cộng đồng không nên dừng lại ở việc ghi hình hay cung cấp thông tin. Chúng ta cần xây dựng một văn hóa ứng xử nơi công cộng, trong đó mọi người sẵn sàng hỗ trợ nhau và có thái độ kiên quyết chống lại bạo lực.

Một xã hội mà người dân đoàn kết, sẵn sàng can thiệp khi thấy bất công, sẽ là môi trường khó để các hành vi côn đồ tồn tại.

Đồng thời các chính sách bảo vệ người làm chứng hoặc người hỗ trợ cung cấp thông tin cần được áp dụng tốt, nhằm bảo đảm những người này không bị đe dọa hoặc trả thù. Đây là yếu tố quan trọng để khuyến khích người dân dũng cảm lên tiếng vì công lý.

Các biện pháp mạnh tay từ phía cơ quan chức năng phải kết hợp với vai trò không thể thiếu trong thay đổi nhận thức xã hội của giáo dục và truyền thông.

Giáo dục cần bắt đầu từ gốc rễ, thông qua việc dạy trẻ em về lòng nhân ái, cách giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình, và hậu quả nghiêm trọng của bạo lực...

Những bài học này không chỉ nên được giảng dạy trong trường học, mà còn cần được lồng ghép trong các chương trình cộng đồng và hoạt động xã hội.

Mặt khác truyền thông cần đẩy mạnh các chiến dịch nâng cao nhận thức về bạo lực nơi công cộng. Những chiến dịch này nên nhấn mạnh giá trị của sự văn minh, lòng khoan dung, và tinh thần trách nhiệm trong cộng đồng. 

Một xã hội văn minh không phải là xã hội không có xung đột, mà là nơi những xung đột được giải quyết một cách ôn hòa, công bằng, bảo đảm công lý được thực thi. 

Trị thói côn đồ trên đường, không chỉ đợi người dân ghi hình cung cấp thông tin - Ảnh 3.Những bài học trên đường, sự nhẫn nhịn và lời xin lỗi

Đừng nghĩ ai cũng hành xử kiểu 'hổ báo' khi va chạm nhau trên đường. Những câu chuyện trên đường sẽ là những bài học luôn được ghi nhớ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp