Vấn đề là làm sao quản lý bán thuốc online hiệu quả?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, các chuyên gia trong lĩnh vực dược đều cho rằng việc bán thuốc online cần được "nới" dần, bởi phù hợp với xu hướng thương mại điện tử hiện nay. Cũng giống như các nước trên thế giới, Việt Nam không thể cấm được việc mua bán thuốc qua hình thức online, quan trọng là kiểm soát như thế nào mà thôi.
Cần quy định đặc thù với "hiệu thuốc online"
Việc dự thảo Luật Dược sửa đổi cho phép mở rộng bán online một số loại thuốc không kê đơn, đang giúp người dân dễ dàng tiếp cận các loại thuốc không kê đơn mà không cần phải đến nhà thuốc. Tuy nhiên, với những thuốc kê đơn phải tính toán thật kỹ trước khi đưa ra quy định và hiện vẫn bắt buộc phải có theo dõi, giám sát của cán bộ chuyên môn.
"Bán thuốc online phụ thuộc nhiều vào cách thức quản lý và trình độ hiểu biết của người dân. Sau khi quản lý bán thuốc không kê đơn trực tuyến đã được nâng cao, chúng ta mới cho phép bán cả thuốc kê đơn trực tuyến.
Và khi bán thuốc online phải có tiêu chuẩn, quy định nghiêm ngặt như các cơ sở bán này phải được cấp phép đầy đủ, người bán thuốc bắt buộc phải có chuyên môn, chứng chỉ hành nghề", một vị chuyên gia về dược nói.
Nhận định về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm cao áp oxy Việt Nga (Bộ Quốc phòng) - phân tích thuốc không kê đơn là thuốc khi cấp phát, bán và sử dụng không cần đơn thuốc.
Và việc mua bán thuốc online các loại thuốc này cũng là nhu cầu của người dân. Để quản lý việc bán thuốc online rất cần có quy định chặt chẽ, quy định rất rõ ràng về luật pháp, hành lang pháp lý cụ thể để bảo vệ quyền lợi của các bên.
Theo đó, đầu tiên phải quản lý được các cơ sở kinh doanh thuốc trên các sàn thương mại điện tử. Việc này cần có sự kết hợp của Cục Quản lý dược, Bộ Công Thương... Kế đến phải đảm bảo được chất lượng thuốc, vận chuyển thuốc từ người bán đến tay người mua.
Bởi theo bác sĩ Hoàng, có những yếu tố về bảo quản thuốc không được đảm bảo dẫn tới việc thay đổi chất lượng thuốc gây ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.
Chưa kể các vấn đề khác như kiểm định chất lượng thuốc, tráo hàng, hạn sử dụng của thuốc...
Vì vậy, khi xây dựng chính sách các nhà chuyên môn cần tính toán kỹ, đưa ra các quy định chặt chẽ. Cần có những quy định "đặc thù" đối với các "hiệu thuốc online", chẳng hạn các yêu cầu về đáp ứng được hệ thống vận chuyển, quy trình vận chuyển nhằm đảm bảo thuốc không bị ảnh hưởng do tác động của môi trường.
"Cuối cùng là cần nâng cao nhận thức của người dân. Dù là mua trực tiếp hay mua thuốc online, người dân cần hiểu loại thuốc đó có phải thuốc kê đơn hay không. Cần đòi hỏi việc giao hàng phải đảm bảo, lựa chọn các cơ sở uy tín để mua hàng", bác sĩ Hoàng khuyến cáo.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Đức - chuyên gia dược học - cho biết thuốc chữa bệnh là mặt hàng đặc biệt và việc mua bán qua mạng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro như không kiểm soát được nguồn gốc thuốc, thuốc giả, không đúng chỉ định của thuốc... Đáng nói nếu thuốc mua trên mạng hay sàn giao dịch điện tử rất khó kiểm soát chất lượng thuốc và gây ra rất nhiều hậu quả cho người bệnh.
Theo ông, cần cấm tuyệt đối hình thức mua bán thuốc kê đơn qua mạng. Hiện nay tình trạng này khá phổ biến, do đó bản thân người dân cần phải nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của việc uống thuốc kê đơn nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường công tác kiểm tra, xử lý thật nghiêm các cơ sở buôn bán thuốc online bừa bãi, thuốc không có nguồn gốc xuất xứ để có tính răn đe.
Bộ Y tế: "Sẽ có hình thức quản lý"
Liên quan đến việc quản lý kinh doanh thuốc online, ông Nguyễn Hải Nam - phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - chia sẻ tại cuộc họp báo gần đây cho biết quá trình thanh tra kinh doanh quảng cáo thuốc qua mạng xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là việc xác định chủ thể vi phạm gồm công ty sở hữu sản phẩm, nhà phân phối, người sở hữu website, chủ tài khoản...
Đáng nói nhiều địa chỉ kinh doanh là địa điểm ảo, không có thật, hình thức giao dịch mua bán qua điện thoại, địa điểm giao nhận không cố định hoặc nhiều nơi không phải là cơ sở kinh doanh thuốc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Trong quá trình kiểm tra chưa có đủ phương tiện, công cụ để lưu trữ chứng cứ xử lý vi phạm.
"Sở Y tế thường xuyên theo dõi việc quảng cáo, kinh doanh thuốc trên các kênh thông tin điện tử, triển khai ứng dụng y tế trực tuyến và đường dây nóng để người dân có thể phản ánh ngay về việc kinh doanh thuốc qua mạng, thuốc không rõ nguồn gốc...
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan để kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm ngay sau khi nhận được phản ánh, tuy nhiên việc này đang gặp khó" - ông Nam nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho hay dự kiến Luật Dược sửa đổi sẽ bổ sung quy định yêu cầu một cơ sở muốn thực hiện việc bán thuốc thương mại điện tử phải được đánh giá cụ thể điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự, hồ sơ tài liệu; phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.
"Nghĩa là đây phải là một cơ sở kinh doanh hiện hữu, đã được cấp phép kinh doanh theo phương thức truyền thống. Bán hàng trực tuyến chỉ là một hoạt động được thực hiện song song với bán hàng truyền thống. Do đó, dù kinh doanh theo phương thức truyền thống hay kinh doanh trực tuyến, cơ sở vẫn phải tuân thủ các quy định chung", vị này nêu rõ.
Ngoài ra theo vị này, dự thảo quy định chỉ được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử đối với thuốc không kê đơn.
Nghiêm cấm kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử thông qua các phương tiện không phải là sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.
Và trách nhiệm của cơ sở bán lẻ thuốc là phải cung cấp thông tin cho khách hàng về thuốc và tư vấn sử dụng thuốc.
Tại dự thảo cũng đã có quy định cơ sở khi kinh doanh theo thương mại điện tử có trách nhiệm đăng tải thông tin về giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của cơ sở, giấy đăng ký lưu hành của thuốc, các thông tin được phê duyệt về thuốc.
Theo đại diện Cục Quản lý dược, dự kiến khi Luật Dược sửa đổi được ban hành, các thông tư hướng dẫn thực hành tốt bán lẻ thuốc sẽ được điều chỉnh và sửa đổi theo và có các yêu cầu cụ thể đối với hoạt động của cơ sở kinh doanh thuốc theo hình thức thương mại điện tử. Trong đó, bao gồm cả cách thức tiến hành, tư vấn hướng dẫn sử dụng thuốc, trách nhiệm của người phụ trách chuyên môn đối với việc bán thuốc trên môi trường điện tử cho phù hợp với đặc thù của hình thức kinh doanh này.
"Ví dụ như việc kiểm soát, phê duyệt cấp phát thuốc của cơ sở bán lẻ; việc tư vấn và ghi lại nội dung thông tin tư vấn sử dụng thuốc trước khi thuốc được giao cho khách hàng...
Quy định nhận đơn hàng trực tuyến nhưng trước khi thực hiện việc bán phải có liên hệ trực tuyến hoặc bằng điện thoại để xác định có thuộc trường hợp được bán thuốc không, tư vấn sử dụng trước khi bán thuốc cho người mua. Bên cạnh đó sẽ xây dựng chế tài xử phạt đối với những trường hợp vi phạm" - đại diện Cục Quản lý dược phân tích.
Kiểm soát giá bán buôn của 25.000 mặt hàng: liệu có khả thi?
Tại phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Dược sửa đổi, đã có ý kiến đề xuất quản lý giá bán buôn thuốc dự kiến, thay thế việc kê khai giá bán buôn dự kiến như hiện nay nhằm tránh nhầm với biện pháp kê khai giá trong Luật Giá.
Ông Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp về dược học, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng nếu quản lý giá cần xem cơ cấu giá mà nhà sản xuất/kinh doanh công bố có đúng không, nhưng thị trường thuốc hiện nay có 25.000 mặt hàng, muốn xem cơ cấu giá của 250 nhà máy và rất nhiều nhà nhập khẩu là khó khả thi.
"Cùng một mặt hàng nhưng mỗi nhà sản xuất dựa trên mức đầu tư, công nghệ, vận hành... lại có giá khác nhau, kiểm soát giá của từng mặt hàng như vậy là rất khó vì đó cũng là bí mật của nhà sản xuất/kinh doanh. Muốn quản lý giá nhưng không nắm được cơ cấu giá và thị trường có nhiều mặt hàng như vậy thì quản lý rất khó, và quản lý giá khi đó cũng sẽ như kê khai giá hiện nay" - ông Truyền nhận xét.
Ông Truyền cũng cho rằng hiện nhiều quốc gia quản lý giá thuốc theo thặng số toàn chặng, giá xuất xưởng/nhập khẩu của sản phẩm sẽ được cộng thêm 20% lãi trần khâu bán buôn, 20% lãi trần bán lẻ, doanh nghiệp, nhà thuốc giỏi quản lý thì có thể giảm phần lợi nhuận xuống, giá bán của họ sẽ rẻ hơn và sẽ có nhiều người mua hơn. Việc thanh tra, kiểm tra cũng rất dễ dàng dựa trên hóa đơn và tỉ lệ lãi trần này.
Việc quản lý này cũng sẽ chặn được việc mua bán thuốc lòng vòng nhằm đẩy giá đã từng xảy ra tại Việt Nam, bởi toàn bộ khâu bán buôn chỉ có lợi nhuận 20%, không thể mua bán qua lại (thực chất là mua bán trên hóa đơn) để tăng giá thuốc.
Một chuyên gia khác cho hay với thị trường có 25.000 mặt hàng chỉ nên hậu kiểm nếu có mặt hàng giá cao bất thường.
* Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội):
Bán thuốc online tốt sẽ có nhiều lợi ích
Tôi đồng tình với việc tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật Dược sửa đổi về kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử. Trong đó, chủ yếu chỉ cho bán online với các loại thuốc không kê đơn, còn muốn bán online với các loại thuốc kê đơn phải có điều kiện chặt chẽ.
Tôi kiến nghị cho phép bán thuốc online đối với các trường hợp thực hiện khám chữa bệnh online, có đơn thuốc của bác sĩ. Nhưng việc này chỉ thực hiện đối với các nhà thuốc đã được đăng ký, có uy tín, tên tuổi, địa chỉ rõ ràng. Đồng thời, phải có chuyên gia tư vấn và đội ngũ shipper thuốc cho các nhà thuốc này cũng phải được đăng ký, khi cần có thể liên hệ được ngay…
Nếu việc bán thuốc online tốt và chuẩn sẽ mang lại lợi ích cho xã hội.
* Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình):
Cần quy định cụ thể hơn
Cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc luật hóa quy định kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử là cần thiết.
Việc này nhằm điều chỉnh vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn và còn khoảng trống pháp lý. Tuy vậy, tôi vẫn còn khá băn khoăn với việc cho phép kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử hay còn gọi bán thuốc online. Đặc biệt thuốc là loại hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng đến sức khỏe và cả tính mạng của người dùng.
Vậy nên chăng dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn nữa về các loại thuốc được kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử. Cùng với đó là đối tượng được tham gia mua bán, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, trách nhiệm của các bên liên quan khi xảy ra sự cố, các điều kiện để cho phép tổ chức sàn giao dịch điện tử đối với dược phẩm. Đặc biệt, cần có chế tài xử lý thật nghiêm đối với các vi phạm xảy ra trong hoạt động này.
* Đại biểu TRẦN THỊ NHỊ HÀ (phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội):
Cần thêm nhiều giải pháp
Quy định tại dự thảo Luật Dược sửa đổi còn một số điểm cần nghiên cứu, đánh giá tính khả thi khi triển khai thi hành luật.
Dự thảo quy định đối với thuốc thuộc danh mục thuốc kê đơn chỉ được bán buôn thương mại điện tử, mà không được bán lẻ thương mại điện tử.
Tuy nhiên, quy định này khi triển khai chắc chắn sẽ có vướng mắc vì việc mua bán thuốc thương mại điện tử rất khó phân biệt được giữa hình thức bán buôn và hình thức bán lẻ.
Để tăng tính khả thi của luật, tôi cho rằng dự thảo sửa đổi đối với thuốc thuộc danh mục thuốc kê đơn không thực hiện phương thức thương mại điện tử (cả bán buôn hoặc bán lẻ). Trong trường hợp nếu giữ nguyên như quy định hiện nay, phải quy định rất rõ trách nhiệm của các bên, trách nhiệm của doanh nghiệp tổ chức sàn thương mại điện tử, website điện tử để làm rõ được hình thức bán buôn, hình thức bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử.
Về giao thuốc đến người mua, cần cân nhắc vì thuốc không như các hàng hóa thông thường, việc vận chuyển thuốc phải đảm bảo các điều kiện theo quy định về thực hiện tốt phân phối thuốc (GDP).
Mua bán thuốc trực tuyến ở Trung Quốc ra sao?
Năm 2022, Trung Quốc ban hành quy định mới trong Luật Quản lý dược phẩm hiện hành nhằm giám sát việc bán thuốc qua các kênh thương mại điện tử, cũng như tạo tiền đề để các doanh nghiệp dược trong nước mở rộng kênh phân phối thông qua hình thức bán hàng trực tuyến.
Trước đây, Trung Quốc nổi tiếng với các quy định nghiêm ngặt trong việc mua bán thuốc thông qua Internet. Đặc biệt, nước này từng cấm tuyệt đối các hành vi bán thuốc kê đơn trực tuyến. Tuy nhiên theo thời gian, Luật Quản lý dược phẩm dần nới lỏng trong quy định bán thuốc qua các kênh thương mại điện tử.
Về quy trình quản lý các hoạt động mua bán thuốc, các doanh nghiệp và cơ sở bán thuốc trực tuyến có thể bán thuốc kê đơn, tuy nhiên phải tuân theo các quy định cụ thể. Thuốc kê đơn trước khi được bán qua các kênh trực tuyến phải đảm bảo tính xác thực và mức độ tin cậy của đơn thuốc, đồng thời cần xác minh danh tính thật của người mua.
Không chỉ vậy, các nhà bán lẻ thuốc trực tuyến phải ký kết thỏa thuận với bên cung cấp đơn thuốc trực tuyến và bên phân phối thuốc theo đơn một cách nghiêm ngặt và minh bạch theo quy định của pháp luật, đồng thời đánh dấu những đơn thuốc đã giao dịch để tránh trường hợp người mua sử dụng đơn thuốc đó nhiều lần.
Ngoài ra, Trung Quốc cho phép người mua sử dụng bản sao của đơn thuốc để mua thuốc trên các nền tảng trực tuyến, với điều kiện họ phải cam kết không sử dụng lại các đơn thuốc này.
Bên cạnh việc mở rộng về chính sách mua bán thuốc, Trung Quốc còn quy định rất rõ về các loại thuốc không được bán trực tuyến bao gồm vắc xin, các chế phẩm từ máu, chất gây nghiện, thuốc hướng thần, chất độc dùng trong y tế, chất phóng xạ, tiền chất và các loại thuốc bị cấm bán trực tuyến trong danh sách của Cục Quản lý sản phẩm y tế quốc gia cấp trung ương Trung Quốc (NMPA).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận