Bà con Tiền Giang xếp hàng nhận nước ngọt miễn phí - Ảnh: M.TRƯỜNG
Khôi phục ao hồ là hơi muộn, lẽ ra việc này phải làm sớm hơn. Phải tích trữ nước ngọt trong mùa mưa lũ để sử dụng tiết kiệm trong mùa nắng và chấm dứt trồng lúa vùng mặn, cho dù đó là vùng ngọt hóa.
GS.TS VÕ TÒNG XUÂN
Thực tế hằng năm trong mùa mưa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nước ngập khắp nơi. Nhưng lượng nước khổng lồ này thoát hết ra biển vì không còn nơi chứa lại cho mùa nắng. Trữ nước là chuyện sẽ phải làm nhưng cần thận trọng với việc đầu tư các giải pháp công trình xây hồ cực lớn để trữ nước.
Trong đợt hạn mặn 2020 này, một số tỉnh ĐBSCL đã có đề xuất trung ương xây dựng các hồ chứa nước lớn hàng trăm tỉ đồng. Theo tôi, đây là một đề xuất không khả thi, đơn giản là vì còn đất đâu mà xây hồ.
Vùng ĐBSCL ngày xưa, trước khi được phát triển thành một vùng chủ yếu trồng lúa như hiện nay, đã có những vùng trũng thiên nhiên rộng lớn như Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, chúng ta đã lấp để trồng lúa rồi.
Đến bây giờ các tỉnh mới nghĩ đến việc khôi phục ao hồ là hơi muộn, lẽ ra việc này phải làm sớm hơn. Ông bà ta đã đào ao, đìa quanh nhà, tận dụng các hố bom để cuối mùa mưa nước ngọt và cá tôm rút vào đó trú ẩn.
Ông bà ta còn mua nhiều lu, khạp hoặc xây hồ bêtông âm dưới sàn nhà để tích trữ nước mưa, nhờ vậy đến mùa nắng khô hạn không thiếu nước dùng.
Tôi đề xuất trong khi không có đất trống để xây hồ chứa lớn nên trồng lúa vụ 3 ở những vùng thường ngập lũ vừa phù hợp điều kiện làm nơi tích trữ nước ngọt trong mùa mưa lũ. Các vùng lúa còn lại có thể xây dựng lại với hệ thống mương liếp cao, thiết lập vùng cây ăn trái.
Những mương sâu giữa các liếp cây ăn trái sẽ là những hồ chứa nước ngọt để sử dụng qua mùa nắng hạn. Quanh nhà nông dân, mỗi hộ có thể mua bồn chứa nước mưa sử dụng suốt mùa nắng.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, sự can thiệp vào dòng chảy (đầu tư công trình ngăn mặn) thường đưa tới những bất lợi cho sinh thái của lưu vực sông.
Hiện nay Hà Lan, quốc gia có ba con sông lớn bị đắp đập ngăn mặn từ lâu, đã thấy những tác hại của những đập ngăn mặn nên từ năm 2007 đã có chương trình chủ yếu mở đập tại cửa sông và đắp đê hai bên bờ sông cho nước lưu thông tự do.
Chúng ta phải chấp nhận thực tế nước ngọt trong mùa nắng ngày càng hiếm, nước mặn sẽ tiến sâu thêm vào đất liền trong những đợt triều cường. Bởi vậy, tôi nghĩ người dân và chính quyền các tỉnh ĐBSCL cần phải đổi mới cách nghĩ và cách làm.
Phải tích trữ nước ngọt trong mùa mưa lũ để sử dụng tiết kiệm trong mùa nắng, giảm bớt diện tích trồng lúa trên các vùng nhiễm mặn và áp dụng kỹ thuật tưới xen kẽ cho ruộng lúa tại vùng có nước ngọt, đẩy mạnh sản xuất cây trồng và vật nuôi thích nghi vùng mặn.
Nếu nuôi tôm thì nên có hệ thống giếng khoan sâu để điều hòa độ mặn thích hợp. Chấm dứt trồng lúa vùng mặn, cho dù đó là vùng ngọt hóa.
Chương trình đã “cứu khát kịp thời”
Ông Phạm Chánh Trực (Năm Nghị) - nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM - đã nói như thế về chương trình hỗ trợ bà con vùng hạn, mặn do báo Tuổi Trẻ phát động.
Ông Phạm Chánh Trực trao đổi chia sẻ đóng góp với chương trình “Nước cho vùng hạn mặn” - Ảnh: T.DÂN
Chia sẻ với nỗi khổ thiếu nước của người dân, vì vậy khi hay tin báo Tuổi Trẻ phát động chương trình "Nước cho vùng hạn, mặn", ông Trực đã ủng hộ chương trình để hỗ trợ bà con số tiền 10 triệu đồng.
"Việc "cứu khát" này chỉ là giải pháp tạm thời trước mắt. Về lâu về dài, các địa phương cần những giải pháp căn cơ để thích ứng, không bị động trước tình trạng hạn mặn có thể xảy đến những năm sau" - ông Trực đề nghị.
GS.TS Trần Đình Hòa (phó giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam):
Ba giải pháp giữ nước ngọt
Huy động và sử dụng các giải pháp trữ nước ngọt một cách hợp lý là điều nên làm. Về vấn đề này, có thể tạm chia ra ba nhóm giải pháp.
Thứ nhất, khôi phục hệ thống các ao hồ nhỏ tại những khu dân cư. Giải pháp này không những góp phần trữ nước ngọt phòng hạn mà còn góp phần điều tiết một phần nguồn nước trong mùa lũ, cải tạo môi trường, hệ sinh thái.
Thứ hai, tận dụng các nhánh sông để trữ nước với chức năng như các hồ chứa nước tự nhiên. Việc duy trì được nguồn nước trong các nhánh sông này còn giúp giữ ổn định mực nước ngầm, giảm thiểu nguy cơ sụt lún đất.
Vấn đề đặt ra cho giải pháp này là việc bổ cập nguồn nước, ngăn nguồn nước mặn xâm nhập, xử lý giao thông thủy và tình trạng ô nhiễm môi trường khi dòng chảy trong sông không được lưu thông thường xuyên.
Thứ ba, xây dựng các hồ chứa nước lớn (nhân tạo) tại các vùng khan hiếm nước. Việc xây dựng các hồ chứa ở ĐBSCL rất khác vùng miền núi Bắc Bộ hay Trung Bộ. Trong đó, có hai điểm khác biệt rất quan trọng.
Hầu hết các hồ chứa phía Bắc được xây dựng ở các cao trình cao hơn các vùng cần lấy nước. ĐBSCL là vùng đất có đặc điểm địa chất, tính chất thổ nhưỡng khá phức tạp. Trong đó, vấn đề đất chua phèn, nước nhiễm phèn, nhiễm mặn nhiều khi đan xen nhau.
Vì vậy, nếu việc nghiên cứu, khảo sát vị trí xây dựng các hồ chứa thiếu chính xác sẽ gây thiệt hại lớn. Việc đánh giá hiệu quả tổng hợp kinh tế - kỹ thuật cần phải hết sức thận trọng.
Ông Lương Minh Quyết (giám đốc Sở nn&ptnt tỉnh Sóc Trăng):
Tận dụng hệ thống kênh rạch có sẵn
Giải pháp đào hồ khủng để trữ nước ngọt sẽ tốn nhiều kinh phí và quỹ đất sản xuất lúa. Do vậy, Sóc Trăng chọn phương án tận dụng hệ thống kênh rạch sẵn có để trữ nước: kiên cố hệ thống cống để nạo vét toàn bộ hệ thống kênh cấp 3 trở lên để trữ nước cho cả vùng.
Riêng với người dân, vận động tập trung nạo vét sâu hệ thống thủy lợi nội đồng. Sóc Trăng cũng đang triển khai mô hình người dân tự nạo vét ao đìa hoặc dành từ 5-10% diện tích đất để đào sâu trữ nước. Đây là giải pháp căn cơ nhằm thích ứng với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn trong tương lai.
1,75 tỉ đồng
Đó là tổng số tiền bạn đọc và doanh nghiệp chung tay đóng góp cho chương trình "Nước cho vùng hạn mặn" (tính đến 16h ngày 18-3). Báo Tuổi Trẻ sẽ phối hợp cùng các ban ngành hỗ trợ khẩn cấp bồn chứa, nước ngọt cho bà con những vùng bị hạn mặn nặng nề.
Tiếp sau đó, chương trình sẽ thực hiện nhiều công trình hỗ trợ dài lâu cho bà con vùng thiếu nước ngọt ở ĐBSCL, Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung.
Chắt chiu từng giọt nước
"Đong đếm từng hạt mưa - Chắt chiu từng giọt nước" - đó là thông điệp của Ngày nước thế giới và Ngày khí tượng thủy văn thế giới 2020 (ngày 22-3 và 23-3).
Năm nay, Ngày khí tượng thủy văn thế giới và Ngày nước thế giới cùng chia sẻ chủ đề: "Khí hậu và nước", cùng là các yếu tố trọng tâm của các mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Nước được xem là tài nguyên quý giá của thế kỷ 21.
Thế giới đang đối mặt với những thách thức ngày càng lớn liên quan đến vấn đề lũ lụt, hạn hán và những hạn chế trong việc tiếp cận nguồn nước sạch. 1/4 dân số trên thế giới đang gặp phải khủng hoảng nguồn nước.
Theo dữ liệu mới của Viện Tài nguyên thế giới (World Resources Institute) công bố, 17 quốc gia đang chịu áp lực do thiếu nước, nhiều nước (từ Ấn Độ qua Iran đến Botswana) đang sử dụng gần như tất cả lượng nước họ có.
Rất nhiều thành phố lớn cạn kiệt nguồn nước. Năm 2018, thế giới phải làm quen với khái niệm Day Zero, nghĩa là ngày mà ngay cả những con đập cũng không còn một giọt nước. Trong khi đó, dân số ngày một tăng, con người cần không chỉ nước sinh hoạt mà còn nước cho nông nghiệp, công nghiệp cũng tăng theo.
Ở Việt Nam, bà con nông dân ở khu vực ĐBSCL đang phải chống chọi với hạn hán và nước mặn xâm lấn vào sâu trong đất liền. Người dân miền Trung, đặc biệt khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, sắp phải đối diện với thảm kịch thiếu nước được dự báo còn khốc liệt hơn năm 2019 khi hạ nguồn thiếu nước, hạ du bị xâm nhập mặn trước cả mùa khô.
Giữa mùa diễn biến hạn mặn, những thùng chứa nước - món quà của bạn đọc báo Tuổi Trẻ kịp thời đến với bà con càng quý báu hơn. Không chỉ giúp bà con đỡ vất vả trước mắt mà còn mang thông điệp trữ nước và tiết kiệm nước.
Lâu nay, việc mở vòi có nước cũng khiến chúng ta quên mất việc phải tiết kiệm nước. Bởi vì có nhìn thấy lượng nước còn lại đâu mà xài dè sẻn lại? Nhưng nhìn ruộng đồng khô cháy, ao tôm nước mặn chát, kênh mương trơ đáy, cây trái, trâu bò đứng trước nguy cơ chết khát mới thấy rõ nỗi khổ hiện tượng hạn mặn khốc liệt.
Con người không thể sống khỏe quá ba ngày nếu không có nước. "Chắt chiu từng giọt nước" vì vậy rất quan trọng trong cuộc sống, sản xuất lương thực, tất cả hàng hóa, dịch vụ và môi trường. Những thành phố lớn (Đà Nẵng là một ví dụ) cũng sẽ thiếu nước dùng khi nguồn nước cấp thiếu thốn và nhiễm mặn.
Giải pháp là gì? Bà con mình đang chia sẻ nhau những thùng nước ngọt, đó là điều đáng quý. Nhưng không thể trông chờ mãi vào sự chi viện nào. Không có giải pháp nào bằng giải pháp tự thân vận động với điều kiện tại chỗ.
Sẽ có những hệ thống lọc nước mặn công suất lớn ở miền Tây, sẽ đến thời điểm cũng phải sử dụng cách này vì nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm. Nhưng như vậy ngân sách sẽ thêm gánh nặng trong khi ngân sách quốc gia đang gồng gánh quá nhiều thứ rồi.
Đời sống chúng ta đang và sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ khi thiếu nước diện rộng. Và lượng nước mưa đang bị bỏ phí. Giữ lại nguồn nước khi còn có nguồn nước sạch, đó là chuyện không của quốc gia nào.
Và trữ nước, tiết kiệm nước là chuyện của từng người, từng nhà, không chỉ là người dân vùng hạn mặn.
NGUYÊN HẢI (Quảng Nam)
Kính phí ủng hộ chương trình mời bạn đọc đóng góp trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ các khu vực hoặc chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM hoặc ví điện tử Momo "Chung tay cùng Tuổi Trẻ". Nội dung chuyển tiền: Ủng hộ vùng hạn mặn.
Bạn đọc ở nước ngoài có thể chuyển khoản về chủ tài khoản báo Tuổi Trẻ: tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận