Hành khách vật vã chờ chuyến bay bị delay ở sân bay Nội Bài tối 23-7 - Ảnh : T.B.D
Hơn một tuần qua, đúng vào thời điểm hè và tháng cao điểm của du lịch, tình trạng delay, hủy chuyến liên tục của các hãng hàng không khiến hành khách, công ty lữ hành bức xúc khi bị xáo trộn lịch trình vì... delay.
Ghi nhận nhiều ngày qua tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), bên trong nhà ga hành khách xếp hàng dài làm thủ tục, trên các băng ghế hình ảnh hành khách ngồi bơ phờ, nằm xuống sàn vì quá mệt khi bị hoãn giờ bay xảy ra thường xuyên. Các quầy đại diện của Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways luôn trong tình trạng căng thẳng vì khách đến hỏi tới tấp về thông tin chuyến bay bị delay kéo dài 3-5 tiếng.
Không chỉ hành khách mệt mỏi khi đến sân bay, nhiều đoàn công tác, đơn vị lữ hành cũng ngao ngán về điệp khúc mỗi khi hè về, đi du lịch đông thì hàng không delay, hủy chuyến miệt mài. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Long - tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt - cho rằng ngành du lịch đang trong giai đoạn tăng tốc mùa cao điểm hè thì gặp trở ngại lớn "airlines".
Tour du lịch thường ngắn ngày, khi hàng không "trở chứng" chậm chuyến kéo dài, khả năng tour bị "bể" tăng cao.
Cùng quan điểm, nhiều đơn vị lữ hành cũng sốt ruột vì giờ bay bị thay đổi khi tour đã chốt bán. Không chỉ tình trạng delay 2-3 tiếng mà còn xuất hiện tình trạng bay sớm hơn so với lịch khởi hành ban đầu.
Điều này khiến hành khách và công ty du lịch rơi vào thế bị động, không thể xoay xở nên buộc phải hủy tour. Không ít tour khách "giận" lây cả công ty lữ hành vì họ phải vạ vật ở sân bay hoặc vừa xuống sân bay phải lên xe đi tham quan ngay vì... máy bay trễ chuyến.
Bà Trần Thị Bảo Thu - giám đốc ban tiếp thị và truyền thông Fiditour - cho rằng do ảnh hưởng của COVID-19, hành khách cũng có thay đổi về lịch đi lại với những chặng đi ngắn hơn.
Trong dịp hè, công ty cơ cấu sản phẩm, ưu tiên các tour tuyến đường bộ hoặc đường thủy, giảm phụ thuộc vào hàng không.
Theo các hãng bay, việc hoãn, hủy chuyến tăng mạnh trong thời điểm đường băng Tân Sơn Nhất và Nội Bài đang sửa chữa, nâng cấp khiến năng lực khai thác ở 2 sân bay này giảm xuống 30 - 35%. Trong khi đó, sản lượng bay lại có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước khiến tình trạng chậm, hủy chuyến bay gia tăng đột biến.
Mỗi ngày có hàng chục chuyến bị chậm
Đại diện Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways đều khẳng định tuân thủ đúng quy định của Cục Hàng không VN về việc mở bán vé, không dồn chuyến... Tuy nhiên, tình hình khai thác chuyến bay tăng mạnh, tỉ lệ chậm hủy chuyến cũng tăng theo chưa có dấu hiệu giảm. Thống kê lịch khai thác các chuyến bay những ngày gần đây (từ 22 đến 24-7) cho thấy trung bình mỗi ngày Tân Sơn Nhất có 539 lượt cất hạ cánh, Nội Bài 477 lượt cất hạ cánh, số chuyến bay bị chậm từ 66 - 74 chuyến.
* Ông Vũ Thế Phiệt (TGĐ Tổng công ty Cảng hàng không VN - ACV):
Mở thêm cửa ra máy bay
Từ ngày 1-7 bắt đầu sửa đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất, trong quá trình thi công dự án sẽ có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động khai thác của các hãng bay và việc đi lại của hành khách. Theo quy định slot mới của Cục Hàng không VN, ở sân bay Tân Sơn Nhất sẽ khai thác trung bình 30 - 32 chuyến/giờ, thay vì 44 chuyến/giờ như trước, nên hoạt động các chuyến bay ổn định hơn.
Bên trong nhà ga, chúng tôi đã triển khai nhiều phương án, trong đó mở thêm cửa ra máy bay 8, 9 ở ga quốc tế để khai thác cho các chuyến bay quốc nội. Với phương án này sẽ giảm tải ách tắc hành khách chờ đông đúc ở nhà ga.
* Bà Đoàn Thị Mai Hương (TGĐ Công ty CP dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất - SASCO):
Tăng phục vụ thức ăn nhanh
Khác với mọi năm, cao điểm hè khách có xu hướng đi du lịch quốc tế thì nay tập trung vào nội địa. Vì lẽ đó, nhiều loại hình dịch vụ rơi vào tình trạng quá tải dồn vào 1 tháng hè. Hàng không khai thác trong giai đoạn sửa đường băng, tình trạng chậm chuyến kéo dài, hành khách mệt mỏi ngồi đợi chờ giờ khởi hành nên nhu cầu ăn uống tăng mạnh. Ngoài các mặt hàng đang được bày bán, chúng tôi đã tăng thêm các loại thức ăn nhanh, nước uống như đồ ăn vặt, cơm, bánh ngọt... để hành khách có thể thuận tiện mua với giá rẻ hơn quán ăn, nhà hàng trong sân bay.
* Ông Đoàn Hữu Gia (TGĐ Công ty Quản lý bay VN):
Lập phân khu mới để hạn chế nghẽn bầu trời
Tình trạng tăng trưởng hoạt động bay nhanh chóng, khai thác cao gấp đôi công suất vận hành khiến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tại một số thời điểm rơi vào tình trạng tắc nghẽn từ nhà ga, sân đỗ cho đến quá tải vùng trời. Những tắc nghẽn này gây không ít khó khăn cho công tác quản lý điều hành bay của các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu.
Do đó, Tổng công ty Quản lý bay VN mới đây đã áp dụng phương thức quản lý bay mới tại sân bay Tân Sơn Nhất trong điều kiện chỉ có một đường băng. Nhân viên điều hành không lưu phải linh hoạt điều tiết đan xen giữa một tàu bay đi và đến để ra đường cất, hạ cánh sớm nhất.
Đồng thời thiết lập phân khu 6 dựa trên phân chia ranh giới trách nhiệm phân khu riêng biệt gồm luồng máy bay đi, đến sân bay Tân Sơn Nhất. Từ đó giúp các máy bay có được quỹ đạo hoạt động tối ưu, chủ động biết trước thứ tự tiếp cận hạ cánh, góp phần nâng cao an toàn và hiệu quả trong công tác điều hành khai thác hoạt động bay, hạn chế tắc nghẽn tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Xây thêm sân bay, có giảm được trễ chuyến?
Hành khách trông chờ bớt bị delay hơn là có thêm sân bay mới - Ảnh: C.TRUNG
Chuyện tỉnh nào cũng muốn xây sân bay, tôi nhớ không phải gần đây mới có mà đã được báo chí phản ánh từ nhiều năm trước. Đề xuất của tỉnh Quảng Trị mới đây không có gì bất ngờ, có bất ngờ chăng là lý do phục vụ nhu cầu du lịch tâm linh mà lãnh đạo tỉnh này viện dẫn để thuyết phục cấp thẩm quyền xem xét.
Xin nói ngay rằng, việc đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó có sân bay, với tư cách một người dân, tôi rất ủng hộ nếu những dự án đó thật sự là cần thiết và điều kiện tài chính quốc gia cho phép, không lãng phí tiền của của người dân và của xã hội.
Theo thông tin trên Tuổi Trẻ ngày 24-7, hiện cả nước có 22 sân bay, trong đó chỉ có 6 sân bay khai thác có lãi. Không kể sân bay Vân Đồn do tư nhân đầu tư, nguồn thu từ hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất phải bù lỗ cho 15 sân bay khác do Nhà nước đầu tư và quản lý. Tôi tin chắc rằng nếu sân bay Quảng Trị được xây dựng thì sẽ chỉ góp thêm vào danh sách 15 + 1 kia thôi.
Vì sao? Theo tính toán của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, lượng khách du lịch đến tỉnh này khoảng 2 triệu lượt/năm và công suất phục vụ của sân bay Quảng Trị là 1 triệu lượt khách/năm.
Có ai tính toán được trong số 2 triệu lượt khách tới Quảng Trị kia có bao nhiêu người đến từ các tỉnh xa, bao nhiêu là từ các tỉnh lân cận và bao nhiêu trong số họ có nhu cầu và có khả năng đi lại bằng máy bay? Tôi cho rằng rất khó và phải rất lâu để có thể đạt được con số 1 triệu hành khách đến Quảng Trị bằng máy bay như kỳ vọng.
Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, các sân bay nhỏ (tạm gọi là tỉnh lẻ) thường rất ít chuyến, thậm chí chỉ 1 chuyến đến - đi mỗi ngày, nên không phải là lựa chọn của khách du lịch vì chỉ cần trục trặc nhỏ là vỡ kế hoạch ngay.
Thay vào đó, hành khách sẽ chọn điểm đến là sân bay khác gần đó có nhiều chuyến hơn để linh động giờ giấc. Chẳng hạn, nếu muốn viếng nghĩa trang Trường Sơn, cá nhân tôi sẽ chọn bay tới Huế rồi đi ôtô ra Quảng Trị hơn là bay thẳng.
Các công ty du lịch cũng thế, họ sẽ thiết kế tour tới Huế rồi kết hợp ra Quảng Trị chứ không mạo hiểm đặt vé cho khách hàng của họ bay trực tiếp tới Quảng Trị, vì chỉ cần hãng bay hủy chuyến là họ đền hợp đồng cháy túi.
Trong khi đó, vấn đề người đi máy bay bức xúc nhất hiện nay là trình trạng chậm, hủy chuyến. Nên chăng, Nhà nước hãy dành nguồn lực để giải quyết điểm nghẽn này trước khi tính chuyện mở thêm sân bay mới!
LÊ THANH TIỀN (Bình Dương)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận